Năm 2022, Việt Nam sẽ có 16 hoa hậu, 32 á hậu

Đăng lúc: 8:08 am, Ngày 14/04/2022

Chính sách "cởi trói" cho các cuộc thi hoa hậu đã dẫn đến kết quả các cuộc thi mọc lên như nấm sau mưa. Việt Nam sẽ có ít nhất 16 hoa hậu, 32 á hậu và nhiều hơn thế nữa trong năm 2022 khi hiện đã có hơn 16 cuộc thi nhan sắc đã và sắp tổ chức

Ghi nhận của Thanh Niên ở thời điểm này, cả nước hiện có hàng loạt cuộc thi nhan sắc đang được tổ chức rầm rộ, thu hút đông đảo người đẹp dự thi như: Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu, Người đẹp Du lịch ASEAN+, Gương mặt thời trang The Face Việt Nam… 
 
Bên cạnh đó, các cuộc thi hoa hậu khác cũng đang rục rịch ra thông báo hoặc nhận hồ sơ thí sinh như: Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam, Hoa hậu Duyên dáng hoàn vũ, Hoa hậu Hòa bình quốc tế Việt Nam, Hoa hậu Ảnh thể dục thể thao Việt Nam, Hoa hậu Việt Nam thời đại, Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Điện ảnh Việt Nam, Hoa hậu Trái đất Việt Nam, Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam qua ảnh, Hoa hậu Quý bà Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên Hợp Quốc Việt Nam… Trong khi đó, cuộc thi Hoa hậu Sinh thái Việt Nam đã tổ chức xong vào cuối tháng 1 năm nay. Ngoài ra, 2 cuộc thi hoa hậu quốc tế có thể sẽ diễn ra tại Việt Nam trong năm nay là Miss Charm và một cuộc thi khác được tổ chức nhằm quảng bá du lịch.
Các thí sinh của Hoa hậu Thế giới Việt Nam
 
Những năm trước, Việt Nam chỉ cho phép tổ chức 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia mỗi năm, và có những cuộc thi đã tạo dựng được uy tín, sự yêu mến của khán giả như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam… Tuy nhiên, quy định mới nhất theo Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (có hiệu lực từ ngày 1.2.2021) cho phép tổ chức các cuộc thi hoa hậu không giới hạn số lượng trong một năm. Đó là lý do khiến “đấu trường nhan sắc” Việt đang thực sự rộn ràng “vào mùa” tranh tài, nhất là khi nhiều quy định về thi nhan sắc đã được sửa đổi, nới lỏng, không còn nhiêu khê thủ tục hành chính cùng tình trạng “giấy phép con” như trước, đồng thời bỏ hoàn toàn thuật ngữ “cấp phép”, thay bằng thuật ngữ “văn bản chấp thuận”. Việc tổ chức thi nhan sắc sẽ không cần phải xin cấp phép từ Cục Nghệ thuật biểu diễn mà chỉ cần UBND cấp tỉnh - nơi diễn ra cuộc thi - chấp thuận.
 
Nghị định 144 cũng không quy định thí sinh phải có vẻ đẹp tự nhiên, tức chấp nhận thí sinh đã qua phẫu thuật thẩm mỹ. Vì thế, các cô gái ngày nay như được “mở lòng” hơn (trước đây chỉ sửa lại một hai cái răng đã bị loại vì vi phạm vẻ đẹp tự nhiên), càng nô nức thi hoa hậu nhiều hơn, chạy sô dự thi khắp nơi, rớt cuộc này thi tiếp chỗ khác. Nhiều công ty trong các lĩnh vực như du lịch, bất động sản… cũng “nhảy vào cuộc chơi” này nhằm quảng bá cho các dự án, khu vui chơi, giải trí của mình...
 
Quy định mới về thi người đẹp sau khi cơ quan quản lý ban hành đã được nhiều người hoạt động trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn cho là “thông thoáng, cấp tiến, cởi mở hơn” về cơ chế, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính.
 
Nhưng tình hình bùng nổ các cuộc thi hoa hậu hiện tại lại bộc lộ hạn chế. Việc “mở cửa” kéo theo nỗi lo loạn danh hiệu, chưa kể những cuộc thi kém chất lượng, càng khiến lĩnh vực này thêm bát nháo. Thực tế, có cuộc thi từng được quảng bá rầm rộ, nhưng đêm chung kết lại khiến công chúng ngỡ ngàng bởi khâu tổ chức kém chất lượng, sân khấu tạm bợ để hợp thức hóa cho “cơn mưa” danh hiệu trao vô tội vạ. Có cuộc thi trao giải cho 1 hoa hậu và 2 á hậu, nhưng cũng có cuộc thi trao giải cho 1 hoa hậu và đến 4 á hậu. Trước đây, vì thả nổi mà tràn lan thi hoa hậu, loạn danh hiệu, sau một thời gian siết chặt, nay phía nhà quản lý đã rộng cửa cho thi thoải mái trở lại, kéo theo một “thị trường” nhan sắc có thể nói đủ màu sắc, “thượng vàng hạ cám” về chất lượng lúc này.
Các người đẹp hào hứng dự sơ tuyển cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam
 
Trước băn khoăn về nguy cơ loạn danh xưng, NSND Nguyễn Quang Vinh, nguyên quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết: “Địa phương có quyền lựa chọn và quyết định tổ chức các cuộc thi, lãnh đạo các tỉnh thành buộc phải chọn các cuộc thi có chất lượng và không chấp nhận những cuộc thi do bên trên thông báo xuống như trước đây nữa, nên sẽ sâu sát nhất về chất lượng cuộc thi. Cơ quan quản lý cấp Bộ sẽ làm công tác hậu kiểm, hoàn toàn không buông lỏng các cuộc thi nhan sắc khi nêu rõ quy định về điều kiện, thủ tục tổ chức cuộc thi, thu hồi danh hiệu, hủy kết quả… nếu vi phạm các điều khoản có trong nghị định. Nghị định cũng nêu rõ giới quản lý nhà nước có trách nhiệm thanh tra và có chế tài thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm một cách triệt để. Tôi nghĩ với quy định “mở”, tất cả sẽ tự sàng lọc, điều chỉnh phù hợp với nhu cầu xã hội và chỉ còn lại những cuộc thi chất lượng, từ đó đi vào trật tự”. Tuy nhiên, NSND Nguyễn Quang Vinh cũng cho rằng: “Bất kỳ quy định mới nào cũng có những mặt tích cực và những điểm mới phát sinh. Giá trị của mỗi văn bản sẽ thể hiện rõ nhất khi đi vào thực tiễn cuộc sống. Cơ quan quản lý sẽ theo dõi, đánh giá và nhìn nhận lại sau một thời gian”.
 
Bà Phạm Kim Dung (Trưởng BTC Hoa hậu Thế giới Việt Nam) nêu ý kiến: “Tôi nghĩ mỗi nhà tổ chức thay vì lo lắng cạnh tranh thì việc đầu tiên cần làm tốt là khâu tổ chức, xây dựng thương hiệu cuộc thi, xác định đây là hoạt động giải trí mang tính văn hóa, kết hợp để phát triển du lịch với các tỉnh thành. Hoa hậu đăng quang phải hoạt động vì lợi ích cộng đồng, xã hội. Nếu tạo ra được một sân chơi uy tín, văn minh và có đường hướng phát triển tích cực, chắc chắn sẽ là điểm đến cho những cô gái muốn phát triển bản thân”.
 
Theo Thanh Niên

Đọc thêm các bài khác