Bà Từ Hy thái hậu thời nhà Thanh thích đóng Quan Âm Bồ Tát để chụp ảnh, nhằm nhắc bản thân giữ nét từ bi.
Theo The Value, bảo tàng Cố Cung Hong Kong đang triển lãm loạt cổ vật mượn từ bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh, trong đó có tranh Từ Hy (1835-1908) hóa thân Phật bà Quan Âm, ngồi dưới cây đào tiên. Sinh thời, hoàng thái hậu thích đóng giả Quan Âm, vì vậy ra đời loạt tranh và ảnh tái hiện những hoạt động này.
Tranh Từ Hy thái hậu hóa Quan Âm. Ảnh: The Value
Từ Hy thái hậu thích chụp ảnh. Từ Hy lần đầu được chụp ảnh vào năm 1902. Bấy giờ, bà ngồi tàu hỏa từ Tây An về Bắc Kinh, dừng lại để thắp hương ở một đền thờ Quan Âm tại Bắc Kinh. Nhiều người nước ngoài hiếu kỳ vây quanh để tận mắt nhìn thấy Thái hậu. Trong đó, một nhiếp ảnh gia phương Tây chụp Từ Hy từ trên cao, bắt được khoảnh khắc làm người đương thời kinh ngạc.
Từ Hy vốn huyền bí, không chỉ với dân chúng mà cả trọng thần triều đình. Theo SCMP, truyền thông Mỹ và châu Âu một thời miêu tả bà giống bạo chúa hoặc phù thủy. Nhưng lúc đó, hoàng thái hậu ngẩng đầu, giơ khăn tay chào trước ống kính. Trong cuốn sách Minh Thanh sử sự, nhà nghiên cứu Bành Doanh Chân viết hành động cho thấy Từ Hy thái hậu không bao giờ chấp nhận ở thế bị động.
Từ Hy thái hậu (giữa) và hai thái giám. Phía sau có tấm bảng in chữ "Phổ Đà sơn Quan Âm đại sĩ", hình chụp năm 1903. Ảnh: DPM
Sau đó, theo gợi ý của Sarah Conger - phu nhân đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh, Từ Hy mời nữ họa sĩ người Mỹ Katharine A.Carl vẽ chân dung cho thái hậu, nhằm phục vụ công tác ngoại giao, sau đó chụp các bức ảnh bà làm việc. Năm 1903, Từ Hy gọi hai nữ quan vào cung, là Dụ Đức Linh và Dụ Dung Linh. Họ là con gái của Dụ Canh - quan ngoại giao quan trọng thời vãn Thanh, vợ ông là người phụ nữ lai Mỹ - Trung. Đôi vợ chồng có năm người con, con trai cả là Dụ Huân Linh. Anh em họ Dụ từ nhỏ được giáo dục bằng tiếng Anh, theo cha công du các nước, vì thế am hiểu lễ nghi phương Tây.
Đức Linh và Dung Linh thường kể với Từ Hy thái hậu về cuộc sống, phong tục ở nước ngoài, chiếm được cảm tình của bà. Trong khi Huân Linh biết sử dụng máy chụp ảnh, trở thành nhiếp ảnh gia chủ chốt của Từ Hy thái hậu.
Theo hồi ức của Dụ Đức Linh, vài ngày sau lần đầu chụp ảnh, Từ Hy thái hậu nêu ý tưởng chụp hình chủ đề Quan Âm ở hồ hoa sen. Bà từng nói: "Ta ở hồ ít nhất ba ngày, mong mấy hôm đó thời tiết đẹp, vì ta muốn chụp vài bức ảnh trên thuyền. Còn có một ý hay nữa, ta muốn đóng Quan Âm... Trang phục ta đã chuẩn bị sẵn. Khi gặp chuyện phiền muộn bực bội, ta muốn ăn vận như Quan Âm, điều đó làm ta thấy bình tâm, cảm giác ta chính là Quan Âm. Việc này rất có lợi, vì khi ăn vận như thế, ta buộc phải mang dáng vẻ từ bi. Có bức hình như thế, ta có thể thường xuyên xem hình và ghi nhớ ta nên như thế nào".
Thái hậu trên hồ sen. Thái giám Lý Liên Anh (phải) và một thái giám phía sau cầm cành trúc. Tứ cách cách, con nuôi của Từ Hy, tay cầm hồ lô. Đức Linh (thứ ba từ phải sang) cầm hoa sen. Thái giám Thôi Ngọc Quý đứng sau thái hậu. Ảnh: DPM
Nhà nghiên cứu Bành Doanh Chân cho biết hóa trang là cách Từ Hy thái hậu nhắc nhở bản thân rằng người khác kỳ vọng sự từ bi của bà. Sau đó, bà ra lệnh chuẩn bị chụp ảnh vào ngày 6/7 âm lịch năm 1903.
Các bảo tàng trên thế giới hiện lưu giữ nhiều bức ảnh chân dung bà, ảnh Từ Hy ngồi kiệu lên triều hay ảnh bà giải trí trong đời thường. Hai chị em Đức Linh, Dung Linh được thái hậu tin tưởng, thường chụp cùng các phi tần, cách cách trong cung.
Từ phải sang: Long Dụ hoàng hậu của hoàng đế Quang Tự, mẹ của Dung Linh, Dung Linh, Đức Linh, Cẩn Phi. Trung tâm là Từ Hy thái hậu. Ảnh: DPM
Sau khi nhà Thanh sụp đổ, chị em họ Dụ mỗi người một phương. Dụ Đức Linh làm nhà văn, sống ở Mỹ, qua đời vì tai nạn giao thông ở California năm 1944. Dung Linh học vũ đạo với nghệ sĩ người Pháp Isadora Duncan, thường biểu diễn nghệ thuật sau khi rời cung. Bà gặp họa giai đoạn Cách mạng Văn hóa, qua đời năm 1973.
Theo VnExpress