6 tháng đầu năm 2017, mặc dù lượng game show tăng nhưng nhà Đài chỉ thu được 1.500 tỷ đồng, trong khi 6 tháng cuối năm 2016 doanh thu đạt gần 2.000 tỷ đồng.
Hẳn khán giả truyền hình vẫn còn nhớ những thể loại game show manh nha đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam từ đầu thập kỷ 90 như SV96, Hành trình Văn hóa, Đường lên đỉnh Olimpia… Được khán giả đón nhận một cách nhiệt tình và đến giờ họ vẫn còn nhớ mãi những cái tên dẫn chương trình nổi tiếng thời đó như: Tạ Bích Loan, Lại Văn Sâm, Đỗ Hồng Cư, Bạch Dương, Diễm Quỳnh…
Game show bây giờ đã khác: Sản xuất ồ ạt, chất lượng mờ nhạt và luôn đưa khán giả vào tình trạng... bội thực.
Mỗi ngày có 70 game show phát sóng trên truyền hình
5 năm trở lại đây, game show bắt đầu xuất hiện ồ ạt tại Việt Nam trên khắp các kênh sóng. Game show trở thành thể loại truyền hình mang lại nguồn lợi nhuận cao cho các đơn vị sản xuất xã hội hóa và các Đài truyền hình.
Song trong 2 năm trở lại đây, khán giả bắt đầu cảm thấy “bội thực” khi có hàng loạt game show na ná nhau về mặt nội dung, na ná nhau về hình thức sản xuất, na ná nhau về cả đối tượng dự thi xuất hiện tràn ngập.
Cụ thể, cùng một nội dung tìm kiếm gương mặt người mẫu cho nhãn hàng, nhưng lại có 2 chương trình cạnh tranh là Người mẫu Việt Nam và Gương mặt thương hiệu, hay cùng một format chương trình là Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc, Gương mặt thân quen, Tuyệt đỉnh song ca, Bước nhảy hoàn vũ … mỗi chương trình lại có cả phiên bản người lớn và trẻ em.
Xét trong các tháng đầu năm 2017, theo báo cáo của VIETNAM-TAM tần suất một ngày có khoảng 70 game show xuất hiện trên truyền hình, thời lượng mỗi chương trình kéo dài 53 phút.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, xét trên 178 kênh truyền hình phát sóng tổng cộng 162 game show. Số game show nhiều hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Cứ 10 game show được phát sóng thì trong đó chỉ có 3 game show về tài năng, còn đa số là chương trình về diễn hài.
Kéo theo đó tỉ lệ khán giả rời bỏ game show cũng rõ rệt. Ở tuần 40 của năm 2016, rating trung bình của các game show trên truyền hình đạt 0,6% thì đến trung tuần tháng 3 mặc dù có nhiều game show “hot” nhưng rating trung bình giảm xuống chỉ còn 0,3%.
Rating % chương trình game show truyền hình hằng tuần.
Không chỉ xuất hiện với tần suất dày đặc game show trên khắp các kênh truyền hình, khán giả còn cảm thấy “bế tắc” bởi các chi tiết lặp đi lặp lại trong game show như: Trai giả gái cả trong cuộc thi hài lẫn cuộc thi hát, cùng một giám khảo truyền hình nhưng xuất hiện liên tục trong các game show khác nhau, một thí sinh tham gia nhiều cuộc, một nghệ sĩ là MC game show này lại ngồi ghế giám khảo hoặc thí sinh ở một game show khác....
Bên cạnh khai thác quảng cáo trên truyền hình, nhiều đơn vị sản xuất còn đẩy mạnh việc đưa chương trình lên kênh mạng xã hội như YouTube nhằm khai thác thêm quảng cáo trên kênh này. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều khán giả rời bỏ ti vi, làm giảm lượng rating của game show.
Khán giả đồng loạt rời bỏ game show, doanh thu quảng cáo lao dốc
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình VIETNAM-TAM đo 178 kênh truyền hình thì có 162 chương trình game show được phát sóng.
Nhưng nếu tính những game show có lượt khán giả xem trung bình từ 15.000 khán giả trở lên, chỉ có 99 game show đạt được, chiếm 61,2%. Như vậy, những game show có lượt khán giả xem trung bình dưới 15.000 khán giả có 63 game show, chiếm 38,8%.
So với thời điểm 6 tháng đầu năm 2016, VIETNAM-TAM đo lường 120 kênh truyền hình có 78 game show được lên sóng nhưng nhóm game show có hiệu quả thu hút khán giả trung bình dưới 15.000 lượt xem chỉ chiếm khoảng 21%.
Trong khung giờ vàng buổi tối từ 18:00 - 22:00 hàng ngày xét trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2017, game show có thị phần trung bình là 2,3% tại Hà Nội và 3,4% tại TP.HCM.
So với cùng kỳ năm ngoái, thị phần khán giả theo dõi game show đã có sụt giảm từ 4,5% xuống 2,3% tại thị trường Hà Nội và từ 7,5% xuống 3,4% tại TP.HCM.
Sự vươn lên của các nhóm chương trình khác như: Tin tức, phim dài tập, phim tài liệu hay các chương trình tường thuật về sự kiện đang cạnh tranh trực tiếp với thể loại game show.
Thực tế trên cho thấy, game show đang mất dần khán giả do sản xuất ồ ạt và thiếu đầu tư về ý tưởng, nội dung và cả hình ảnh. Do vậy nhiều chương trình đã rơi vào tình trạng sản xuất ra nhưng sau khi lên sóng hiệu quả thu hút khán giả không như ý đã phải “chết yểu” nằm lưu kho của Đài.
Việc khán giả rời bỏ game show khiến doanh thu quảng cáo ''lao dốc không phanh" so với 6 tháng cuối năm 2016. Theo hệ thống VIETNAM-TAM xét trong nửa cuối năm 2016 trên 120 kênh truyền hình phát sóng các thể loại game show thu hút được xấp xỉ 44.000 lượt spots.
Còn 6 tháng đầu năm 2017, xét trên 178 kênh, game show thu về gần 53.000 lượt. Nhưng doanh thu lại có sự khác biệt lớn, 6 tháng đầu năm 2017, mặc dù có tăng số lượng về game show và số lượt quảng cáo nhưng nhà Đài chỉ thu được tổng cộng 1.500 tỷ đồng, trong khi 6 tháng cuối năm 2016 doanh thu đạt gần 2.000 tỷ đồng.
Như vậy, trung bình 1 lượt quảng cáo trong chương trình game show năm 2017 có giá trung bình là 28 triệu đồng/spot trong khi 2016 là 45 triệu đồng/spot.
Game show nào đang đắt giá nhất?
Game show trên truyền hình nhiều đến độ, khi kết thúc game show này đã có ngay game show khác lên sóng. Các khung giờ vàng buổi tối cũng được lấp đầy bởi game show. Nhưng có lẽ do đặc tính, thói quen của người Hà Nội và TP.HCM khác nhau, nên việc theo dõi game show cũng khác nhau.
Kênh thu hút khán giả theo dõi game show tại thị trường Hà Nội là VTV3, còn ở TP.HCM lại là Đài truyền hình TP.HCM (HTV) và Đài PTTH Vĩnh Long (THVL).
Theo số liệu của VIETNAM-TAM, từ đầu năm 2017 đến nay, trong top 10 gameshow có tỷ lệ khán giả theo dõi cao nhất tại 2 khu vực Hà Nội và TP.HCM thì game show về thể loại âm nhạc chiếm đa số.
Các game show về âm nhạc có lượng khán giả theo dõi top đầu như: Thần tượng Bolero, Solo cùng Bolero, Tình Bolero hoan ca...
Top 10 game show được xem nhiều nhất tại TP HCM.
10 game show được xem nhiều nhất tại Hà Nội.
Những chương trình hài được khán giả xem top đầu như: Thách thức danh hài, Cười xuyên Việt, Ơn giời cậu đây rồi...
Theo số liệu về top những chương trình có khán giả cao nhất tại Hà Nội lại xuất hiện chương trình Ai là triệu phú - một chương trình thuộc thời kỳ đầu của game show tại Việt Nam vẫn được khán giả đón nhận nhiệt tình, và chứng tỏ sức hút của một game show trí tuệ trước những "cơn bão" hài, giải trí.
Khán giả chương trình game show hiện nay là ai?
Theo kết quả được thống kê của VIETNAM-TAM trong 2 quý đầu năm 2017, nhóm khán giả theo dõi các chương trình game show trên truyền hình nằm trong độ tuổi từ 4-15 chiếm 11%, nhóm khán giả trong độ tuổi từ 15-35 chiếm khoảng 23% trong khi nhóm khán giả 35+ chiếm 66%. Trong đó lượng khán giả là nữ chiếm 44% còn khán giả nam giới chiếm 54%.
Nhóm khán giả từ 35 tuổi trở lên là nhóm khán giả chính của các chương trình game show trên truyền hình khi chiếm đến 66%. Nhóm khán giả này cũng chính là lao động chính trong gia đình, những điều họ quan tâm ngoài kiến thức về xã hội, họ cần những game show mang tính giáo dục cao, vui vẻ thoải mái sau một ngày lao động vất vả thay vì mệt mỏi theo dõi những màn cãi cọ căng thẳng của các thí sinh trên truyền hình…
Việc game show sản xuất tràn lan nhưng hiệu quả thấp, khiến khán giả bội thực và doanh thu quảng cáo lao dốc, đang là bài toán lớn với các đơn vị tham gia sản xuất các chương trình truyền hình.
Vũ Minh/Theo Zing