Tại sao lại gọi là Cầu Muối?

Đăng lúc: 7:38 am, Ngày 11/08/2023

Thế hệ 6X trở về trước ở Sài Gòn không ai xa lạ gì với địa danh "Cầu Muối", nổi tiếng giang hồ từ trước năm 1975.

Ám ảnh một cái tên
 
Năm 1990, tôi vào ở ký túc xá Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM), rất gần chợ Cầu Muối, mang theo nỗi ám ảnh, bởi lẽ chỉ cần nghe cái tên cũng đủ liên tưởng đến những điều dữ dội. Trước đó ba mẹ tôi dặn đi dặn lại: "Đi học về ở trong phòng chứ đừng ra ngoài nha con!".
 
Tên chính thức của ngôi chợ này là chợ Cầu Ông Lãnh, được xây dựng hẳn hoi trên đường Nguyễn Thái Học. Đây cũng là một trong những chợ đầu mối lúc đó.
 
Nhiều người dân buôn bán nhỏ không đủ khả năng thuê sạp trong chợ, nên ngồi hẳn dưới lòng đường. Mỗi khi có lực lượng chức năng xuất hiện vội hò nhau ôm hàng chạy. Nhưng với sinh viên chúng tôi thì mua thực phẩm của "chợ chồm hổm" này là rẻ nhất. Tôi hay tranh thủ đi làm thêm, nên lúc chiều muộn mới ra chợ.
Khu vực chợ Cầu Muối ngày nay
 
Hôm ấy, tôi ngơ ngác khi không tìm thấy những người bán hàng quen thuộc đâu. Hỏi ra mới biết chuẩn bị đón ngày lễ kỷ niệm lớn, nên lòng đường đã được địa phương dọn dẹp thông thoáng. Nơi đây vốn mọi ngày nhộn nhịp giờ bỗng vắng hoe.
 
Tôi tiu nghỉu định ra về thì chợt nghe tiếng gọi: "Ê nhỏ! Mua gì lại đây". Không riêng tôi mà bất cứ ai cũng giật mình, vì tiếng gọi vừa rồi là của một người đàn ông ngũ tuần mặt mũi bặm trợn, đang cởi trần trùng trục, phần ngực xăm hình đầu con cọp dữ tợn, đeo sợi dây chuyền bạc to đùng treo lủng lẳng cái nanh heo rừng phía trước. Một sinh viên quê tỉnh lẻ trói gà không chặt như tôi vừa nhìn là đã hồn vía lên mây. Tôi nghĩ thầm: về ăn mì gói thôi, dù được cho cũng chẳng dám nhận.
 
"Làm lại cuộc đời"
 
Thấy tôi tiếp tục đi, ông ta gọi theo nhiều lần nữa và sự kiên trì của ông khiến tôi có can đảm quay lại.
 
Tôi dè dặt bước đến với tâm trạng lo lắng, hôm nay thế nào cũng bị mua thức ăn với giá "chặt chém". Người bán như thế này dẫu tôi có 2 lá gan cũng không dám trả giá.
 
Dường như ông ta đọc được suy nghĩ của tôi nên chủ động hỏi: "Sinh viên phải không? Ưng món gì lựa đi, không bán mắc đâu! Mua cho ngày mai luôn, hai bữa sau chợ mới họp lại".
 
Tôi chỉ chọn vừa đủ cho bữa tối. Lúc xin trả tiền ông báo với mức giá tôi sẽ không tin nếu không phải "tai nghe mắt thấy": nó chỉ bằng một nửa tôi mua mỗi ngày.
 
Sự ngạc nhiên của tôi vẫn chưa hết. Thấy tôi chuẩn bị trả tiền, ông ta lại nói: "Thôi cất tiền đi. Hôm nay chú cho con đó". Tôi hỏi lý do, ông mắng: "Mang về đi! Hỏi chi nhiều vậy". Tôi lí nhí cảm ơn và ra về với cảm xúc vừa vui vừa thấy rất lạ.
 
Không quen cũng chẳng biết. Vậy mà tôi được miễn phí ngay từ lần đầu mua hàng. Một người với vẻ ngoài dữ tợn sao lại tốt bụng thế? Tính tò mò khiến tôi cố ý tìm hiểu.
Chợ Cầu Muối thập niên 1960
 
"Tư Cầu Muối" là cái tên người dân nơi đây quen gọi ông. Một phần do ông sinh ra và lớn lên từ… Cầu Muối, một phần quan trọng hơn bởi ông từng nhiều lần vào tù ra tội. Những vết sẹo chạy dài trên khắp người ông là dấu tích của những cuộc hỗn chiến bằng mã tấu.
 
Cuộc đời đâm thuê chém mướn của ông đã dừng lại sau lần ông đánh nhầm người. Nạn nhân không những tha thứ cho ông bằng lá đơn bãi nại, giúp ông được hưởng mức án nhẹ nhất, mà còn tặng ít đồng vốn làm ăn, chỉ cần ông hứa "làm lại cuộc đời".
 
Bước ngoặt ấy khiến Tư Cầu Muối một thời tung hoành ngang dọc, "xem trời bằng vung" gần như lột xác. Ông đã "rửa tay gác kiếm", cải tà quy chính và cảm hóa nhiều "dân anh chị" hoàn lương, từ câu chuyện của bản thân mình.
 
Ông thuê mặt bằng mở vựa thực phẩm bên ngoài chợ. Giờ đây, bạn hàng và khách hàng chỉ còn nhớ đến một ông Tư trượng nghĩa. Sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho người khó khăn hơn mình.
 
Tôi không phải là người đầu tiên được ông giúp đỡ. Bác đạp xích lô hay đậu xe ở đầu đường từng bị tai nạn giao thông, được ông bán đi nhiều tài sản để hỗ trợ tiền chữa trị. Hai trẻ em nghèo gần đó được ông chu cấp tiền ăn học mỗi tháng. Tôi liên tưởng đến nhân vật Bảy Cầu Muối trong bộ phim Ván bài lật ngửa, cũng xuất thân từ giới giang hồ, được kỹ sư Nguyễn Thành Luân cảm hóa và đi theo cách mạng.
 
Tôi nhớ mãi lời "gan ruột" của ông: "Cuộc đời vốn bao dung cho mình nên hãy trả ơn bằng nghĩa tình đối với người khác". Những vết xăm trên ngực ông vẫn còn, song Tư Cầu Muối của ngày xưa đã chết, chỉ có một ông "Tư" thiện lương, sống hết lòng vì mọi người. Không hẳn lúc nào cũng "trông mặt mà bắt hình dong". Chẳng phải trái sầu riêng đặc trưng của miền Đông Nam bộ, có vỏ sần sùi, gai góc mà ruột bên trong lại thơm nức, ngọt ngào đó sao!
 
Ông mất sớm do căn bệnh ung thư phổi, có lẽ vì hút thuốc quá nhiều. Lúc lâm chung ông dặn vợ con dành hết tiền phúng điếu tặng người nghèo, tro cốt của ông hãy đưa vào chùa, nương nhờ cửa Phật. Ông ra đi thanh thản nhờ đã kịp phục thiện, sống phần còn lại của đời mình thật ý nghĩa.
 
Nhớ ơn ông Tư Cầu Muối, tri ân mảnh đất và con người đầy chất "hào khí miền Đông", tôi luôn làm tất cả những gì có thể mong giúp ích cho cộng đồng. Tôi đăng ký hiến mô tạng từ năm 2014, đều đặn cứ 3 tháng/lần tôi hiến máu nhân đạo. Đến nay tôi đã có gần 40 lần tham gia hiến máu. Tôi hạnh phúc sau mỗi lần được cho đi, có lẽ ngày xưa ông Tư đáng kính cũng từng cảm nhận như thế!
 
Theo TNO

Đọc thêm các bài khác