Người mắc bệnh sợ phụ nữ thường cảm thấy hoảng loạn, tức ngực, đổ mồ hôi, khó thở, chóng mặt khi tiếp xúc hoặc nghĩ đến phái nữ.
Mới đây, quốc gia châu Phi Rwanda ghi nhận trường hợp hy hữu, một người đàn ông ở trong nhà suốt 55 năm vì mắc chứng sợ phụ nữ. Ông Callitxe Nzamwita nhốt mình trong nhà, dựng hàng rào ở ngoài để không có bất cứ người phụ nữ nào có thể đến gần. Ông cũng cảm thấy căng thẳng và sợ hãi khi ở cạnh phụ nữ.
Các chuyên gia cho biết Nzamwita mắc chứng bệnh hiếm gặp gọi là Gynophobia, một dạng rối loạn lo âu. Người mắc hội chứng này trải qua nỗi sợ mãnh liệt, phi lý khi ở cạnh phụ nữ hoặc nghĩ đến họ. Họ không thể kiểm soát sự sợ hãi của mình, thậm chí chỉ nghĩ đến cũng có thể gây hoảng sợ tột độ.
Các triệu chứng của bệnh Gynophobia là sợ hãi, lo lắng tràn ngập khi nhìn thấy hoặc nghĩ về phụ nữ, tiếp xúc với các vật dụng liên quan đến phái nữ. Người bệnh hiểu rằng nỗi sợ này là không có cơ sở hoặc bị phóng đại, nhưng không thể tự kiểm soát. Sự lo lắng này sẽ trở nên mãnh liệt nếu người bệnh tiếp cận gần phụ nữ. Họ thường chủ động tránh xa phái nữ hoặc các tình huống có phụ nữ.
Các biểu hiện thể chất bao gồm tức ngực, đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh, khó thở, đau bụng, chóng mặt hoặc ngất xỉu khi ở gần phụ nữ.
Cũng như các nỗi ám ảnh cụ thể khác, chứng sợ phụ nữ là bệnh mạn tính, ảnh hưởng đến khả năng duy trì công việc, học tập, hoạt động hàng ngày và đời sống xã hội.
Các chuyên gia không chắc chắn về nguyên nhân gây ra chứng sợ phụ nữ. Một số yếu tố bao gồm trải nghiệm trước đây với giới tính này, chẳng hạn lạm dụng tinh thần hoặc thể chất, tình trạng bị bỏ bê, hãm hiếp, hành hung thể xác hoặc quấy rối tình dục. Nhiều bệnh nhân có cha mẹ cũng mắc chứng này, từ đó vô thức "học hỏi" các hành vi thông qua môi trường sống.
Chứng sợ phụ nữ thoạt đầu nghe có vẻ không nghiêm trọng, chỉ như một kiểu tính cách lập dị. Tuy nhiên, tình trạng bệnh lý này có thể trở thành chướng ngại lớn trong cuộc sống.
Minh họa hội chứng sợ phụ nữ. Ảnh: iStock
Các chuyên gia khuyến nghị gặp bác sĩ nếu Gynophobia ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất làm việc hoặc học tập, cản trở các mối quan hệ hoặc khả năng hòa nhập xã hội, làm suy yếu khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày.
Các trường hợp nghi mắc chứng Gynophobia phải được giải quyết kịp thời, đặc biệt là đối với trẻ em. Chứng sợ phụ nữ có thể làm giảm đáng kể khả năng thích ứng xã hội của trẻ khi lớn lên.
Phần lớn người mắc chứng sợ phụ nữ được tham gia các buổi trị liệu tâm lý. Liệu pháp tiếp xúc và liệu pháp hành vi là hai hình thức phổ biến nhất.
Trong quá trình điều trị bằng liệu pháp tiếp xúc, bác sĩ để bệnh nhân tương tác dần dần với những đồ vật liên quan đến phụ nữ. Gần cuối quá trình điều trị, người bệnh được tiếp xúc với một hoặc nhiều phụ nữ ngoài đời thực. Quá trình này giúp bệnh nhân kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác sợ hãi đối với phụ nữ.
Liệu pháp hành vi nhận thức là sự kết hợp của liệu pháp tiếp xúc và việc hướng dẫn người bệnh nhìn nhận, đối phó với nỗi sợ hãi khi tiếp xúc với phụ nữ. Mục tiêu là để bệnh nhân nhìn nỗi ám ảnh theo một cách khác, xử lý các cảm giác cơ thể liên quan đến nỗi ám ảnh.
Thông thường, các liệu pháp tâm lý có tác dụng rất tốt trong việc điều trị chứng Gynophobia. Tuy nhiên, bác sĩ đôi khi kê thêm một số loại thuốc giúp giảm cảm giác lo lắng hoặc hoảng loạn như thuốc an thần hoặc thuốc chẹn beta (kiểm soát tác dụng của adrenalin lên cơ thể).
Theo VnExpress