Tại phố đèn đỏ ở Tokyo, bốn chàng trai trẻ ngồi vây quanh một nữ khách. Hiragi Saren với mái tóc tẩy trắng, áo ba lỗ đen và vòng cổ bạc, ngồi gần nhất.
Chàng trai 25 tuổi dùng giọng nói ấm áp, ánh mắt quyến rũ, được đánh phấn mắt màu hồng lấp lánh dưới ánh đèn chùm trò chuyện với khách hàng. Ba trợ lý của Hiragi liên tục rót rượu shochu và tâng bốc vẻ ngoài của nữ khách. Nữ khách hàng không hẳn tin vào những lời đường mật đó nhưng lại hài lòng một cách kỳ lạ. Sau một tiếng rưỡi phục vụ, hóa đơn là 30.000 yên (gần 5 triệu đồng).
Nơi Hiragi làm việc là Hosutokurabu hay còn được gọi là Host-club (câu lạc bộ đêm phục vụ khách nữ) đang bùng nổ ở Nhật Bản. Hiện có khoảng 21.000 nhân viên nam (host) - những chàng trai trẻ mặc đồ lịch sự, trang điểm giống các ngôi sao K-pop, làm việc tại 900 cơ sở như vậy. Họ chiều chuồng và tâng bốc khách hàng nữ.
Phụ nữ đến các câu lạc bộ chủ trì ở quận Kabukicho của Tokyo để được trò chuyện với các nhóm nhân viên nam trẻ ăn mặc chỉnh tề, nói chuyện cuốn hút. Ảnh: Shiho Fukada
Tình dục không phải là một phần của công việc này. Ở Hosutokurabu, các khách hàng thường tìm kiếm sự thân mật về tâm lý thay vì thể xác. Các host gọi khách hàng của họ là Hime (công chúa) và không bao giờ hỏi tuổi, nghề nghiệp hay thu nhập.
"Phụ nữ độc thân luôn cảm thấy cô đơn. Họ sẽ hào hứng hơn khi được gặp những người đàn ông hoàn hảo, tâm lý, không thể gặp trong cuộc sống hàng ngày", Hiragi nói.
Theo thống kê, hơn 60% nữ giới Nhật Bản ở độ tuổi cuối 20 chưa kết hôn, tỷ lệ này hiện gấp đôi so với giữa những năm 1980. Cuộc khảo sát gần đây cũng cho thấy hơn 1/3 phụ nữ trưởng thành ở độ tuổi 20-49 chưa từng hẹn hò.
Hosutokurabu đầu tiên mở cửa vào giữa những năm 1960 như một vũ trường, chủ yếu phục vụ những phu nhân giàu có và góa phụ.
Hojo Yuichi, người điều hành Ai Honten - Hosutokurabu lâu đời nhất đang hoạt động ở Nhật Bản, nói các host đầu tiên tự mô tả bản thân là các "geisha nam". Ban đầu câu lạc bộ từng chịu nhiều điều tiếng, nhưng sự kỳ thị đó đã nhạt dần. Vào những năm 2000, các host bắt đầu xuất hiện trên các chương trình truyền hình.
Giờ đây, các host nhận được nhiều quan tâm, không ít người trở nên nổi tiếng, đông lượt theo dõi trên mạng xã hội. Hình ảnh của những người có thu nhập cao nhất cũng được bắt gặp trên các biển quảng cáo và xe tải. Họ cũng có chỗ đứng trong manga và anime.
Tiến sĩ Thomas Baudinette, nhà nhân chủng học tại Đại học Macquarie ở Australia, nói các host đã trở thành một nguyên mẫu trong văn hóa đại chúng tại Nhật Bản.
Hình ảnh các host ở Hosutokurabu được giới thiệu trên biển quảng cáo tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Jake Adelstein
Hiragi chuyển đến Tokyo từ một vùng quê với ước mơ trở thành một host nổi tiếng.
"Tôi sẽ trở thành một phần của thế giới hào nhoáng đó", chàng trai 25 tuổi nói. Nhưng anh không biết hào nhoáng luôn đi kèm với tranh cãi.
Các nhóm hoạt động vì nữ quyền đang cáo buộc Hosutokurabu có hành vi bóc lột như tính giá đồ uống cao, dụ dỗ khách hàng để kiếm những khoản tiền khổng lồ. Host thường tâng bốc những người chi tiền nhiều và gọi họ là "át chủ bài". Một số khách hàng còn gánh khoản nợ hàng triệu yen cho một lần đến phố đèn đỏ.
Ichika Takahashi, một khách hàng, kể lại các host cô yêu thích thường có thái độ phớt lờ, ngồi nghịch điện thoại nếu bản thân từ chối gọi sâm panh.
"Tôi sẽ tiêu nhiều tiền hơn vì không muốn anh ấy ghét mình. Tôi muốn nhận sự chú ý từ anh ấy", Ichika nói.
Một số phụ nữ cũng bị cuốn vào vòng xoáy nguy hiểm khi cố gắng làm vừa lòng các host. Một cuộc khảo sát năm 2023 cho thấy trong số những phụ nữ bị bắt giữ do bán dâm quanh Công viên Okubo, hơn 40% đang cố gắng kiếm đủ tiền để đến các Hosutokurabu.
Các chính trị gia Nhật Bản bắt đầu thảo luận cách quản lý vấn đề này, một trong số đó là ngăn chặn tình trạng định giá không minh bạch. Chủ các Hosutokurabu hy vọng sẽ giải quyết được điều này bằng khả năng tự điều chỉnh tốt hơn.
Một số ý kiến nhận thấy mối liên hệ giữa sự sùng bái host và văn hóa hâm mộ ám ảnh. Một khảo sát khác năm 2023 chỉ ra 72% phụ nữ Nhật Bản ở độ tuổi cho biết bản thân đam mê oshikastu (nhóm ủng hộ một người nổi tiếng bằng cách chi tiền để mua phụ kiện liên quan). Đối tượng họ tôn thờ thường là thần tượng âm nhạc. Nhưng gần đây, một số đang chuyển sự tôn sùng sang host - những người có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Không ít người đã mất kết nối với bạn bè chỉ vì nghiện các Hosutokurabu.
Bảng quảng cáo cho một câu lạc bộ chủ nhà ở quận Kabukichō của Tokyo. Ảnh: Kimimasa Mayama/EPA
Ichika từng chi nhiều tiền vào các nhóm nhạc nam. Nhưng khi các buổi trình diễn phải dừng lại do đại dịch Covid-19, cô bắt đầu vung tiền cho các host.
Tuy nhiên, tiến sĩ Baudinette lo ngại với nhiều người, sự thân mật chỉ có thể đạt được thông qua các hình thức thông dụng.
Kurumi Yamada, khách hàng, chọn làm việc tại một cơ sở bám dâm, để kiếm đủ tiền đến các Hosutokurabu tuần một lần. Cô từng có bạn trai nhưng thấy các host thú vị và tâm lý hơn. Cô cũng không chắc nên tìm kiếm một công việc văn phòng sau khi tốt nghiệp đại học hay tiếp tục bán dâm - công việc có thu nhập cao hơn.
"Nếu có công việc bình thường, lương thấp tôi sẽ không thể gặp host của mình. Anh ấy là một phần cuộc sống của tôi", Kurumi nói.
Theo VnExpress