‘The Imitation Game’ - những cuộc chiến không bom đạn

Đăng lúc: 11:27 am, Ngày 30/01/2015

Bộ phim được đề cử Oscar 2015 cho “Phim hay nhất” kể về cuộc đời nhà giải mã Alan Turing cùng những đóng góp của ông trong Thế chiến II, với diễn xuất nổi bật của tài tử Benedict Cumberbatch.

Trong bài phát biểu tháng 8/1940, khi Phát xít Đức đang ồ ạt tấn công các sân bay Không quân Hoàng gia ở nước Anh, thủ tướng Anh Winston Churchill có câu nói nổi tiếng: “Chưa bao giờ trong lịch sử xung đột của loài người lại có nhiều người mang nợ đối với ít người đến vậy”. Đó là cách mà ông thay mặt người dân Anh bày tỏ sự biết ơn tới những phi công của lực lượng Không quân Hoàng gia Anh đang tham chiến.
The Imitation Game
Poster phim The Imitation Game.

Tuy nhiên, có những con người cũng tham gia vào cuộc chiến tranh lớn nhất lịch sử nhân loại và nắm vai trò quan trọng trong chiến thắng của phe Đồng Minh lại chưa bao giờ được nhắc tới. The Imitation Game là tác phẩm kể về những người hùng thầm lặng ấy.

Chân dung chưa được kể

Trong thời kỳ Thế chiến II, quân Đức sử dụng máy Enigma để liên lạc nhờ sự bảo mật tối ưu của loại máy mã hóa ưu việt này. Từ những thông tin cơ bản như dự báo thời tiết trong ngày cho tới những thông điệp quan trọng như ý đồ tác chiến, vị trí đặt tàu, thời gian tiến hành chiến dịch... đều được phe Đức trao đổi sau khi đã mã hóa qua máy Enigma.

Để có thể chiến thắng cuộc chiến này, việc giải mã Enigma là một nhiệm vụ tối quan trọng đối với phe Đồng Minh. Tại Anh, “điệp vụ bất khả thi” ấy được giao cho một nhóm nhà toán học, giải mật mã và kỳ thủ cờ vua tại trung tâm Bletchley Park. Tâm điểm của dự án tuyệt mật ấy là nhà toán học thiên tài lập dị Alan Turing (Benedict Cumberbatch thủ vai). The Imitation Game kể về cuộc đời của nhân vật được xem như cha đẻ của trí thông minh nhân tạo và khoa học máy tính hiện đại song lại có một kết cục bi thảm.

Không đi theo tuyến tính thông thường, câu chuyện trong The Imitation Game là những lát cắt đan xen giữa ba thời điểm trong cuộc đời của Turing. Tác phẩm mở đầu vào năm 1952, khi cuộc chiến kết thúc và Turing bị bắt giam do có quan hệ đồng tính - một việc bị xem như phạm pháp lúc ấy. Trong cuộc hỏi cung, những mảnh ghép bí ẩn từ quá khứ của ông bắt đầu được ráp lại để vẽ nên chân dung về thiên tài không gặp thời này, từ khi ông còn là một cậu nhóc thường xuyên bị bắt nạt tại trường tư tới khi gia nhập đội giải mã tại Bletchley Park và trở thành “cá nhân có đóng góp lớn nhất giúp quân Đồng Minh có được chiến thắng” như nhận định của Churchill.

Những cuộc chiến không bom đạn

Nhắc tới những bộ phim về đề tài Thế chiến, khán giả thường liên tưởng ngay tới những tác phẩm bi tráng với các màn chiến đấu đẫm máu, khắc họa sự khốc liệt của chiến tranh. The Imitation Game không phải là một tác phẩm như vậy, song bộ phim vẫn khiến người xem cảm nhận được nỗi ám ảnh kinh hoàng từ cuộc chiến.

Ngay từ những trường đoạn đầu tiên, câu nói “Cứ vài giây trôi qua lại có ba người lính thiệt mạng trên chiến trường bởi Enigma” của giám đốc tình báo MI6 Stewart Menzies (Mark Strong) cho thấy tầm quan trọng của công việc giải mã Enigma. Chẳng cần những cảnh bom đạn hay chết chóc, chỉ riêng tiếng kim đồng hồ tích tắc trong The Imitation Game đã đủ gieo rắc sự tuyệt vọng bởi cứ mỗi khi chuông đồng hồ điểm nửa đêm, gần như mọi nỗ lực trong ngày của nhóm giải mã Hut 8 đều đổ sông đổ bể.
The Imitation Game
Dàn diễn viên của bộ phim.

Bản thân bộ phim khi ra mắt đã nhận được một vài ý kiến tiêu cực cho rằng có một số chi tiết sai lệch so với lịch sử. Nhưng đúng như nhà biên kịch Graham Moore chia sẻ, The Imitation Game cần có những thay đổi đó để tăng giá trị nghệ thuật và làm tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn, thay vì “giống nhiều bộ phim lịch sử khác đem lại cảm giác như khán giả đang được đọc một trang wikipedia trên màn ảnh rộng”. Những chi tiết khác biệt như việc chiếc máy giải Enigma trong thực tế không phải tên là Christopher hay nhóm giải mã tại Bletchley Park đông hơn trong phim rất nhiều... đều chấp nhận được, bởi chúng khiến bộ phim trở nên hấp dẫn hơn.

Dưới bàn tay của đạo diễn Morten Tyldum, The Imitation Game không hề khô khan như một số phim tiểu sử khác mà trái lại còn lôi cuốn với hành trình chạy đua với thời gian của các nhà giải mã để tìm ra chìa khóa mở cánh cửa Enigma vốn được phe Đức thay đổi mỗi ngày. Bên cạnh yếu tố ly kỳ, bộ phim còn dành một thời lượng không nhỏ để mô tả những mối quan hệ của Alan Turing. Là một người đồng tính khép kín, ông dành hầu hết thời gian cho những nghiên cứu và các con số; chỉ có hai người thực sự quan trọng với Turing theo như The Imitation Game truyền tải là cậu bạn học Christopher (Jack Bannon) ở trường nội trú và nữ đồng nghiệp Joan Clark (Keira Knighley).

Người xem chỉ có thể gặp Christopher trong ký ức thời niên thiếu của Turing (Alex Lawther đảm nhiệm vai thời trẻ), khi cậu học sinh thông minh này thường xuyên bị các bạn học trêu đùa và bắt nạt bởi tính cách đặc biệt. Trong đám bạn cùng lứa, chỉ có mình Christopher đứng ra che chở và ở bên Turing, và cũng chính cậu là người đã đưa nhà toán học tương lai bước vào con đường giải mật mã. Giới tính của Turing được thể hiện rõ rệt nhất trên màn ảnh rộng ở giai đoạn trẻ và khi nhân vật này hoàn toàn trưởng thành, bộ phim không hề có một cảnh ân ái nóng bỏng nào.

Đã có những bình luận tiêu cực cho rằng việc không có cảnh quan hệ đồng giới trong The Imitation Game không làm nổi bật được giới tính của Turing, song thực tế điều đó là không cần thiết. Cách để nhân vật bộc lộ tình cảm của mình dành cho Christopher của đạo diễn Tyldum thông qua những mẩu giấy truyền tay trong lớp, những mật mã chỉ riêng hai người hiểu... là đủ tinh tế, để khán giả nhìn vào đôi mắt thất thần và sau đó là đầy cương quyết của cậu nhóc Turing là có thể cảm nhận được tình cảm ấy mãnh liệt ra sao.

Câu chuyện về Turing thời trẻ cũng lý giải vì sao khi trưởng thành, ông lại có xu hướng sống khép kín và không giỏi xã giao với người khác. Đối với các đồng nghiệp tại Hut 8, Turing ban đầu như một cái gai trong mắt với cá tính ương ngạnh và thói quen làm việc một mình chẳng giống ai. Chỉ đến khi làm việc bên ông một thời gian và kèm theo sự xuất hiện của Joan Clarke, các thành viên còn lại trong nhóm giải mã - tiêu biểu là nhà vô địch cờ vua Hugh (Matthew Goode) - mới chấp nhận tài năng của Turing. Clarke là một phụ nữ đặc biệt, người mà phần nào đó có những nét tương đồng với chính Turing.

Nếu như nhà toán học đồng tính trên phải che giấu giới tính thật của mình trong thời điểm mà quan hệ đồng tính luyến ái vẫn bị xem như trái pháp luật và nhận ánh mắt kỳ thị từ cộng đồng thì Clarke lại vất vả chống lại những chuẩn mực xã hội thời bấy giờ. Cô có trí thông minh vượt trội hơn cả những đồng nghiệp nam, song lại phải chiến đấu với định kiến cho rằng phái yếu cần phải lo tề gia nội trợ thay vì làm những công việc đầu óc.

Những cuộc chiến để bảo vệ con người thật như vậy khiến The Imitation Game không chỉ đơn thuần là bộ phim về chiến tranh và giải mã.  “Bông hồng Anh” Keira Knighley đã tái hiện tròn trịa một Clarke cá tính và hoàn toàn xứng đáng với đề cử Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc. Song cô vẫn không phải người diễn hay nhất phim bởi vẫn còn đó Benedict Cumberbatch.

Vai diễn hay nhất từ trước tới nay của Benedict Cumberbatch

Benedict Cumberbatch không hề xa lạ với việc thể hiện hình ảnh những thiên tài, khi anh từng vào vai Sherlock Holmes, Van Gogh, Stephen Hawking... trong sự nghiệp. Song thực tế là ngoài loạt phim truyền hình Sherlock giúp anh vươn lên trở thành ngôi sao toàn cầu, Cumberbatch vẫn chưa thực sự có bước đột phá về diễn xuất ở lĩnh vực điện ảnh. Các vai phụ trong Atonement, 12 Years a Slave, August: Osage County... vẫn chưa thực sự xứng với tiềm năng của tài tử được ví như “báu vật nước Anh”. The Imitation Game chính là bước ngoặt mà người hâm mộ Cumberbatch chờ đợi bấy lâu nay, khi tác phẩm không chỉ thắng lớn về doanh thu mà còn đem về cho anh một đề cử Oscar “Nam diễn viên chính xuất sắc”.
The Imitation Game
Tài tử Benedict Cumberbatch có vai diễn xuất sắc trong sự nghiệp.

Cuộc đời của Alan Turing giống như một sự sắp đặt trớ trêu của số phận: Ông dành những năm tháng sung mãn nhất cuộc đời để cống hiến cho việc giải những bí mật, nhưng lại phải che giấu bí mật của bản thân. Cumberbatch đã thành công trong việc lột tả hình ảnh Turing, từ việc ông gặp khó khăn trong việc lấy thiện cảm từ đồng nghiệp cho tới sự tâm huyết rõ rệt trong ánh mắt dành cho cỗ máy Christopher. Trường đoạn cuối phim khi Turing gặp lại Clarke nhiều năm trong cuộc chiến để lại ấn tượng sâu đậm trong khán giả, khi thiên tài ương bướng ngày nào đã bị chính thế giới mà ông dành tâm huyết để bảo vệ ấy đánh gục. Cumberbatch cho biết anh đã khóc vì đồng cảm với nhân vật và mong rằng The Imitation Game sẽ gột rửa thanh danh cho Turing.

Nhiệm vụ đó đã hoàn thành, song xét về chất lượng, The Imitation Game khó có thể cạnh tranh với những Boyhood hay Birdman... trong cuộc đua tới tượng vàng Oscar. Tác phẩm được làm chỉn chu, song vẫn chưa thực sự đẩy những kịch tính hay cảm xúc lên mức cao trào nên chỉ dừng ở mức là một bộ phim hay chứ chưa tới tầm xuất sắc. Dẫu vậy, đây vẫn là một trong những tác phẩm đáng xem nhất năm 2014 với tâm điểm là diễn xuất của Cumberbatch.

“Đôi khi những người mà chẳng ai nghĩ rằng họ sẽ làm được gì lại chính là những người làm nên những điều không ai có thể tưởng tượng” là thông điệp của The Imitation Game - tác phẩm khắc họa chân dung một thiên tài đã cứu sống hàng triệu sinh mạng.


Trailer phim The Imitation Game.
 
Theo Trịnh Joey/VnExpress

Đọc thêm các bài khác