Sự góp mặt của những dự án phim có kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học đã và đang giúp điện ảnh Việt chuyển bớt khỏi thể loại phim hài thương mại, giải trí thuần túy.
Từ nhiều năm qua, đã có nhiều tác phẩm văn học được chuyển thể thành kịch bản phim điện ảnh. Trong đó, có không ít phim đã có được sự cộng hưởng lan tỏa giá trị nghệ thuật, đoạt được giải thưởng trong và ngoài nước, đồng thời gây được ấn tượng nhất định với công chúng như Mùa len trâu (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, dựa trên một số truyện ngắn trong Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam); Cánh đồng bất tận (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư), Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải, chuyển thể từ tác phẩm Tiếng đàn môi bên bờ rào đá của nhà văn Đỗ Bích Thúy), Thời xa vắng (đạo diễn Hồ Quang Minh, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu), Mê Thảo- thời vang bóng (đạo diễn Việt Linh, chuyển thể từ một số truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân), Long thành cầm giả ca (đạo diễn Đào Bá Sơn, phóng tác từ tác phẩm cùng tên của đại thi hào Nguyễn Du)...
Một dòng phim đang chảy
Thời gian gần đây tiếp tục có một số tác phẩm văn học được chuyển thể kịch bản và được đưa vào sản xuất phim. Đó là Nước (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh) chuyển thể từ truyện ngắn Nước như nước mắt của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Đáng chú ý, Nước đã được lựa chọn chiếu mở màn cho chương trình bên lề của LHP Berlin (4/2014). Đặc biệt là Dịu dàng - phim điện ảnh với kịch bản được đạo diễn Lê Văn Kiệt chuyển thể từ tác phẩm Một sinh vật dịu dàng của nhà văn Nga Fyodor Dostoyevsky đang nhận được rất nhiều lời mời từ các LHP quốc tế tại Hàn Quốc, Ai Câp, Ba Lan. Phim là mối tình đầy éo le, trắc trở và giằng xé cảm xúc giữa một người đàn ông trung niên và một cô gái trẻ xảy ra ở một vùng quê miền Tây Nam Bộ, với diễn xuất của Dustin Nguyễn và Thanh Tú.
Cảnh trong phim Nước.
Từ cuối tháng 10/2014, phim điện ảnh Hương ga chuyển thể từ tiểu thuyết Phiên bản của nhà văn Nguyễn Đình Tú đã được đông đảo khán giả đón nhận. Đây là dự án điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học thứ hai của đạo diễn Cường Ngô - sau loạt phim ngắn Ngọc Viễn Đông (chuyển thể từ các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc) được đánh giá cao. Phiên bản là một trong những tiểu thuyết ăn khách của nhà văn Nguyễn Đình Tú, sức sống tự thân của tác phẩm đã là điểm tựa đủ để Hương ga trở thành một trong những phim Việt ăn khách trong năm 2014 này. Giữa tháng 11/2014, bộ phim Đời như ý (đạo diễn Vương Quang Hùng chuyển thể kịch bản từ truyện cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư) cũng đã ra mắt khán giả.
Đang làm hậu kỳ là phim điện ảnh Quyên (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình), chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, từng đạt được giải Nhì cuộc thi tiểu thuyết 2006-2009 của Hội Nhà văn Việt Nam. Quyên kể về cuộc đời của cô gái Hà Nội tên Quyên cùng chồng vượt biên từ Nga sang Đức để tìm miền đất hứa, trong thời kỳ hỗn mang khi bức tường Berlin sụp đổ. Chuyến đi nhiều bão táp đó không ngờ là một cuộc phiêu lưu gần 10 năm, với bao cay đắng cùng với những đồng bào của mình ở nơi xứ người. Với bối cảnh chính là Đà Lạt và châu Âu, Quyên có dàn diễn viên gồm: Trần Bảo Sơn, Á hậu Ngọc Oanh và ngôi sao hành động Hollywood Gary Daniels - người từng đóng The Expendables 2010.
Cảnh trong phim Quyên.
Một dự án phim đang sản xuất khác là Mỹ nhân (Công ty TNHH một thành viên phim Giải Phóng sản xuất) có kịch bản được Văn Lê chuyển thể thành kịch bản từ tiểu thuyết cùng tên của ông. Đây là phim cổ trang, chính sử, đề cập đến cuộc chiến tranh đoạt vị chốn cung đình cùng những âm mưu thù hận cá nhân và tình yêu dục vọng giữa Chúa Nguyễn Phúc Lan và con trai trưởng - thế tử Nguyễn Phúc Tần.
Mấy tháng nay, đạo diễn Victor Vũ (từng thành công với Thiên mệnh anh hùng có kịch bản phóng tác từ tiểu thuyết Bức huyết thư của nhà văn Bùi Anh Tấn) cũng đang khởi động dự án điện ảnh Hoa vàng trên cỏ xanh được chuyển thể từ tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh từng đoạt giải thưởng Văn chương Asean của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh do đạo diễn Việt Linh viết kịch bản. Cuộc bắt tay làm phim giữa tác phẩm của nhà văn best-seller Nguyễn Nhật Ánh và đạo diễn ăn khách Victor Vũ hứa hẹn Hoa vàng trên cỏ xanh sẽ mang đến phong vị lạ cho điện ảnh Việt 2015. Phim do Cục Điện ảnh làm chủ đầu tư và giao cho ba đơn vị sản xuất phim quen thuộc Galaxy Media & Entertainment, Phương Nam Phim và Saigon Concert cùng phối hợp sản xuất. Bộ phim còn có mục tiêu góp phần thúc đẩy sự phát triển của hoạt động điện ảnh Việt Nam và quảng bá nét đẹp về thiên nhiên đất nước, con người, văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Nguồn chất liệu vô tận
Sự trở về của điện ảnh với văn học gần đây, đặc biệt là ở những đạo diễn như Victor Vũ, Nguyễn Phan Quang Bình, Nguyễn Võ Nghiêm Minh hay những hãng phim tư nhân vốn không mấy mặn mà với thể loại phim giàu chất nghệ thuật, cho thấy sự thành công của bộ phim được “đảm bảo” trước về chất lượng của tác phẩm văn học. Nhìn lại những tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn như: Cánh đồng bất tận, Tôi thấy hoa vàng trên đám cỏ xanh, Nước như nước mắt, Phiên bản…được lựa chọn để chuyển thể sẽ thấy rằng, hầu như tác phẩm văn học đã nổi tiếng hoặc đoạt giải thưởng uy tín dễ dàng lọt vào “mắt xanh” của các nhà làm phim. Có “bột mới gột nên hồ”, công đoạn chuyển thể kịch bản sẽ bớt “nặng” hơn. Chưa kể việc chuyển thể này sẽ đánh động đến sự tò mò, thu hút công chúng bởi ai cũng muốn biết nhân vật họ từng đọc trong sách, tưởng tượng ra, khi xuất hiện trên màn ảnh sẽ thế nào…Tác phẩm văn học dù đã khá quen thuộc với công chúng nhưng vẫn “lạ” khi ít nhiều được biến tấu qua ngôn ngữ điện ảnh…
Cảnh trong phim Dịu dàng.
So với viết một kịch bản thông thường thì chuyển thể từ tác phẩm văn học có nhiều thuận lợi khi biên kịch đã có một câu chuyện hoàn chỉnh. Nhưng cũng có những khó khăn nhất định, đặc biệt trong việc giữ được tinh thần của tác phẩm, và làm nó hấp dẫn, khả thi hơn khi sản xuất thành phim. Hơn nữa, chuyển thể kịch bản thì luôn gặp phải tình huống bị so sánh giữa tác phẩm văn học và phim. Vẫn biết, ấn tượng của độc giả với một cuốn sách thường khó lòng thay đổi nên có lẽ không chỉ riêng gì các nhà làm phim mà cả công chúng cũng đều nhận ra được những áp lực khi chuyển thể một tác phẩm văn học thành phim. Một trong những trở ngại lớn nhất cho các đạo diễn chính là khả năng nâng tầm tác phẩm văn học bằng ngôn ngữ điện ảnh. Nếu để nguyên xi như tác phẩm văn học thì sẽ không thể làm phim, nên kịch bản chuyển thể rất cần đến sự sáng tạo của các nhà điện ảnh.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú - “cha đẻ” của tiểu thuyết Phiên bản được đạo diễn Cường Ngô dựng thành phim Hương Ga từng cho biết: “Tôi là nhà văn, tôi có thể giỏi miêu tả nhân vật nhưng lại không biết gì về các thủ pháp điện ảnh. Vì thế trước một bộ phim, hãy tôn trọng đạo diễn và các diễn viên. Phim hay là thành công của họ, phim dở là thất bại của họ”. Rõ ràng, tác phẩm văn học dù đã khá quen thuộc với công chúng nhưng vẫn “lạ” khi ít nhiều được biến tấu qua ngôn ngữ điện ảnh. Nhà văn Trần Văn Thọ của tiểu thuyết Quyên cũng chia sẻ rằng: “Văn học có bạn đọc của nó nhưng nếu nó thành phim, nó sẽ có thêm triệu triệu khán giả chưa từng đọc qua tác phẩm văn học nữa”.
Nhìn chung, với sự phong phú về số lượng tác phẩm văn học cho thấy, chúng thực sự là “mỏ vàng” vô tận cho các nhà làm phim khai thác, chọn lựa và chuyển thể thành kịch bản phim điện ảnh. Khi cái “mỏ vàng” này được nhiều nhà làm phim quan tâm đến hơn, chắc chắn điện ảnh Việt Nam sẽ có một dòng phim giàu chất nghệ thuật sôi nổi và đầy sức hút với công chúng của cả văn học lẫn điện ảnh.
Theo Đan Khanh/Điện ảnh Việt Nam