Kịch văn học cứu nguy sàn diễn

Đăng lúc: 8:16 am, Ngày 29/08/2015

Những vở kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học đang góp phần làm phong phú kịch mục của sân khấu kịch tại TP HCM, tạo dấu ấn riêng trong số đông khán giả.

Chưa bao giờ sân khấu kịch lâm vào cảnh “mắc cạn” khi không tìm ra kịch bản hay để dựng, hiếm hoi vở diễn có tuổi thọ cao. Hàng loạt dự án hài kịch bị dừng lại. Các vở đề tài ma quỷ, đồng tính tiếp tục đánh cược “5 ăn 5 thua” - theo các nhà đầu tư. Duy nhất dòng kịch chuyển thể từ các tác phẩm văn học, gọi là “kịch văn học” đang giữ mức doanh thu an toàn, lượng khán giả ổn định.

Giàu tính nhân văn

Tối 28/8, Kịch Hoàng Thái Thanh sẽ ra mắt vở Bao giờ sông cạn của tác giả Hạnh Thúy - Hoàng Thái Thanh, dựa theo tác phẩm văn học Dòng nhớ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Trước đó, Sân khấu Kịch Phú Nhuận của nghệ sĩ Hồng Vân cũng đã ra mắt vở Đàn bà dễ có mấy tay dựa theo tác phẩm Giông tố của Vũ Trọng Phụng, do tác giả Chu Thơm chuyển thể.
Kịch văn học cứu nguy sàn diễnCảnh trong vở Bao giờ sông cạn của Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.

Các sàn kịch như Nụ cười mới, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, Sân khấu Kịch IDECAF… cũng chọn dựng kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học để thu hút người xem.

Nhà hát Kịch TP HCM đã đưa lên sàn dựng kịch bản văn học của nhà văn Nguyễn Đông Thức - Cuộc phiêu lưu những bức thư tình, do Lê Diễn làm đạo diễn.

Không thể phủ nhận, “kịch văn học” đang góp phần làm phong phú kịch mục của sân khấu kịch tại TP HCM, tạo dấu ấn riêng trong số đông khán giả.

Nghệ sĩ Hồng Vân - bà bầu Sân khấu Kịch Phú Nhuận và nghệ sĩ Ái Như - một trong  những nhà sản xuất của Sân khấu Hoàng Thái Thanh, đều mê “kịch văn học”, bởi theo 2 chị bố cục câu chuyện chặt chẽ, giàu tính nhân văn, lời thoại giàu ý thơ, tâm lý nhân vật rất dễ khai thác và quan trọng hơn là thủ pháp dàn dựng có sự tương tác, nâng tầm tác phẩm để người xem rời khỏi trang sách vẫn có thể bay bỗng cảm xúc theo câu chuyện kịch.

Nghệ sĩ Hồng Vân cho biết bên cạnh sự “ồn ào” của dòng kịch giải trí, những vở kịch chuyển thể từ văn học vẫn có chỗ đứng với lượng khán giả ổn định. “Chính vì thế tuổi thọ của các vở diễn Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây, Chị Dậu, Chí Phèo… của Sân khấu Kịch Phú Nhuận đã nuôi sống diễn viên, đạo diễn trẻ của sân khấu này hơn chục năm qua” - đạo diễn Hồng Vân chia sẻ.

Đa dạng thủ pháp

Trung thành với tác phẩm văn học hay biến tấu cho phù hợp với nhu cầu người xem hôm nay là những thủ pháp mà ê-kíp thực hiện chọn lựa khi dựng “kịch văn học” ở các sân khấu kịch hiện nay nhằm đưa được “kịch văn học” đến với khán giả, được khán giả chấp nhận.

Đạo diễn Ái Như gần như trung thành tuyệt đối với tác phẩm văn học, chỉ phát triển thêm những tình huống nhằm đẩy cao trào vở diễn, điều này đã giúp cho vở kịch không bị sai lạc đường dây cốt truyện nhưng không “đồ theo” truyện đọc, khán giả có thể đẩy suy nghĩ của mình vào cùng với nghệ sĩ tháo gỡ các nút kịch.

Với đạo diễn Hồng Vân, chị chọn thủ pháp phá cách. “Sàn diễn của tôi có 2/3 khán giả thích cười nên phải chêm vào kịch những mảng miếng hài. Có điều đạo diễn và diễn viên phải biết tiết chế, lái các tình huống hài đó vào đường ray cốt truyện, để khán giả từng đọc tác phẩm văn học chấp nhận, không thấy khó chịu và hụt hẫng” - nghệ sĩ Hồng Vân giải thích.

Để tạo dấu ấn mới cho kịch văn học, các sân khấu đã tập trung khai thác các tuyến nhân vật chính, đồng thời tạo điểm nhấn để thu hút thêm khán giả đến rạp. Kịch Hoàng Thái Thanh đã mời nữ danh ca Bạch Yến thu âm những bài hát ru Nam Bộ đúng chất nhằm tăng thêm chất thi ca, đưa đời sống văn hóa Nam Bộ vào vở kịch Bao giờ sông cạn. Đạo diễn Lê Diễn mời nữ nghệ sĩ Kiều Phượng Loan tham gia vở Cuộc phiêu lưu những bức thư tình, để đóng vai bà mẹ, khai thác giọng ca chân phương, ngọt ngào của nữ nghệ sĩ vốn là đào hát này.

Kiếm tìm thêm khán giả trẻ


Không phải bây giờ dòng “kịch văn học” mới được chú ý, trước đây, nhiều sân khấu ở TP HCM đã dựng nhiều vở thuộc dòng kịch này. Điển hình Sân khấu Phú Nhuận với một loạt vở chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng: Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây, Chị Dậu, Chí Phèo... và mới đây nhất là Đàn bà dễ có mấy tay.
Kịch văn học cứu nguy sàn diễnĐời như ý của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư gây ấn tượng trên sân khấu Thế Giới Trẻ.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh nhiều năm nay cũng là địa chỉ quen thuộc trong việc chuyển thể các tác phẩm văn học như Hãy khóc đi em (Trăng nơi đáy giếng - Thùy Mai), Nửa đời ngơ ngác (Chiều vắng - Nguyễn Ngọc Tư), Bao giờ sông cạn (Dòng nhớ - Nguyễn Ngọc Tư); Nhà hát Sân khấu nhỏ TP HCM rất thành công với vở Cánh đồng bất tận dựa theo tác phẩm văn học cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư; Sân khấu Thế giới trẻ thành công với tác phẩm Đời như ý (Nguyễn Ngọc Tư)...

Nghệ sĩ Hồng Vân cho biết: “Dựng kịch văn học 10 năm qua là quá trình dò tìm khán giả của Sân khấu Kịch Phú Nhuận. Đa phần là khán giả lớn tuổi. Nhiều năm gần đây, chúng tôi muốn tìm thêm lượng khán giả trẻ nên đưa dòng kịch này đến trường học, cụ thể là khoa văn của các trường đại học. Vở Đàn bà dễ có mấy tay mới ra mắt nhận được phản ứng khá tốt từ các thầy cô. Hy vọng sẽ nhận được nhiều sự hợp tác của các trường để dòng kịch này đến gần hơn với khán giả trẻ”.
 
Thanh Hiệp/Theo Người lao động

Đọc thêm các bài khác