Đàm Vĩnh Hưng truyền lửa cho ca sĩ trẻ

Đăng lúc: 9:19 am, Ngày 20/03/2016

Mr Đàm đã dành gần 3 tiếng đồng hồ để chia sẻ về nghề hát với khán giả, học trò cùng phụ huynh của các em đang học tập tại Trung tâm Đào tạo nghệ thuật Tiếng Hát Việt do anh thành lập.

Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ chân thành, để có được vị trí như ngày hôm nay, anh đã có xuất phát điểm từ con số âm. Gia đình không điều kiện và ly tán, anh đã trải qua những ngày tháng cùng cực nhất của cuộc đời với một sự nỗ lực kinh khủng để tìm ra được mình. Chính vì thế, anh khuyên các học trò và các bạn trẻ rằng đừng bao giờ ngừng nỗ lực, phải “lì lợm” hơn nữa và luôn chinh phục những bậc thang cao hơn bởi vì sẽ không có bậc thang nào là cao nhất.
 
Khi được hỏi những yếu tố nào là cần thiết để bước chân vào nghề hát, Mr Đàm thẳng thắn trả lời rằng, quan trọng nhất là phải có giọng hát. Sau đó, phải đánh giá được thực lực mình đến đâu. Bởi theo anh, trong 100 người thì hết 90 người tự cho rằng mình hát hay, nhưng đôi khi đó chỉ là những giọng ca karaoke thôi. “Hưng đề nghị các bạn không được để karaoke nó dụ rồi tưởng mình hát hay” - anh hài hước. 
 
Mr Đàm khẳng định, nghề hát không những cần giọng hát mà còn cần có cái đầu. Bản thân các ca sĩ phải luôn quan sát, luôn vận động để có những chọn lựa, con đường mang dấu ấn cá nhân nhưng đồng thời phải phù hợp với thời thế, với những đòi hỏi có thực từ khán giả, từ thị trường âm nhạc rộng lớn.
 
Nói về vấn đề nhìn nhận thực lực bản thân, anh dí dỏm nói thêm, các bậc bố mẹ là những người “giết” con cái nhanh nhất bởi con họ hát thực chỉ được 1 thôi nhưng vì thương con, họ không ngớt lời khen con mình để nó tưởng rằng nó là xuất sắc. Phụ huynh nên nhìn nhận thẳng thắn và trao đổi cùng con mình khi con có ý muốn đi theo con đường nghệ thuật.
Đàm Vĩnh Hưng truyền lửa cho ca sĩ trẻĐàm Vĩnh Hưng truyền lửa cho ca sĩ trẻĐàm Vĩnh Hưng truyền lửa cho ca sĩ trẻCa sĩ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ về nghề hát. Ảnh: Khoa Nguyễn D.K
 
Ca sĩ Phượng Vũ của Giọng hát Việt xin lời khuyên về kinh nghiệm chọn ca khúc, dòng nhạc cho phù hợp với khán giả Bắc - Nam, Mr Đàm rất thích thú trước câu hỏi này. Theo anh, bản thân ca sĩ phải có một sự quan sát và nắm tâm lý của khán giả một cách nhạy bén nhất bởi gu thưởng thức của hai lớp khán giả 2 miền có những sự khác biệt nhất định. Theo anh, khi hát cho các khán giả phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, là không dễ dàng chút nào. Trong các buổi diễn hoặc liveshow, Mr Đàm thường khéo léo lồng vào một số ca khúc viết về Hà Nội, bên cạnh đó anh cũng thường chọn thêm nhạc trữ tình và nhạc xưa. Trong khi đó khán giả miền Nam thì thoáng hơn nên anh thường chọn cách hát các ca khúc remix; các bản hit bên cạnh nhạc trữ tình hay nhạc xưa tùy theo chủ đề từng đêm nhạc. 
 
Đàm Vĩnh Hưng cũng nhấn mạnh, cách chọn bài, tinh thần và trang phục khi hát trong quán bar, vũ trường cũng phải khác, phải ra “dân chơi” và phải sống động để phù hợp với không khí. Hát ở phòng trà thì ngược lại, không thể ăn mặc hầm hố như phong cách của quán bar mà phải tinh tế hơn rất nhiều để phù hợp với phân khúc khán giả lớn tuổi, dám chi và cần sự lắng đọng. Mr Đàm khuyện, có những thời điểm mình hãy dám tiên phong khai phá các dòng nhạc chưa ai khai phá, nhưng ngược lại có những thời điểm mình phải nắm bắt cho được khán giả đang muốn nghe và xu hướng của họ đang là gì để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Đây là điều rất quan trọng, cho dù là ngôi sao hay người mới đi hát phải luôn tự ý thức.
 
Buổi nói chuyện diễn ra tại Phòng trà MTV.
 
Ngoài chuyên môn, Mr Đàm cũng nhắc các học trò và các ca sĩ trẻ rằng cho dù là mới bước vào nghề hay đã có vị trí trong nghề, luôn luôn phải biết trên biết dưới, có cách ứng xử phù hợp với từng người, với các anh chị đi trước, với bầu sô, thậm chí là với việc ra giá cát xê phải phù hợp với quy mô tổ chức của từng chương trình chứ không phải lúc nào cũng “hét” giá. Anh nói thêm, mặc dù đạt được vị trí nhất định trong lòng khán giả nhưng anh chưa bao giờ tự xem mình là nhất, là số 1. 
 
Bảo Bảo

Đọc thêm các bài khác