Những vở kịch ở sân khấu kịch Hồng Hạc phải đạt được tính chân thật, chạm đến mạch cảm xúc người xem, lay động lương tri và mang tính phản biện cuộc sống hôm nay.
Gần một năm hoạt động, sân khấu kịch Hồng Hạc của đạo diễn Việt Linh đã trở thành điểm hẹn của những ai yêu thích kịch văn học.
Xây thánh đường nghệ thuật
Bước đi trong gian khó để gầy dựng một điểm diễn mới, ban đầu, nhiều đồng nghiệp của làng kịch cho rằng đạo diễn Việt Linh “liều”. Chẳng ai tin chị thành công vì lúc đó, sàn diễn kịch nói từ quốc doanh cho đến tư nhân đều ngao ngán tình trạng quầy vé vắng khách. Kịch hài còn khó nói chi đến kịch văn học. Thế nhưng, đạo diễn Việt Linh đã làm nên chuyện, biến khán phòng của sân khấu Trường Múa TP HCM thành thánh đường nghệ thuật đúng nghĩa.
Cảnh trong vở Diễn viên hạng ba.
“Có bột mới gột nên hồ”, khâu kịch bản văn học được đạo diễn Việt Linh xem trọng. Không thể mở sân khấu chỉ để nhận kịch bản trôi nổi, chị không thích chơi trò may rủi, thiếu phương hướng như vậy. Với năng lực của người làm việc có phương châm, có tâm với nghề và trên hết là một đạo diễn từ điện ảnh bước sang sân khấu, hành trang sự nghiệp đã có nhiều tác phẩm xuất sắc, được giới chuyên môn đánh giá cao như Chung cư, Dấu ấn của quỷ, Gánh xiếc rong… đồng thời đã viết nhiều tác phẩm văn học từ góc nhìn của một người có cảm xúc sâu lắng về cuộc sống, chị không cho phép mình đi chệch đường ray trên cung đường do mình vẽ ra.
Đạo diễn Việt Linh bắt đầu từ việc vừa thích vừa sợ chất văn của Nguyễn Ngọc Tư. “Thích lúc đầu và càng về sau thấy sợ bởi chất bạo liệt về kiếp người trong đó” - chị bày tỏ. Từ những vở kịch được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn đặc trưng miền Tây này, chị đã lôi kéo khán giả đến với sân khấu Hồng Hạc.
Với 3 tác phẩm mới đang thu hút đông đảo khán giả vào những ngày cuối tuần, thương hiệu Kịch Hồng Hạc đã thành điểm hẹn đối với khán giả yêu thích kịch nghệ muốn được thưởng thức những tác phẩm được dựng bằng cái tâm của người làm nghề.
Trong đó, Đảo lửa - được đạo diễn Việt Linh chuyển thể từ hai tác phẩm Tro tàn rực rỡ của Nguyễn Ngọc Tư và Đảo của đạo diễn Lê Thụy - ra mắt ở ngày khai trương Hồng Hạc đến nay vẫn là vở diễn ăn khách của sân khấu này.
Hai vở còn lại, Thiên thần nhỏ của tôi (phóng tác từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, do nghệ sĩ Lan Phương đạo diễn) và Giờ của quỷ (tác giả: Việt Linh, phỏng theo tiểu thuyết Trái tim què quặt của Catherine Arley, do nghệ sĩ Hồng Ánh đạo diễn) cũng là những vở diễn hay, đang thu hút khán giả.
Poster vở Thiên thần nhỏ của tôi.
Thủ pháp quyết định sống còn
Mở sân khấu trong thời buổi xô bồ, ai cũng có thể viết kịch, dựng kịch thì việc giữ sự chuẩn mực của kịch đòi hỏi phải xem trọng thủ pháp dàn dựng. Với khán phòng hơn 200 ghế, không gian ấm cúng ở sân khấu Hồng Hạc đã thật sự là nơi lý tưởng cho việc thể nghiệm nhiều thủ pháp dàn dựng kịch văn học. Đạo diễn Việt Linh cũng xem đó là chìa khóa quyết định số phận sống còn của sân khấu kịch này.
Được công chúng và người trong giới biết đến là đạo diễn điện ảnh nhưng Việt Linh từng học và thực hành về sân khấu trong trường điện ảnh ở Liên Xô. Dù nhiều năm bận rộn với những dự án điện ảnh nhưng chị vẫn ấp ủ xây dựng sân khấu của riêng mình. Kịch Hồng Hạc là tâm huyết của Việt Linh trong chặng đường nghệ thuật mới nên chị dứt khoát không chấp nhận việc thiếu thủ pháp dàn dựng cho tác phẩm khi đã quyết định đưa lên sàn tập.
Nghệ sĩ Hồng Ánh giải thích: “Thủ pháp chính là sự gợi mở những cảm xúc chân thật trong diễn xuất. Thay đổi cảnh trí, không gian, thời gian, ánh sáng, thiết kế sân khấu đều có những quy định chặt chẽ, khơi gợi ở khán giả những cảm xúc thật nhất”. Còn với nghệ sĩ Lan Phương, không để cảm xúc vở diễn trôi tuột mà phải đong đầy trong trái tim khán giả bằng tính nhân văn sâu sắc của câu chuyện.
Thủ pháp dàn dựng của các đạo diễn trẻ trên Sân khấu Kịch Hồng Hạc được xác định là phải đạt được tính chân thật, chạm đến mạch cảm xúc người xem, lay động lương tri và mang tính phản biện cuộc sống hôm nay. “Người xem phải nhận thấy giá trị chân, thiện, mỹ trong tác phẩm. Họ nhìn thấy được trong ánh mắt nghệ sĩ đang thể hiện kịch có bóng dáng đời sống và sự trải nghiệm thật sự” - nữ đạo diễn Chi Cù, người dựng vở “Visa” của tác giả Việt Linh, đã nói như vậy trong ngày ra mắt tác phẩm này.
Tạo được diện mạo mới cho mình, Kịch Hồng Hạc thuyết phục người xem bằng nguồn diễn viên trẻ, có sức sáng tạo mới như: Khôi Trần, Lê Chi Na, Đinh Mạnh Phúc, Thanh Tuấn, Minh Trương… Đa số khán giả xem kịch của Hồng Hạc đều cảm nhận được sức sáng tạo mãnh liệt, rất đầy đặn của đội ngũ diễn viên. Họ làm việc có cảm xúc chứ không dùng kỹ thuật.
“Sân khấu Hồng Hạc bằng sức vóc của mình mong muốn mang lại cho giới trẻ cơ hội thể nghiệm những tư duy sáng tạo mới trong hoạt động nghệ thuật sân khấu. Kịch Hồng Hạc sẽ là cái nôi đào tạo và bồi dưỡng những nhân tố trẻ ở các vai trò khác nhau như: đạo diễn, diễn viên, biên kịch… ” - đạo diễn Việt Linh kỳ vọng.
Không chỉ kịch nói
Tham vọng của đạo diễn Việt Linh ở Hồng Hạc là trong tương lai, ngoài 60% suất diễn dành cho kịch nói, sân khấu này sẽ thay nhau trình diễn nhạc kịch, múa, giao hưởng thính phòng, cải lương…
Ngoài việc tự sản xuất, đạo diễn Việt Linh cho biết Kịch Hồng Hạc sẽ chọn lọc, đầu tư và giới thiệu vở diễn, chương trình của các đạo diễn trẻ tâm huyết, phù hợp với tiêu chí của sân khấu. Tác phẩm đầu tiên được nhắm đến để tổ chức biểu diễn cải lương thể nghiệm là vở Hà Nội gió mùa của Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Thanh Hiệp/Theo Người lao động