Phim Việt bị rập khuôn và sản xuất nhỏ lẻ

Đăng lúc: 7:55 am, Ngày 04/11/2016

Với thực trạng loay hoay tìm đề tài, bị động trong sản xuất như hiện tại, điện ảnh Việt khó có được những tác phẩm đỉnh cao như mong đợi.

Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội đang diễn ra từ ngày 1 đến 5/11/2016 tại Hà Nội, điện ảnh nước chủ nhà cố gắng góp được 2 bộ phim được xem tương đối có nghề có thể “nói chuyện” với bạn bè chứ chưa phải có đủ lực để thi thố, giành giải ngay trên “sân nhà”. Đó là Trúng số Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
 
Rập khuôn
 
Sau một thời gian dài chạy theo thể loại “hài nhảm”, điện ảnh Việt chuyển hướng sang kinh dị pha nhiều thể loại và giờ tập trung vào chủ đề tình cảm nhân văn. Có thể thấy mỗi khi có thể loại nào thắng về doanh thu dù chỉ một phim, lập tức có hàng loạt nhà sản xuất lao vào khai thác thể loại đó. Vì nhiều phim cùng thể loại, nội dung na ná nhau ồ ạt ra rạp dẫn đến hậu quả khán giả “bội thực”, chán ngán. Thị trường điện ảnh Việt tăng nhanh số lượng nhưng khó có được tác phẩm đỉnh cao vì chỉ lo tìm cách đáp ứng thị hiếu khán giả và ngại tìm tòi cái mới.
Cảnh trong phim Truy sát
 
2016 là năm bùng nổ về mặt số lượng của điện ảnh Việt khi có đến hơn 60 phim. Nhưng các phim này chỉ xoay quanh vài thể loại và số lượng đạt chuẩn theo các nhà chuyên môn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả một số phim được đánh giá cao từ khi công bố dự án nhờ danh tiếng ê-kíp thực hiện và tiền đầu tư lớn như Truy sát, Fan cuồng... cũng nhiều sạn khiến doanh thu không như kỳ vọng. Người trong giới nhận định việc chạy theo thị hiếu, thiếu chủ động sản xuất, rập khuôn thể loại, đề tài là nguyên nhân khiến điện ảnh Việt khó có tác phẩm đỉnh cao dù thị trường sôi động hơn trước.
 
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc sản xuất Công ty Sena Film, cho biết làm phim để phục vụ khán giả nhưng không phải một cách rập khuôn, đua nhau sản xuất một kiểu. Đây là kiểu làm không chỉ góp phần “giết chết” thể loại đó mà còn khiến điện ảnh Việt ngày càng xa tầm tác phẩm vừa có doanh thu tốt vừa được giới chuyên môn khen ngợi. “Chúng ta chưa có những nhà sản xuất chuyên nghiệp, đủ tâm, tầm và lực để dẫn dắt thị hiếu công chúng, tạo nên tác phẩm đỉnh cao. Nhà sản xuất cứ thấy phim nào ăn khách là nghĩ rằng khán giả đang thích và chạy theo. Đôi lúc, nhà đầu tư đoán mò rồi suy luận lệch hướng và hậu quả là thất bại” - bà Bích Thủy bộc bạch. 
 
Đồng quan điểm trên, nhà báo - nhà phê bình Cát Vũ lý giải thêm điện ảnh Việt đa phần do các hãng sản xuất tư nhân đầu tư nên chú trọng chuyện lời, lỗ. Họ khảo sát thị trường thấy thể loại nào đang thu hút khán giả thì đầu tư sản xuất theo thể loại đó. Nếu đi hướng mới, họ e ngại sẽ không được khán giả đón nhận. Một số người cũng muốn làm phim hay, lạ nhưng lại không có đủ tài, tư duy đủ tầm để làm tốt. Nỗi lo doanh thu đè nặng, vốn đầu tư không nhiều nên họ chỉ có thể tạo ra những tác phẩm chấp nhận được để phục vụ khán giả chứ không đủ lực cho ra đời tác phẩm đỉnh cao.
Cảnh trong phim Fan cuồng.
 
Sản xuất nhỏ lẻ
 
Vì sợ thua lỗ, không thể tái sản xuất, các nhà đầu tư đa phần chọn giải pháp an toàn. Đạo diễn Hạnh Nhân cho rằng với số vốn trung bình trên 10 tỉ đồng, làm phim kinh dị hoặc tình cảm hài là lựa chọn an toàn cho nhà sản xuất. Bằng tư duy kinh doanh, họ không thể mạo hiểm với các thể loại mới lạ mà không biết chắc khán giả có ủng hộ hay không.
 
Điều này càng khiến điện ảnh Việt mơ hoài tác phẩm đỉnh cao vốn đòi hỏi đầu tư cao, giàu sáng tạo, mới lạ. “Những phim lấy cảm hứng từ các câu chuyện có thật đang được điện ảnh thế giới yêu thích thời gian gần đây chưa được điện ảnh Việt Nam đề cập. Nguyên nhân không phải vì không nghĩ ra được cái để làm mà không đủ tiền, những câu chuyện quá khốc liệt thì chẳng qua lọt cửa kiểm duyệt. Chúng tôi đều biết phim gắn liền với câu chuyện có thật như tái hiện lại lũ lụt ở miền Trung hay những trận chiến oai hùng trong lịch sử dân tộc sẽ ăn khách vì gần gũi. Tuy nhiên, số tiền để đầu tư chẳng phải nhỏ, không nhiều nhà sản xuất đủ lực làm việc này” - ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thiện Production, cho biết.
 
Biên kịch Võ Uyên Dung tâm sự nhiều khi muốn viết thể loại khác, thỏa sức tưởng tượng nhưng nhà đầu tư không chịu bỏ tiền để làm. Đại đa số nhà sản xuất phim điện ảnh thường chọn thể loại hành động hài và nay là kinh dị vì kinh phí thấp, dễ thu hồi vốn. “Một tác phẩm điện ảnh được gọi là đỉnh cao thường không chỉ hay về nội dung mà còn tốt về mặt kỹ thuật, đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Điện ảnh Việt Nam hiện là “zero” (số 0), chúng ta chưa có nền tảng vững chắc để phát triển, chỉ sản xuất nhỏ lẻ. Một số đạo diễn Việt kiều sau khi quay phim ở Việt Nam thường phải mang ra nước ngoài làm hậu kỳ. Các khâu hỗ trợ cho điện ảnh không được đào tạo đồng bộ, tất cả đều nghiệp dư. Vì thế, chúng ta chỉ có thể chấp nhận tác phẩm có thể xem được, chứ đòi hỏi tác phẩm đỉnh cao là điều không thể” - nhà báo, nhà phê bình Cát Vũ khẳng định.
 
Bà Cát Vũ nói thêm rằng hy vọng thị trường điện ảnh Việt ngày càng sôi động, sự sàng lọc tăng cao sẽ đòi hỏi nhà sản xuất tự nâng tầm “con tinh thần” của mình lên. Họ phải dần chuyên nghiệp hóa bằng tri thức, tầm nhìn như thế mới hy vọng cải thiện chất lượng và mơ đến tác phẩm đỉnh cao.

Minh Khuê/Theo Người lao động