'I am đàn bà' - một bức tranh đẹp về con người Nam bộ

Đăng lúc: 8:30 am, Ngày 20/01/2017

Dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Y Ban, sân khấu Hồng Hạc của bà bầu Việt Linh đã cho ra mắt vở kịch "I am đàn bà" do chính Việt Linh viết kịch bản và đạo diễn Hạnh Thúy dàn dựng.

Khác với truyện ngắn, trên sân khấu nhân vật chính được chuyển vào Nam. Đó là người đàn bà Nam bộ trong nỗi cơ cực không đất cắm dùi, phải sống trên ghe cùng chồng và hai đứa con có hai cái tên mang khát vọng của cha mẹ chúng - Điền và Thổ.
 
Điều dễ chịu xuất hiện trước mắt người xem ngay khi màn mở là cảnh sông nước miền Tây mênh mông hiền hòa cùng với lớp học tiếng Anh cấp tốc diễn ra trên ghe khá hài hước. Căn phòng ở nước ngoài trông trang nhã, toát lên được tính cách của chủ nhà.
 
Cả hai bối cảnh đều cho thấy phần thiết kế sân khấu cùng với nghệ thuật thể hiện ánh sáng đã phần nào làm bớt đi cảm giác chật hẹp của một sàn sân khấu vốn chỉ để dùng cho những bài tập của trường múa.
 
Người đàn bà tên Sa trong vở không có “bắp chân to như cây chuối hột”, trái lại, là một phụ nữ có nhan sắc. Người phụ nữ ấy, vì chồng vì con mà dấn thân vào một cuộc xuất ngoại để làm người giúp việc nơi xứ người.
 
Chăm sóc một ông chủ bị bại liệt vì tai nạn, Sa - do Lê Chi Na sắm vai - đã làm chủ sàn diễn từ đầu cho đến cuối, cuốn hút người xem bởi sự hồn nhiên, mộc mạc một cách duyên dáng.
Lê Chi Na (vai Sa) trong vở I am đàn bà - Ảnh: Lữ Bá Thịnh
 
Phần nổi trội nhất, đem lại sự thích thú là ở những câu thoại ngắn gọn, súc tích, nhất là những câu tiếng Anh nửa nạc nửa mỡ, tạo tình huống bi hài một cách nhẹ nhàng đượm phần chua xót.
 
Thế nhưng, xem hết vở, ấn tượng để lại trong lòng người xem sâu đậm nhất vẫn là hình ảnh một người phụ nữ tốt bụng, nhân hậu... hơn là nỗi đau của một người đàn bà vốn đoan chính, vốn thương con nhớ chồng mà dần dà lại bị cuốn vào một hành động rất bản năng với ông chồng bại liệt của bà chủ...
 
Hành động bất ngờ của Sa ở cuối vở làm người xem đôi chút ngỡ ngàng bởi trước đó, chưa thấy có sự tương tác mãnh liệt - kiểu như “cái ánh mắt mừng rỡ của ông chủ như thúc vào tim chị” hay “sự thèm khát khiến chị đang ngủ phải bật dậy”... - để đi đến cao trào ấy.
 
Làm “me mé” như trong vở diễn, bàn tay ông chủ thỉnh thoảng yếu ớt kéo xéo váy của chị giúp việc, quả là chưa đủ độ chín.
 
Chuyển một truyện ngắn vài trang giấy để làm nên một vở kịch dài trên dưới hai tiếng với đầy đủ hỉ nộ ái ố, thật ra nhà biên kịch Việt Linh chỉ mượn cái tứ, còn tất cả các tình huống truyện đều do chị sáng tạo.
 
Lớp học tiếng Anh trên ghe, chục hột vịt lộn ủ giấu trong tủ nở thành đám vịt con, câu hát Dạ cổ hoài lang nơi đất khách quê người... là những chi tiết thú vị, dễ đem lại cảm xúc.
 
Sự thành công của chị là đã vẽ nên hình ảnh một người phụ nữ Nam bộ nghèo tiền nhưng giàu tình, sống hết lòng vì người khác một cách tự nhiên, đồng thời qua đó cũng cho thấy nỗi bất hạnh của không ít phận đàn bà “chân yếu tay mềm” phải giơ vai gồng gánh kinh tế gia đình, một hình ảnh rất thời sự của không ít phụ nữ miền quê VN hôm nay...
 
Thế nhưng, chọn truyện ngắn I am đàn bà để chuyển sang kịch hoặc phim quả là một thách thức. Bởi không phải điều gì “chữ nghĩa” nói được thì “hình ảnh” cũng hiện ra được, nhất là ở một tác phẩm đề cập trực diện đến tính dục như I am đàn bà.
 
Cùng là người con của xứ dừa Bến Tre, sự đồng điệu của tác giả Việt Linh và đạo diễn Hạnh Thúy đã phác họa cho I am đàn bà một bức tranh đẹp về cảnh trí và con người Nam bộ. Dàn diễn viên, ngoài sự xuất sắc của Lê Chi Na trong vai Sa, còn có sự góp mặt tạo nên sức sống cho vở của nghệ sĩ Lương Mỹ, Ngọc Tưởng, Thành Tá, Thanh Tuấn, Minh Thảo, bé Tố Như...
 
Nên điều nhiều khán giả hơi tiếc, nếu như sân khấu Hồng Hạc bớt đi tiêu chí “kiềm chế” nghiêng về lý tính, đẩy lên cao và đầy hơn nữa những cảm xúc để người xem được thỏa sức khóc, cười, được đắm chìm cùng với các nhân vật trên sàn diễn, hẳn vở sẽ theo về với họ lâu hơn.
 
Cát Vũ/Theo Tuồi Trẻ online

Đọc thêm các bài khác