Những bộ phim đồng tính Mỹ nhiều dấu ấn
Đăng lúc: 8:25 am, Ngày 25/01/2017
Trước "Moonlight" - ứng cử viên sáng giá của Oscar năm nay, đã có nhiều bộ phim khai thác về đề tài đồng tính với những lát cắt nhiều màu sắc.
My own private idaho (1992): Phim tái hiện những góc khuất đen tối ở miền Tây nước Mỹ thông qua cuộc gặp gỡ của Mike Waters (River Phoenix) và Scott Favor (Keanu Reeves). Mike là người đồng tính, sống nội tâm, đang đi tìm người mẹ đã hắt hủi mình. Còn Scott là đứa con nổi loạn của một gia đình tài phiệt với cuộc sống hoang lạc chấp nhận cuộc sống làm “trai bao” để có tiền hút chích trong một băng nhóm hè phố.
Boys don’t cry (1999): Chuyện phim kể về Teena Brandon (nữ diễn viên Hilary Swank) là một người đàn ông mắc kẹt trong thân thể đàn bà với khát vọng được tự do và ước mơ sống thật với bản thân mình, bất chấp mọi bi kịch xảy đến. Swank đã nhận giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc cho vai diễn Brandon.
Monster (2004): Phim kể về tên sát nhân Aileen Wuornos - người phụ nữ đồng tính hành nghề mại dâm cuối cùng bị kết án tử hình do giết chết 7 mạng người. Charlize Theron đã nhận tượng vàng Oscar và Quả cầu vàng cho vai chính trong phim.
Brokeback Mountain (2005): Đây là một trong 10 câu chuyện tình buồn nhất lịch sử điện ảnh, bộ phim xoay quanh tình cảm giấu kín của hai chàng cao bồi Jack Twist và Ennis Del Mar. Họ vẫn giữ mối tình hơn 20 năm sau đó khi cả hai đều đã cưới vợ và có một cuộc sống gia đình riêng.
A single man (2009): Bộ phim đầu tay nhà thiết kế thời trang Tom Ford kể về George (Colin Firth), một người đàn ông độc thân, sầu muộn. Sau cái chết đột ngột của người bạn tình đồng giới, ông quyết định theo đuổi cuộc sống độc thân. Vai diễn này giúp Colin Firth nhận giải BAFTA, Nam diễn viên chính tại LHP Venice cùng hai đề cử tại giải Quả cầu vàng và Oscar 2010 cho Nam diễn viên xuất sắc nhất.
The Kid Are All Right (2010): Bộ phim gia đình hài kịch kể về một cặp đồng tính nữ tuổi trung niên (Annette Bening - Julianne Moore) có những đứa con tuổi vị thành niên tìm thấy người hiến tinh trùng là cha mình (Mark Ruffalo). Phim góp thêm tiếng nói sâu sắc trong những tranh cãi về hôn nhân đồng tính ở Mỹ.
Weekend (2011): Phim kể về 2 chàng trai Russel (Tom Cullen) và Glen (Chris New) vô tình gặp nhau tại một quán bar vào tối thứ sáu. Cặp đôi này đã trải qua 48 giờ “điên loạn” cùng nhau thông qua việc quan hệ tình dục, nhậu nhẹt và chia sẻ chuyện đời tư. Đó là một cuộc gặp gỡ chóng vánh nhưng để lại cho họ những dấu ấn sâu đậm về một tình yêu chân thành và không rào cản.
Pariah (2011): Câu chuyện kể về cô gái người Mỹ gốc Phi Alike (17 tuổi) đang sống cùng cha mẹ và người em gái Sharonda ở Brooklyn. Alike một học sinh xuất sắc ở trường và là một người đồng tính nữ luôn khao khát tìm được một nửa của mình.
Blue Is The Warmest Color (2013): Bộ phim từng giải Cành cọ vàng lại LHP Cannes 2013, xoay quanh câu chuyện tình yêu lãng mạn và đầy nhục dục giữa cô nữ sinh 17 tuổi Adele và sinh viên nghệ thuật Emma. Vật lộn giữa bản năng giới tính và các mối quan hệ xã hội, Adele vẫn quyết định dấn thân vào khám phá và nếm trải mối tình đồng tính.
Carol (2015): Bộ phim từng lọt vào đề cử Oscar 2015 có nội dung xoay quanh Carol (Cate Blanchett) - một người phụ nữ đã có chồng nhưng lại đem lòng yêu cô nàng bán hàng Therese Belivet xinh đẹp trẻ tuổi (Rooney Mara). Carol được bình chọn là một trong những tác phẩm tình cảm hay nhất năm, tinh tế và đầy cảm xúc.
Moonlight (2016): Được xem là tác phẩm xuất sắc về đề tài đồng tính trong lịch sử Hollywood, thước phim trải dài từ nhỏ đến lớn với những xung đột trong tâm lý và cuộc sống của người thanh niên da màu đồng tính Chiron trên đường đi tìm tình yêu và lẽ sống cho mình.
Phương Linh/Theo Zing