Giữa ồn ào cổ phần hóa, cùng điểm lại những tác phẩm để lại ký ức khó phai với nhiều thế hệ khán giả của hãng phim từng là anh cả của điện ảnh Việt Nam.
Chung một dòng sông (1959)
Tác phẩm là dự án đầu tiên của Hãng Phim truyện Việt Nam. Khởi quay từ tháng 2/1959, Chung một dòng sông được thực hiện bởi hai đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân (tức Phạm Kỳ Nam), quay phim Nguyễn Đắc, họa sĩ thiết kế Đào Đức. Hầu hết nghệ sĩ tham gia đều từ chiến khu Việt Bắc trở về, từng làm phim tài liệu - thời sự trước đó.
Cố nghệ sĩ Trịnh Thịnh trong phim Chung một dòng sông.
Câu chuyện xoay quanh mối tình của hai nhân vật Hoài và Vận. Hai người yêu nhau từ thời kháng chiến chống Pháp. Anh Vận là du kích còn chị Hoài thường chở du kích qua sông. Theo hiệp định Geneva 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến phân chia hai bờ Nam - Bắc của Việt Nam. Vận sống ở bờ Bắc còn Hoài lại ở bờ Nam, mối tình của họ bị chia cắt.
Gia đình Hoài bị chính quyền miền Nam khi đó truy bức. Với sự giúp đỡ của dân làng, Hoài vượt tuyến sang bờ Bắc gặp người yêu nhưng chị không ở lại mà trở về bờ Nam, cùng mẹ già và dân làng tiếp tục đấu tranh. Hạnh phúc của Hoài và Vận gắn liền với vận mệnh của dân tộc.
Tác phẩm được khen ngợi khi ra mắt, đánh dấu sự ra đời và phát triển của nền phim truyện điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Với vai trò và giá trị đặc biệt của mình, phim đã được trao tặng giải thưởng Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai năm 1973. Đây cũng chính là tác phẩm đưa cố NSND Trịnh Thịnh bước vào con đường nghệ thuật. Cũng giống như các diễn viên khác khi tham gia, Trịnh Thịnh khi ấy không được đào tạo bài bản và chỉ có chút kinh nghiệm từ việc lồng tiếng trước đó. Tuy nhiên, ông vẫn hoàn thành tốt vai diễn của mình và góp phần khai mở cho dòng chảy điện ảnh dân tộc.
Chị Tư Hậu (1962)
Tác phẩm do Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1962, chuyển thể từ truyện ngắn Một chuyện chép ở bệnh viện của Anh Đức (Bùi Đức Ái). Phim kể về cuộc đời một người phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm phản ánh ý chí quật cường của người phụ nữ - theo chân nhiều đội chiếu phim lưu động đến các xã, ấp để cổ vũ tinh thần cách mạng.
NSND Trà Giang vai chị Tư Hậu.
Đạo diễn Phạm Kỳ Nam chọn nghệ sĩ Trà Giang - khi đó mới 20 tuổi - vào vai chính. Chị Tư Hậu trở thành vai diễn kinh điển của Trà Giang, đem đến cho bà huy chương bạc ở Liên hoan phim Quốc tế Moscow năm 1963. Năm 1973, phim giành giải Bông Sen Vàng ở Liên hoan phim Việt Nam.
Nổi gió (1966)
Tác phẩm do Huy Thành đạo diễn được trao Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần đầu (1970). Phim được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của Đào Hồng Cẩm, xoay quanh những gia đình có con cái tham gia cả hai phe trong kháng chiến chống Mỹ. Vân (Thụy Vân) là một chiến sĩ cách mạng nhưng em cô - Phương (Thế Anh) - lại là trung úy quân miền Nam. Vân dần dùng lý lẽ để thuyết phục Phương đi theo cách mạng.
Thụy Vân trong phim Nổi gió.
Thụy Vân gây ấn tượng với nhan sắc và thể hiện sự kiên cường của nhân vật, còn Thế Anh diễn tả tốt biến chuyển tâm lý của người em. Nổi gió chắp cánh cho sự nghiệp của hai nghệ sĩ gạo cội trong nhiều thập niên tiếp theo.
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972)
Đúng như tên gọi, bộ phim của đạo diễn Hải Ninh xoay quanh cuộc sống ở hai bên đường biên giới chia cắt Việt Nam thời chống Mỹ. Nhân vật trung tâm là Dịu - một người phụ nữ ở lại bờ Nam khi chồng tập kết ra Bắc. Chị trở thành bí thư chi bộ và nhiều lần bị chính quyền miền Nam bỏ tù.
Theo biên kịch Hoàng Tích Chỉ chia sẻ trên báo Công an Nhân dân, kịch bản được ông lên ý tưởng sau khi gặp một nữ bí thư chi bộ ở miền Nam sang bờ Bắc công tác.
Lâm Tới và Trà Giang trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm.
Tác phẩm đánh dấu vai diễn đỉnh cao của nghệ sĩ Trà Giang. Ở Liên hoan phim Quốc tế Moscow 1973 (Nga), bà giành giải Nữ diễn viên xuất sắc, còn tác phẩm đạt giải của Hội đồng hòa bình Thế giới. Theo đạo diễn Hải Ninh, minh tinh Mỹ Jane Fonda khi xem cảnh chị Dịu đẻ trong tù đã thốt lên: "Tôi nghĩ các bà mẹ Mỹ cũng cần xem hình ảnh này". Nam diễn viên Lâm Tới cũng gây ấn tượng trong vai tên phản diện có học thức.
Em bé Hà Nội (1974)
Tác phẩm do Hải Ninh đạo diễn, kể về Ngọc Hà - một em bé Hà Nội đi tìm bố mẹ và em gái bị mất tích sau trận ném bom năm 1972 của Mỹ. Cuối cùng, nhờ những người tốt giúp đỡ, Hà tìm được em nhưng mẹ đã mãi mãi ra đi.
Phim khởi quay hè 1973 - nửa năm sau cuộc oanh tạc. Câu chuyện mang đậm chất nhân văn, thể hiện hình ảnh người dân thủ đô kiên cường và giàu lòng nhân ái.
Lan Hương vai Ngọc Hà.
Trong vai chính, nghệ sĩ Lan Hương - khi đó mới 11 tuổi - chiếm thiện cảm khi thể hiện sự can đảm, quyết tâm của nhân vật. Sau tác phẩm này, cô được nhiều người gọi bằng biệt danh "Em bé Hà Nội". Phim còn có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ gạo cội như Thế Anh, Trà Giang. Tác phẩm đoạt giải Bông Sen Vàng cho Phim xuất sắc ở Liên hoan phim Việt Nam 1975 và giải đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim Quốc tế Moscow 1975 (Nga).
Mối tình đầu (1977)
Tác phẩm là phim tâm lý tình cảm do Hải Ninh đạo diễn, Hoàng Tích Chỉ viết kịch bản. Nghệ sĩ Thế Anh thủ vai Ba Duy - chàng sinh viên Sài Gòn đem lòng cô gái Diễm Hương (Như Quỳnh). Mặc dù vậy, cô lại kết hôn với cố vấn người Mỹ. Trong cơn đau buồn, Ba Duy bỏ học và nghiện ngập trước khi được chị Hai Lan (Trà Giang) - một cán bộ tình báo cách mạng - khuyên răn.
Thế Anh và Như Quỳnh trong phim Mối tình đầu.
Giới điện ảnh xôn xao khi Hải Ninh - đạo diễn của dòng phim cách mạng - đề cập đến chủ đề tình yêu khá nhạy cảm sau ngày giải phóng. Tác phẩm được nhiều nhà phê bình yêu thích và gây sốt phòng vé khi ra mắt. Thế Anh đoạt giải Bông Sen Bạc cho Nam diễn viên chính xuất sắc ở Liên hoan phim Việt Nam 1980.
Chị Dậu (1980)
Đạo diễn Phạm Văn Khoa ấp ủ dự định chuyển thể tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố trong năm năm nhưng không tìm được diễn viên phù hợp. Chỉ đến khi gặp Lê Vân, ông mới hài lòng và trao vai chính chị Dậu cho bà. Câu chuyện theo chân một người phụ nữ nghèo ở nông thôn thời Pháp thuộc, phải vất vả kiếm tiền làm ma chay cho người trong gia đình. Nhân vật trải qua đủ gian truân, bị bọn nha dịch hạch sách và tên quan cụ sàm sỡ.
Cảnh trong phim Chị Dậu.
Tác phẩm được khen ngợi bởi xúc động và phản ánh chân thực đời sống làng quê trước năm 1945. Diễn xuất của Lê Vân và Anh Thái (vai chồng chị Dậu) được đánh giá cao. Ngoài ra, hai nhà văn Kim Lân và Nguyễn Tuân gây thú vị cho khán giả khi hóa thân các vai phụ. Phim được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Nantes (Pháp) năm 1981.
Thị xã trong tầm tay (1983)
Khác với nhiều phim cách mạng kể về kháng chiến chống Pháp hay Mỹ, Thị xã trong tầm tay lấy bối cảnh chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979. Một nhà báo tên Vũ lên Lạng Sơn làm phóng sự sau khi quân Trung Quốc rút về. Anh bắt đầu nhớ đến mối tình với cô bạn gái cũ cùng những ký ức về Lạng Sơn.
Tất Bình trong phim Thị xã trong tầm tay.
Phim có sự tham gia của Tất Bình (vai Vũ), Quế Hằng (vai Thanh) và Đặng Nhật Minh (vai một nhà báo Nhật). Tác phẩm giành giải Bông Sen Vàng và Kịch bản xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam 1983. Trong cuốn Hồi ký điện ảnh, đạo diễn Đặng Nhật Minh kể lại, khi ông ghi hình, thị xã Lạng Sơn vẫn còn ngổn ngang đổ nát, hệt như một trường quay khổng lồ không cần phải tốn công dàn dựng. "Người dân chưa được phép trở về nên chúng tôi hoàn toàn làm chủ hiện trường", ông nói.
Bao giờ cho đến tháng Mười (1984)
Câu chuyện xoay quanh Duyên - một người phụ nữ trẻ vừa hay tin chồng mất trên chiến trường. Cô cố giấu chuyện này với bố chồng bằng cách nhờ thầy giáo Khang thay chồng viết hộ những bức thư thăm hỏi gia đình. Tuy nhiên, bắt đầu có nhiều lời đồn về tư tình giữa Duyên và Khang. Theo đạo diễn kiêm biên kịch Đặng Nhật Minh, ông viết kịch bản từ chính nỗi đau của gia đình mình.
Tác phẩm phần nào thoát khỏi tính tuyên truyền mà mang tính phản biện xã hội, báo hiệu thời đổi mới của điện ảnh Việt. Phim không rao giảng đạo đức mà tập trung khắc họa tâm lý của người phụ nữ. Trong sách Hồi ký điện ảnh, Đặng Nhật Minh kể lại: "Phim trải qua 13 lần kiểm duyệt. Tôi cảm thấy mình như tội phạm bị xét xử. Cuối cùng, Tổng Bí thư Trường Chinh xem và cho chiếu rộng rãi".
Lê Vân ấn tượng trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười.
Tác phẩm có hai cảnh thể hiện rõ nhất chất nghệ thuật của đạo diễn. Đầu tiên là trích đoạn "chuyện trong chuyện" khi Duyên diễn hoạt cảnh người vợ xa chồng trong một vở chèo. Cảm xúc của nhân vật cô đang diễn chính là tâm trạng thật của Duyên. Trong khi đó, cảnh quay người vợ gặp vong hồn chồng ở chợ Âm Phủ gây xúc động cho nhiều khán giả.
Bao giờ cho đến tháng Mười đoạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 1985, giải đặc biệt tại Liên hoan phim Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương 1989 và trở thành một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại do kênh CNN bầu chọn năm 2008.
Biệt động Sài Gòn (1982 - 1986)
Loạt phim được Thiếu tướng Hải Phụng (nguyên Tư lệnh Biệt động Sài Gòn, lúc ấy là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP HCM) đặt hàng, chia làm bốn tập Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông và Trả lại tên cho em. Phim tái hiện những chiến công của đội biệt động trong kháng chiến chống Mỹ.
Tác phẩm gây ấn tượng với những cảnh chiến đấu nhiều khói lửa ngoài chiến trường lẫn các tình huống đấu trí căng thẳng. Bên cạnh đó, các chuyện tình trong phim - vốn do biên kịch hư cấu chứ không có ngoài đời - khiến câu chuyện gần gũi hơn.
Quang Thái và Thanh Loan trong phim Biệt động Sài Gòn.
Dàn diễn viên Quang Thái, Thương Tín, Hà Xuyên và Thanh Loan vụt sáng nhờ tác phẩm. Chủ nhiệm Vũ Văn Nha của phim cho biết tác phẩm có hơn 10 triệu lượt khán giả đến rạp. Sau hơn 30 năm, Biệt động Sài Gòn vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả. Trên một kênh Youtube đăng tải tác phẩm này từ năm 2016, mỗi tập phim có khoảng 400.000 lượt xem.
Cô gái trên sông (1987)
Phim xoay quanh Nguyệt (Minh Châu) - một cô gái bán hoa trên sông Hương che chở cho một người lính cách mạng. Sau chiến tranh, cô đi tìm anh nhưng bị hắt hủi. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đảm nhận phần nhạc phim bởi ông nặng lòng với xứ Huế - bối cảnh của tác phẩm.
Minh Châu trong phim Cô gái trên sông.
Bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh gây bàn tán khi có cảnh nóng của nghệ sĩ Minh Châu. Ngoài ra, tác phẩm bị một số người chỉ trích bởi tình tiết người cán bộ cách mạng bội bạc, còn người lính miền Nam lại chung thủy. Tuy nhiên, phần đông khán giả khen ngợi phim bởi tư tưởng mới mẻ. Ở Liên hoan phim Việt Nam 1987, Cô gái trên sông được giải Bông Sen Bạc, Nữ diễn viên xuất sắc (Minh Châu) và Quay phim xuất sắc. Theo Tạp chí Sông Hương, dư luận quốc tế đón nhận tác phẩm tích cực, đánh dấu sự đổi mới của dòng phim cách mạng Việt Nam.
Hà Nội mùa Đông năm 46 (1997)
Tác phẩm do Đặng Nhật Minh đạo diễn, Hoàng Nhuận Cầm biên kịch, chuyển thể từ tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng. Câu chuyện xoay quanh 60 ngày đêm trong dịp Toàn quốc kháng chiến cuối năm 1946. Ở Liên hoan phim Việt Nam 1999, tác phẩm giành giải Đạo diễn xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Họa sĩ xuất sắc, Nhạc sĩ xuất sắc và Bông Sen Bạc cho Phim xuất sắc.
Trong Hồi ký điện ảnh, Đặng Nhật Minh nói muốn làm phim này để xóa bỏ quan niệm của một bộ phận dư luận quốc tế cho rằng người Việt Nam rất hiếu chiến. Ông mô tả một giai đoạn mà người Việt muốn giành độc lập từ Pháp bằng con đường thương lượng. Đạo diễn chia sẻ phải đọc rất nhiều hồi ký, bức thư, tư liệu lịch sử để khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phim.
Cảnh trong phim Hà Nội mùa Đông năm 46.
Cũng theo Đặng Nhật Minh, sự kiện trong phim có ý nghĩa lớn với sự nghiệp của ông. "Nếu ngày đó, cha tôi - bác sĩ Đặng Văn Ngữ - không tình cờ đọc lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ để rồi từ bỏ tất cả công việc nghiên cứu khoa học ở Nhật, về nước tham gia kháng chiến thì cuộc đời tôi đã đi theo một hướng khác", nhà làm phim nói.
Đời cát (1999)
Đời cát là phim thứ tư và được nhớ đến nhất của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Ở Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương năm 2000 được tổ chức ở Hà Nội, tác phẩm thắng các giải Phim xuất sắc, Nữ diễn viên chính xuất sắc (Mai Hoa) và Nữ diễn viên phụ xuất sắc (Hồng Ánh). Câu chuyện xoay quanh Cảnh (Đơn Dương), người lính bỏ lại người vợ Thoa (Mai Hoa) để đi chiến đấu xa nhà. Anh phải lòng một cô gái trẻ tên Tâm (Hồng Ánh) và có con với cô. Mai Hoa có lối diễn máu lửa, nhập tâm, còn Hồng Ánh gây ngạc nhiên khi thể hiện thành công vai nặng ký, dù lúc đó mới vào nghề.
Cảnh phim Đời cát.
Kịch bản Đời cát trải qua nhiều gian truân trước khi được dựng thành phim. Khoảng năm 1995, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cùng biên kịch Nguyễn Quang Lập bắt đầu chuyển thể truyện ngắn Ba người trên sân ga của Hữu Phương. Sau bốn năm, họ hoàn thành và nộp lên Hãng Phim truyện Việt Nam thì bị từ chối vì khắc họa vết thương chiến tranh quá bi thảm. Tuy nhiên, giám đốc mới - Nguyễn Thị Hồng Ngát - nhìn thấy tiềm năng và ủng hộ sản xuất phim.
Thung lũng hoang vắng (2001)
Thung lũng hoang vắng do Nhuệ Giang đạo diễn, giành Bông Sen Bạc trong Liên hoan phim Việt Nam 2001, sau đó được cử đi dự Liên hoan phim Berlin 2002. Tác phẩm cũng đoạt giải Fipresci (giải dành cho gương mặt đạo diễn mới của châu Á) trong Liên hoan phim quốc tế Melbourne (Australia) năm 2002.
Phim lấy bối cảnh một ngôi trường vùng cao, nơi chỉ có ba giáo viên làm việc gồm thầy hiệu trưởng Tành (Nguyễn Hậu), cô Giao (Hồng Ánh) và cô Minh (Tuyết Hạnh).
Hồng Ánh và Nguyễn Hậu trong phim Thung lũng hoang vắng.
Nhiều khán giả xúc động với cuộc sống gian khổ cũng như tấm lòng của những người tận tụy đem con chữ lên miền sơn cước cho trẻ em nghèo. Ngoài ra, phim còn khắc họa tinh tế sự khao khát tình yêu của những con người ở nơi vắng vẻ. Cảnh nóng của cô Giao cùng bạn trai dưới suối gây bàn tán bởi độ bạo liệt so với các tác phẩm điện ảnh Việt Nam đương thời.
Ân Nguyễn/Theo VnExpress