Non từ kịch bản đến diễn xuất, tiếc cho phim 'Trường học bá vương'

Đăng lúc: 8:12 am, Ngày 04/08/2018

Bộ phim sở hữu êkíp trẻ từ đạo diễn đến diễn viên, dù nỗ lực chọn chủ đề mới lạ nhưng vẫn chưa thể làm tốt như mong đợi.

Trường học bá vương do Duy Joseph đạo diễn, là tác phẩm mở đầu cho một tháng 8 khắc nghiệt của điện ảnh Việt trong năm 2018. Tháng 8 có đến 5 phim Việt cạnh tranh nhau trên màn ảnh rộng. 
 
Trước đó, khán giả kỳ vọng vào phim này vì khai thác đề tài học đường nhưng pha lẫn yếu tố ly kỳ, hành động hài hước, mới lạ. Tuy nhiên, khi phim ra rạp, khán giả không thấy được điều này bởi sự non kém từ kịch bản đến diễn xuất của các diễn viên.
 
Trường học bá vương có nội dung tập trung vào Diệp - một sát thủ trẻ tuổi bị truy sát ở Hàn Quốc sau khi giết ông trùm tổ chức của mình. Diệp bị thương và nhờ người bạn bác sĩ thiên tài giúp hoán đổi thân xác với một du khách trẻ tử nạn mới đây. Từ đây, Diệp có thân phận là Tình - một học sinh tự kỷ, gia đình giàu sang, học trong ngôi trường kỳ quặc ở Việt Nam.
 
Phim mở đầu như thế nhưng lại có sự phát triển tâm lý nhân vật thiếu logic, nhiều tình tiết phi lý, chẳng thuyết phục được người xem. Mạch phim lộn xộn, tâm lý nhân vật thiếu rõ nét, không tạo được sự nổi bật dù là tuyến chính.
Cảnh trong phim Trường học bá vương.
 
Độ non kém trong kịch bản lộ rõ khi xây dựng một ngôi trường chỉ có một lớp học lại tập hợp những học sinh cá biệt mà chẳng để làm gì. Họ chỉ trỏ nhau, nói vài ba câu vô nghĩa, với cách dựng phim không khác thể loại sitcom (hài tình huống) trên truyền hình. Một số phân đoạn cố tình làm lố để gây hài hước theo lối Châu Tinh Trì nhưng thất bại vì cũ kỹ, thiếu duyên, chẳng tạo được tiếng cười.
 
Những hạt sạn to và rõ trong kịch bản khiến khán giả thấy khó chịu nhưng vẫn tồn tại trên phim. Nhiều câu thoại rao giảng triết lý nhưng thiếu chiều sâu, trơn tuột, không phù hợp với tính cách và tình huống nhân vật. 
 
Ngoài phần kịch bản, phim còn điểm non nớt ở diễn xuất. Dàn diễn viên lần đầu đến với điện ảnh nên khó tránh khỏi đài từ không tốt, thiếu cảm xúc, không lột tả được tính cách nhân vật.
 
Ngay cả nam diễn viên chính Wean Lê cũng khiến khán giả thấy dễ thương chứ chưa thể lột tả được hình ảnh sát thủ Diệp bên trong thân xác của học sinh tự kỷ Tình. Vai diễn người mẹ của nhân vật Tình càng tăng sự bức xúc vì diễn xuất đơ cứng, chẳng tạo được chút cảm xúc nào dù phân cảnh khóc lóc cảm động. Nhân vật nữ chính tính cách thiếu nổi bật nên bị lép vế nhiều so với nam. Dàn khách mời có tay nghề Nhan Phúc Vinh, Ngọc Thanh Tâm, Thân Thúy Hà đất diễn ít, không đủ sức cứu phim ở mặt diễn xuất.
 
Trường học bá vương chỉ có lợi thế về hình ảnh đẹp và âm nhạc phù hợp với giới trẻ. Điều này khá đáng tiếc cho một đề tài lạ cùng nỗ lực cho êkíp sản xuất.
 
Minh Khuê/Theo Người Lao Động

Đọc thêm các bài khác