Người mẫu lêu nghêu trong phim 'Mẹ chồng'

Đăng lúc: 8:19 am, Ngày 01/12/2017

Phim "Mẹ chồng" (công chiếu từ hôm nay 1/12) tiếp tục khẳng định người mẫu nên ở trên sàn diễn hơn là trên màn ảnh.

Những người mẫu Thanh Hằng, Ngọc Quyên, Lan Khuê xuất hiện trong phim điện ảnh Mẹ chồng không phải có diễn xuất quá tệ; dẫu không thật tròn vai nhưng chí ít họ cũng đã diễn xuất tạm được vai diễn của mình. Nhưng có nhiều lý do mà những người mẫu trong phim này vẫn chưa thật sự thuyết phục người xem. 
Những cảnh trang phục dụng công trải dài suốt bộ phim làm khán giả như đang thưởng thức show thời trang trên màn ảnh.
 
Mẹ chồng kế câu chuyện của mẹ chồng trong một gia tộc mà ở đó, việc có con nối dõi là điều gọi là báo hiếu. Các đời nàng dâu quan trọng nhất là phải sinh được quý tử, thứ đến mới là nề nếp gia phong. Nàng dâu nào có con trai nối dõi tông đường hiển nhiên trở thành người nắm tay hòm chìa khoá quyền lực trong gia đình.
 
Hình ảnh mẹ chồng Ba Trân (Thanh Hằng) trong phim bất chấp thủ đoạn để có con trai nối dõi, quy tập quyền lực… hòng nắm chìa khoá gia tộc. Những gì được dàn dựng cho nhân vật Ba Trân trong Mẹ chồng làm người xem nghĩ đến nhân vật mợ hai Vương Hi Phượng trong bộ truyện đã được dựng thành phim Hồng lâu mộng. Tuy nhiên, nếu so sánh tầm vóc của hai nhân vật này thì Ba Trân thua xa mợ hai Vương Hi Phượng mọi bề, chỉ hơn ở phần làm lố phục trang và diễn xuất như “chị ba giang hồ” chứ chưa ra quyền uy dâu - mợ khuynh đảo gia tộc.
 
Toàn bộ phim Mẹ chồng đập vào mắt khán giả là những bộ trang phục được thiết kế riêng từ mợ Ba Trân lẫn các con dâu. Việc dụng công vào trang phục làm lu mờ tất cả những chi tiết khác trong phim. Điều này tước hết cảm xúc của khán giả khi thưởng thức phim điện ảnh mà bị ép phải xem những màn diễn thời trang với người mẫu lêu nghêu trong màn ảnh. Trong những màn trình diễn đó, Thành Hằng là người mẫu vedette bên cạnh các người mẫu khác. 
Những mưu mô của các con dâu trong Mẹ chồng khai thác chưa thật hiểm hóc.
 
Một điểm đáng lý sẽ là điểm cộng cho phim chính là khai thác những nét văn hoá Nam bộ từ đờn ca tài tử, lễ cưới, hội mùa gặt… được sắp đặt bằng những chi tiết: xe cổ Citroen Traction Avant từ thập niên 30, xác pháo hồng lẫn bông bưởi trắng, chữ hỷ thêu trên drap trải giường… Thế nhưng, những sắp đặt đó đúng nghĩa chỉ dừng ở sắp đặt cho từng cảnh phim, nó nằm rời rạc bên ngoài nội dung câu chuyện, không quyện được vào nhân vật, chuyện phim.
 
Một điểm cộng khác mà các phim Việt chưa khai thác nhiều là phần chuyển mỗi hồi phim được khéo léo đưa bằng những bức tranh tứ bình và cảnh toàn bộ đại điền. Dẫu vậy, những bức tứ bình, những cảnh rộng vùng đại điền vẫn cứ nằm chơi vơi không nơi nương tựa trong phim.
 
Một điểm cộng nữa là có những khoảnh khắc âm nhạc dân tộc Nam bộ với tiếng đàn cò réo rắc gần lấy được cảm xúc người xem; nhưng cũng có phần âm nhạc trong phim với ca khúc lời khá hiện đại đưa vào làm khán giả hụt hẫng.
 
Mẹ chồng là bộ phim kỳ công nhưng sự kỳ công đó lại không được đan quyện tốt với câu chuyện phim; một sự kỳ công chưa được đẩy tới nơi tới chốn. Vì thế, Mẹ chồng trở nên một bộ phim gì cũng có, nhìn sơ cũng được nhưng nhìn kỹ thì lở dở bủa vây. 
 
Quỳnh Trang/Theo PLO

Đọc thêm các bài khác