Tại sao phim bom tấn Việt luôn thất bại?

Đăng lúc: 1:45 pm, Ngày 02/01/2018

Có thể kể đến "Dòng máu anh hùng", "Lửa Phật", "Truy sát", "Siêu trộm", "Thiên mệnh anh hùng" và mới đây nhất là "Lôi Báo" của Victor Vũ.

Dòng máu anh hùng - bộ phim hành động dã sử của anh em nhà Charlie Nguyễn - có kinh phí khoảng 1,5 triệu USD ra mắt ở thời điểm năm 2007. Đó có thể coi là phim bom tấn Việt đầu tiên, khi kinh phí làm đa số phim giải trí ở Việt Nam mới dừng ở mức trên dưới 5 tỷ đồng.
 
Cho dù là một bộ phim hành động xuất sắc, kích thích adrenaline người xem, Dòng máu anh hùng vẫn thất bại tại phòng vé khi chỉ thu về khoảng 10 tỷ đồng, tương đương 1/3 kinh phí sản xuất.
 
Cú ngã này khiến anh em nhà Charlie Nguyễn phải thay đổi hẳn con đường điện ảnh và những dự định táo bạo mà họ muốn thực hiện tại Việt Nam.
Dòng máu anh hùng có thể được xem là bom tấn Việt đầu tiên. 
 
Chưa bom tấn Việt nào thành công tại phòng vé
 
Có nhiều lý do để lý giải về thất bại của Dòng máu anh hùng tại phòng vé. Thứ nhất, thị trường rạp chiếu bóng Việt Nam khi đó còn chưa phát triển và số lượng rạp mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
 
Giá vé xem phim thấp (khoảng 25.000-50.000 đồng tùy cụm rạp) và sau thời gian dài khủng hoảng, khán giả Việt vẫn chưa có thói quen đến rạp.
 
Một vài bộ phim ăn khách nhất, được xem là hiện tượng của thị trường chiếu bóng ở thời điểm đó (2003-2006) như Gái nhảy, Những cô gái chân dài, Khi đàn ông có bầu mới chỉ dừng lại ở mức 4-6 tỷ đồng.
 
Chưa kể là khán giả Việt vẫn thích những bộ phim giải trí như lãng mạn hay hài nhảm có công thức đơn giản hơn những bộ phim hành động, dã sử.
 
Đó là những lý do khiến Dòng máu anh hùng dù mang lại một làn gió mới cho điện ảnh giải trí và tạo được sự lan truyền tích cực trong giới truyền thông, vẫn thu không bù nổi chi.
 
Cho dù được hãng The Weinstein Company mua bản quyền phát hành DVD ở một số thị trường quốc tế, lợi nhuận của Dòng máu anh hùng vẫn là một con số âm.
 
Ở thời điểm đó, câu chuyện nhà sản xuất của Dòng máu anh hùng phải bán nhà để làm phim đã râm ran trong giới điện ảnh và bị cho là một trong những nguyên nhân khiến diễn viên gạo cội Chánh Tín bị mất sạch tài sản.
 
Tham vọng làm tiếp phần 2 của Dòng máu anh hùng bị dập tắt và anh em Charlie Nguyễn chuyển hướng sang dòng phim lãng mạn - hài với tác phẩm Để Mai tính. Thành công của bộ phim này và việc phát hiện ra con “át chủ bài” Thái Hòa khiến Charlie Nguyễn trở thành đạo diễn “triệu USD”.
Sau thất bại của Dòng máu anh hùng, Charlie Nguyễn chuyển hướng sang dòng phim hài - lãng mạn và đạt thành công với Để Mai tính
 
Và Thái Hòa từ một diễn viên sân khấu kịch trở thành “ông vua phòng vé” qua một loạt phim hài nhảm thành công vang dội về doanh thu như Long ruồi, Tèo em, Để Hội tính, Cưới ngay kẻo lỡ.
 
Nói một cách công bằng, trong khoảng 10 năm qua, có 2 lần anh em nhà Charlie Nguyễn quay trở lại con đường “chính đạo” với 2 bộ phim được đầu tư kinh phí lớn là Bụi đời Chợ LớnFan cuồng. Tiếc thay, 2 tác phẩm mang dáng dấp bom tấn này đều ngã ngựa theo 2 cách khác nhau.
 
Bụi đời Chợ Lớn không qua nổi cửa kiểm duyệt do bị cho là hình ảnh quá bạo lực còn Fan cuồng là một cú thất bại “tự thân” do nội dung quá mờ nhạt. Bộ phim có kinh phí 26 tỷ đồng này nghe nói còn không thu được 20 tỷ đồng tiền vé, trong khi phải đạt mức doanh thu 52 tỷ đồng mới hòa vốn.
 
Bom tấn Việt còn nhiều điểm yếu
 
Quá tam 3 bận, có vẻ như Charlie Nguyễn đã hết tham vọng làm “bom tấn” kinh phí lớn, thay vào đó là những bộ phim lãng mạn hài kinh phí vừa phải. Em chưa 18 do anh sản xuất với mức đầu tư chỉ 12 tỷ đồng đã thu về số tiền khổng lồ hơn 170 tỷ đồng, gấp khoảng 13 lần kinh phí bỏ ra (tất nhiên phải chi một nửa cho chủ rạp).
 
Hai tác phẩm mới nhất của hãng Chánh Phương trong năm 2018 là Em trên 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn) và Chàng vợ của em (Charlie Nguyễn) có vẻ như tiếp tục công thức “phim gái” an toàn này.
 
Tất nhiên Charlie Nguyễn không phải là trường hợp thất bại duy nhất khi làm phim bom tấn. Trong một thập niên qua, “những tham vọng lớn lao” của rất nhiều đạo diễn, nhà sản xuất Việt khi đụng vào “bom tấn” đều thất bại thê thảm.
 
Có thể kể đến Lửa Phật của Dustin Nguyễn, Truy sát của Cường Ngô, Siêu trộm của Hàm Trần, Vệ sĩ Sài Gòn của Ken Ochiai, Thiên mệnh anh hùng và mới đây nhất là Lôi Báo của Victor Vũ.
Lửa Phật của Dustin Nguyễn và các phim bom tấn Việt khác vẫn còn nhiều điểm yếu. 
 
Tại sao “bom tấn Việt” luôn thất bát và chưa có một bộ phim nào thành công tại phòng vé? Đó là do, thói quen và thị hiếu của khán giả Việt Nam vẫn thiên những thể loại giải trí đơn giản và chưa quen với những thể loại có màu sắc giả tưởng, hành động hay thần thoại “kiểu Việt”.
 
Hay nói cách khác, nếu chọn những thể loại này, chắc chắn khán giả sẽ chọn bom tấn của Hollywood có kinh phí lên tới 150-200 triệu USD thay vì một tác phẩm Việt có đầu tư mới chỉ dừng lại ở mức trên 1 triệu USD.
 
Kỹ xảo còn vụng về, kịch bản bắt chước, minh họa sơ sài hoặc quá xa lạ và nhân vật “người hùng” thiếu tính cách hoặc nửa vời, thông điệp giáo điều và giả tạo là những điểm yếu luôn lộ rõ trong hầu hết các phim bom tấn kiểu Việt.
 
Điều này được thể hiện ngay cả trong các bom tấn của những đạo diễn Việt kiều vốn được xem là có tay nghề cao (ở thị trường Việt Nam) như Dustin Nguyễn (Lửa Phật), Hàm Trần (Siêu trộm) và mới đây nhất là Lôi Báo của Victor Vũ.
 
Lê Hồng Lâm/Theo Zing

Đọc thêm các bài khác