Có địa vị danh giá, được coi là "siêu quyền lực" như Harvey Weintein, "bảo vật quốc gia" như thi hào Ko Un, hay giảng viên như diễn viên Jo Min Ki đều lâm vào ngõ cụt khi bị tố.
Từ Đông sang Tây, phong trào tố cáo, lên tiếng về lạm dụng tình dục #MeToo đang thể hiện sức ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ trên truyền thông. Thực tế, dù bị đưa ra tòa và kết án hay chưa, những người bị tố cáo (phần đông thừa nhận) đều đã phải chịu hậu quả nặng nề của những hành vi trong quá khứ.
Có người thậm chí phải trả giá bằng mạng sống, như nam diễn viên Jo Min Ki của Hàn Quốc tự tử vì hổ thẹn sau khi bị hơn 20 người tố cáo.
Ông trùm Harvey Weinstein: bị đuổi khỏi Viện Hàn lâm, đi cai nghiện sex, sống chui lủi
Các nạn nhân hầu như không đưa ra bằng chứng khi tố cáo và cũng chưa kiện ông ra tòa, Harvey Weinstein - nhà sản xuất một thời siêu quyền lực ở Hollywood - cũng đã và đang gánh chịu hậu quả nặng nề cho lối sống của mình.
Sai lầm mà số đông công chúng ở Việt Nam mắc phải khi nhận định về các bê bối quấy rối tình dục gần đây là đòi hỏi phải có bằng chứng thuyết phục hay sự can thiệp của pháp luật. Bởi, tại Hollywood, nơi khởi nguồn của phong trào #MeToo, những con "yêu râu xanh" bị tố vẫn đang trả giá, "đền tội" hàng ngày dù thiếu thốn bằng chứng.
Điều mấu chốt khiến những kẻ bị tố cáo nhanh chóng bị ngành công nghiệp điện ảnh và dư luận định tội là tính chính danh, đích danh của những lời tố cáo.
Harvey Weinstein bị vợ bỏ và giành quyền nuôi con sau bê bối, đó là mất mát lớn nhất của ông trùm. Ảnh: Radar.
Trường hợp Harvey Weinstein là minh chứng rõ ràng nhất. Là người đầu tiên bị vạch trần hồi tháng 10/2017, bởi 7 nữ diễn viên công khai danh tính, Weinstein cũng là một trong những kẻ phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất cùng sự phẫn nộ của dư luận.
Từ những phụ nữ đầu tiên lên tiếng tố cáo Weinstein như Rose McGowan và Ashley Judd, trong vòng một tháng sau bài báo đầu tiên, đã có khoảng 30 người tố cáo khác như: Angelina Jolie, Gwyneth Paltrow, Cara Delevingne, Emma de Caunes, Judith Godrèche, Heather Graham, Kate Beckinsale, Léa Seydoux, Lupita Nyong'o, Rosanna Arquette...
Sự đông đảo và uy tín này đã thuyết phục thành công dư luận, khiến Weinstein không thể chối bỏ (trước đó ông trùm định kiện báo New York Times đòi 50 triệu USD). Sau vụ bê bối này, số phận của ông trùm đi về đâu?
Đầu tháng 3, nửa năm sau vụ bê bối, New York Times cập nhật tình hình của Weinstein cho hay: hiện tại, ông trùm Hollywood một thời đang đi điều trị nghiện tình dục tại trung tâm Gentle Path (thuộc Wickenburg, bang Arizona) và kiểm soát cơn nóng giận tại nhiều trung tâm khắp nước Mỹ. Còn thường ngày, ông dành thời gian sám hối và thanh lọc tại nhà thờ cũng ở Arizona.
Hàng ngày, Weinstein dậy sớm để uống bài thuốc cai nghiện sex pha chế từ cải xoăn và dưa chuột. Ông tập thiền, ăn sáng bằng đồ ăn hữu cơ rồi tham gia "cuộc họp cộng đồng" giữa bệnh nhân nghiện sex và các chuyên gia.
Chương trình trị liệu chính bao gồm các hoạt động điều trị như trị liệu nhóm, thuyết giảng giáo dục, trị liệu riêng với bác sĩ tâm lý, tâm thần và các hoạt động phụ trợ như tập yoga, thái cực quyền, vẽ...
Ngay vào tháng 10/2017, khi hành vi của Harvey Weinstein chưa bị tòa tuyên án, Viện Hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Mỹ đã nhanh chóng trục xuất ông khỏi đội ngũ. Động thái cương quyết này được đưa ra không chỉ vì những lời tố cáo. Từ hàng thập kỷ nay, việc quấy rối và lạm dụng tình dục các sao nữ của Weinstein đã được coi như "bí mật mở" của Hollywood, những lời tố chỉ là giọt nước làm tràn ly.
Về sự nghiệp, Weinstein được cho là "không còn đường quay lại Hollywood" khi bị sa thải khỏi hãng The Weinstein Company, đồng thời hãng này cũng tuyên bố phá sản. Thêm vào đó, giới sao Hollywood, đặc biệt là nữ, cũng căm ghét ông đến mức "chỉ muốn ông xộ khám" (lời nữ diễn viên Jennifer Lawrence). Hàng nghìn người chờ ngày ông ra tòa để đền tội, như danh hài Bill Cosby mới đây.
Jo Min Ki: Tự tử vẫn không thể rửa sạch tiếng nhơ
Trường hợp Jo Min Ki khiến dư luận Hàn Quốc chia rẽ nhiều nhất khi nam diễn viên kết liễu đời mình vào tháng 3. Trước đó, tài tử bị tố lạm dụng hơn 20 sinh viên nữ theo diễn xuất tại Đại học Cheongju, nơi Jo Min Ki làm giảng viên.
Vụ tố chấn động dư luận khiến tài tử 52 tuổi mất tất cả: sự nghiệp phim ảnh 30 năm, sự nghiệp giảng dạy (bị đình chỉ dạy và và thu hồi học vị giáo sư), bị đuổi khỏi các dự án phim đang thực hiện, bị công ty quản lý hủy hợp đồng, bị cấm xuất cảnh trong vòng một tháng để điều tra.
Nhưng trong thời gian đó, vì không chịu nổi sức ép từ dư luận và sự hổ thẹn của chính bản thân, Jo Min Ki đã tự chọn kết cục bi thảm cho mình: treo cổ tại một nhà kho vào hôm 9/3, và vợ là người đầu tiên phải chứng kiến cảnh tượng.
Dù biết "nghĩa tử là nghĩa tận", dư luận Hàn Quốc vẫn khó tha thứ cho Jo Min Ki. Ảnh: Ytn.
"Mọi thứ đều là sai lầm, tội ác của tôi", Jo Min Ki viết trong thư tuyệt mệnh, "Tôi trở thành một thằng hèn chỉ biết trốn tránh và phủ nhận vấn đề. Tôi rất hổ thẹn và áy náy".
Điều đáng nói là những lời tố cáo với Jo Min Ki cũng không đi kèm bằng chứng mà chỉ có "tòa án lương tâm" là nơi kết án mạnh mẽ nhất, khiến nam diễn viên không còn cách chối cãi.
Nhưng dù tự tử, nam diễn viên Phía Đông vườn địa đàng vẫn không thoát khỏi búa rìu dư luận. Công chúng Hàn Quốc chĩa mũi dùi vào bất cứ nghệ sĩ nào đến thăm ông, cho là đứng về phía "yêu râu xanh". Nam diễn viên cũng bị chỉ trích vì "hèn nhát" chọn cái chết mà không chịu trách nhiệm, để lại vợ con đau đớn và mất hết danh dự.
Nghiệt ngã, nhưng trường hợp của Jo Min Ki để lại bài học thấm thía cho những người khác: nếu biết trước hậu quả ngày mai sẽ là như thế thì hôm nay đừng làm chuyện xấu.
Trong làng giải trí Hàn, chuyện quấy rối tình dục được cho là "dễ xảy ra hơn cả ở Hollywood" vì sự phân biệt thứ bậc nặng nề. Những nghệ sĩ ít tuổi, có địa vị thấp hơn, quyền lực ít hơn... chịu rất nhiều thiệt thòi và phải cung phụng, làm hài lòng những nghệ sĩ quyền lực hơn, những người có thể mang lại cơ hội danh tiếng cho họ.
Đó là trong giới showbiz, còn trong giới văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc, một bê bối tương tự cũng đủ biến một nhà thơ được tôn kính thành con quỷ trong mắt dư luận.
Ko Un, đại thi hào là niềm tự hào quốc gia của Hàn Quốc, là ứng viên số một cho giải Nobel Văn chương của nước này, cũng phải sống ngày càng ẩn dật (vốn trước đây ông đã ở ẩn) vì bị tố cáo quấy rối tình dục thông qua một bài thơ, The Beast (Ác quỷ) do một trong những nạn nhân sáng tác.
Đại thi hào Ko Un bị xóa mờ một phần sự nghiệp thơ ca vĩ đại vì lời tố quấy rối. Ảnh: Korea Times.
Đây được coi là bài thơ biểu tượng cho phong trào #MeToo ở Hàn Quốc. Ko Un thường không màng dư luận và cũng không thường xuất hiện trước công chúng nên những lời bình luận phẫn nộ khó chạm đến ông. Nhưng hình phạt lớn nhất của Ko Un là sự nghiệp thi ca vốn được coi là tượng đài ở Hàn Quốc sẽ bị hạn chế lưu truyền cho thế hệ sau.
Cụ thể, các bài thơ của ông bị rút khỏi sách giáo khoa phổ thông ở Hàn Quốc. Gian trưng bày riêng về Ko Un tại Thư viện Quốc gia Seoul bị dọn đi, chỉ còn lại những mảng tường trắng.
Và đáng chú ý nữa là gì? Những hình phạt này được đưa ra mà không cần người bị tố phải thừa nhận hành vi. Hơn ai hết, họ biết mình có tội hay không.
"Hiệu ứng Weinstein" chống lại đàn ông quyền lực quấy rối tình dục
Một trong những yếu tố quan trọng khiến các vụ quấy rối tình dục diễn ra là quyền lực của những kẻ phạm tội. Đó đều là những người đàn ông giàu có, địa vị, thế lực, có khả năng áp chế người khác, như Harvey Weinstein.
Và phong trào #MeToo đã giúp tạo ra cái gọi là "hiệu ứng Weinstein": tố cáo tội ác tình dục của những người đàn ông giàu và quyền lực. Tiếp sau Weinstein, hàng loạt những người đàn ông như vậy bị đưa ra ánh sáng: Kevin Spacey, Louis C.K., Brett Ratner. Charlie Rose, Mark Halperin, Matt Lauer, R. Kelly, Bill Cosby...
Từ phương Đông sang phương Tây, Âu Mỹ lan sang châu Á, "hiệu ứng Weinstein" đang càn quét, tàn phá sự nghiệp của những nhân vật sừng sỏ nhưng cũng là động lực cho hàng loạt nạn nhân có thêm dũng khí để đứng ra tố cáo.
Hạ Huyền/Theo Zing