Trào lưu MV drama nặng câu chuyện, nhạt phần nhạc

Đăng lúc: 7:35 am, Ngày 05/12/2018

Video ca nhạc sản xuất theo phong cách drama đang chiếm lĩnh V-pop. Giới ca sĩ cho biết đó là xu hướng mà ai cũng phải chạy theo vì vừa đáp ứng nhu cầu của công chúng vừa chứng tỏ mình có tiềm lực.

Việc MV drama trở thành trào lưu bởi những năm gần đây, YouTube đã có một bước đi dài trong việc đánh dấu tầm quan trọng đối với thói quen giải trí của người Việt. Những nhóm làm phim độc lập, kinh phí thấp xuất hiện ngày càng nhiều, có thể kiếm được lợi nhuận dễ dàng từ người xem. 
 
Những bộ phim này thường có nội dung ngắn gọn, vì lý do kinh phí và cả những lý do liên quan đến khả năng sản xuất. Việc theo dõi những bộ phim ngắn đã thành thói quen của lớp khán giả trẻ nên họ sẽ không thể từ chối một MV ca nhạc được làm dưới hình thức phim ngắn nhưng chất lượng âm thanh và hình ảnh đều vượt trội những sản phẩm phim ngắn nhiều kỳ.
 
Lên ngôi nhờ YouTube
 
MV Những kẻ mộng mơ của Noo Phước Thịnh có lượng view (người xem/nghe) trên YouTube khá cao, vươn lên vị trí đầu trên tốp trending (được xem nhiều nhất) của kênh YouTube. Trong đó, câu chuyện kịch tính được cho là "đánh lừa người xem từ đầu đến cuối" đã chinh phục khán giả.
 
MV Giả vờ say của Đông Nhi mới ra mắt gần đây cũng lọt vào tốp trending của YouTube Việt Nam và một số nước khác như Nhật Bản, Canada, Úc... Ngoài phần âm nhạc thuộc thể loại chillout pha trộn RnB và reggae (một thể loại âm nhạc có nguồn gốc ở Jamaica vào cuối những năm 1960) cuốn hút, khán giả đặc biệt chú ý đến hình ảnh từ câu chuyện được tạo dựng trong MV. 
Hình ảnh trong MV Giả vờ say của Đông Nghi.
 
Trước đó, khán giả vẫn nhớ đến những câu chuyện trong MV của Hương Tràm trong Duyên mình lỡ, Gửi anh và cô ấy, Em gái mưa; Erik với Chạm đáy nỗi đau; Nguyễn Trần Trung Quân với Màu nước mắt..
 
Những MV này đều có thời lượng dài, kể câu chuyện hoàn chỉnh với diễn biến giống như bộ phim truyền hình rút gọn với đủ các đề tài từ gia đình, xã hội đến tình yêu.
 
Chơi dao 2 lưỡi
 
Không chỉ thu hút sự chú ý cho một ca khúc ở trong thời điểm phát hành, những MV được sản xuất theo dạng drama còn có tác dụng kéo dài sự mong đợi của khán giả cho sản phẩm tiếp theo. Sau cái kết lấp lửng và gây ức chế cho khán giả ở Rời bỏ, Hòa Minzy khiến khán giả mong chờ để chờ xem câu chuyện sẽ được viết tiếp thế nào. Sự thật thì ca khúc Chấp nhận trong MV cùng tên phần tiếp theo của MV Rời bỏ có giai điệu khá cũ và không để lại ấn tượng nhiều bằng Rời bỏ. Ca khúc này rất có thể sẽ trở thành "bom xịt" nếu được phát hành đơn lẻ nhưng nhờ vào hiệu ứng của câu chuyện trong MV Rời bỏ mà sau 1 tháng, MV Chấp nhận đã đạt đến con số hơn 12 triệu lượt xem.
 
MV Anh đang ở đâu đấy anh của Hương Giang cũng lặp lại thành quả của MV Rời bỏ khi MV này vừa ra mắt được ít ngày, khán giả đã... đòi phần sau. Thậm chí còn có dự báo hiệu ứng từ MV Anh đang ở đâu đấy anh sẽ lớn hơn, bởi câu chuyện tình tay ba có "yếu tố bạn thân" luôn thu hút sự quan tâm của khán giả, nhất là phái nữ.
 
Tạo được tình tiết ức chế, gây tranh cãi, đánh vào tâm lý và cảm xúc của khán giả Việt là những gì MV drama có khả năng làm được. Ở thời YouTube là phương tiện nghe nhìn tiện dụng, MV không chỉ đáp ứng nhu cầu nghe mà còn thỏa mãn đòi hỏi xem của khán giả. Xem - nghe trở thành điều kiện cần và đủ để sản xuất một sản phẩm MV có thể gây chú ý với công chúng yêu nhạc hiện nay.
Hình ảnh trong MV Anh đang ở đâu đấy anh của Hương Giang.
 
Thế nhưng, điều đó không có nghĩa người tạo ra nó luôn thắng. Việc sản xuất một MV drama đẹp về cả hình thức lẫn nội dung thường không rẻ. Sau "cơn say" với lượt view ngất ngưởng, nhiều ca sĩ đã tá hỏa khi nhận ra kinh phí đầu tư vượt gấp nhiều lần so với dự kiến ban đầu. Nhiều ca sĩ cho biết 1 tỉ đồng cho một MV loại này là phải gói ghém lắm mới đủ. Ngay chính những ngôi sao như Đông Nhi, Noo Phước Thịnh... dù mỗi MV đều có sự hỗ trợ lớn từ một số nhãn hàng nhưng vẫn không chịu nổi. Tất nhiên, doanh thu từ YouTube chưa bao giờ đủ bù lỗ cho một sản phẩm MV.
 
Điều đáng nói là khi những MV drama này được chú trọng phần chuyện để tạo sức hút thì phần âm nhạc trở nên lu mờ. Khán giả gần như không còn thời gian hay kiên nhẫn nghe đi nghe lại để thẩm định xem bài hát trong MV có là ca khúc hay hay không. Chưa kể, sản phẩm mới thay nhau ra mắt đến mức khán giả chỉ xem thôi cũng không đủ thời gian.
 
MV có nhiệm vụ tôn vinh và quảng bá bài hát nhưng một khi phần nhìn đã quá lấn át, đòi hỏi bài hát phải "nặng đô" mới đủ sức dung hòa. Nếu không đủ sức cuốn hút, bài hát trong MV trở nên một bản nhạc nền cho hình ảnh không hơn không kém. Khi MV nhàm chán, âm nhạc cũng chẳng còn gì ở lại với công chúng. 
 
Thùy Trang/Theo NLĐO

Đọc thêm các bài khác