Được kỳ vọng trở thành nét văn hóa đặc sắc, độc đáo trên màn ảnh rộng dịp Tết Nguyên đán 2019 nhưng bộ phim "Trạng Quỳnh" của đạo diễn Đức Thịnh đã không làm được.
Sau thành công của đạo diễn Đức Thịnh ở phim Tết 2018 Siêu sao siêu ngố, khán giả đặt nhiều trông chờ vào Trạng Quỳnh của anh vào Tết năm nay, nhất là khi phim khai thác chất liệu văn hóa dân gian - chất liệu điện ảnh Việt còn bỏ ngỏ trong nhiều năm qua.
Hình tượng Trạng Quỳnh dí dỏm, hài hước, thông minh được đánh giá phù hợp với không khí vui tươi những ngày đầu năm mới. Đức Thịnh từng thắng lớn ở phòng vé Tết Nguyên đán 2018 nên càng có lý do để khán giả tin vào kinh nghiệm của anh trong lần xuất quân này. Nhưng thất vọng cũng bắt đầu từ kỳ vọng.
Trạng Quỳnh kể về câu chuyện của Quỳnh, Xẩm, Điềm, Trịnh Bá lần lượt do Trần Quốc Anh, Trấn Thành, Nhã Phương và Công Dương thủ vai. Xẩm và Quỳnh là đôi bạn thân. Quỳnh và Trịnh Bá từng theo học thầy Đoàn (Tùng Yuki đóng) cũng là cha của Điềm. Quỳnh thầm thương trộm nhớ Điềm và Trịnh Bá cũng thế. Tuy nhiên, Quỳnh và Trịnh Bá lại đại diện cho 2 thế lực đối lập nhau trong xã hội cũ với tính cách khác biệt.
Quỳnh thông minh, lém lỉnh, trượng nghĩa, luôn muốn tìm sự công bằng. Trịnh Bá gian ác, mưu mô, luôn dựa vào thế lực để ức hiếp kẻ yếu và che giấu tội ác. Vì muốn chiếm được Điềm, Trịnh Bá không ngần ngại đẩy Quỳnh, Xẩm, thầy Đoàn và cả Điềm vào những tình huống nguy khốn. Nhờ sự thông minh, Quỳnh và Xẩm đã từng bước gỡ những nút thắt.
Bộ ba Xẩm, Quỳnh và Điềm.
Đức Thịnh đã có tính toán khá kỹ lưỡng khi lựa chọn dàn diễn viên có ngoại hình sáng và danh tiếng nhằm thu hút khán giả đến rạp. Những phần quay ngoại cảnh toàn, cận khá ấn tượng bởi màu sắc, ánh sáng tốt, nhiều lúc hiện lên như tranh vẽ khiến người xem phải trầm trồ. Phần nhạc trong phim cũng được đầu tư không ít. Tuy nhiên, bao nhiêu không đủ để có thể cứu trong mùa tết năm nay.
Trần Quốc Anh, Nhã Phương diễn xuất không thuyết phục dù ngoại hình bắt mắt trên màn ảnh. Nam chính không làm bật lên được sự thông minh, lém lỉnh, trào lộng của Trạng Quỳnh, còn biểu cảm của Nhã Phương lại không đa dạng, chưa đủ để thuyết phục người xem. Công Dương có lợi thế về diện mạo và biểu cảm khá tốt nhưng đài từ, lời thoại đã phá hỏng hai điều trên. Không phải vai chính nhưng với kinh nghiệm, sự hài hước vốn là thế mạnh, Trấn Thành cho thấy được sức nặng trong phim khi liên tục mang đến những tràng cười cho khán giả. Nhưng bấy nhiêu cũng không thể bù cho dàn diễn viên còn lại.
Công Dương diễn xuất, biểu cảm khá nhưng đài từ đã phá hỏng vai Trịnh Bá.
Những giai thoại về Trạng Quỳnh đã tạo nên lớp nền cơ bản cho phim nhưng đạo diễn Đức Thịnh lại cho thấy một bước lùi rõ rệt với kịch bản phim rời rạc, thiếu liên kết. Một số tình huống trong phim (cảnh Quỳnh và Điềm vượt ngục, Xẩm lẻn vào hoàng cung...) không hợp lý. Các tình huống được giải quyết vội vàng, qua loa, đôi khi khiến người xem khó hiểu.
Sự hời hợt trong cách xây dựng mối quan hệ tình cảm của Điềm và Quỳnh hay mâu thuẫn giữa Quỳnh và Trịnh Bá không tạo được cảm xúc cho khán giả. Chính những yếu tố này cũng khiến tính cách các nhân vật không được khắc họa rõ nét, bên cạnh điểm trừ về diễn xuất. Mạch phim dàn trải từ đầu đến cuối khiến người xem dễ dàng lạc khỏi câu chuyện nếu không có những tiếng cười vang lên từ khả năng hài hước của Trấn Thành.
Nhưng, điều khiến Trạng Quỳnh mất điểm hơn cả chính là việc sử dụng lời thoại, ngôn ngữ bất nhất, bị/được pha trộn bất hợp lý. Kể chuyện xưa nhưng phim xuất hiện đầy rẫy những từ, cụm từ vốn gắn liền với cuộc sống hiện đại hoặc không phù hợp với không gian văn hóa thời điểm đó như: "thả thính (lúc Quỳnh tìm đến nhà Điềm và gặp thầy Đoàn), "bị cáo" (khi quan huyện xét xử thầy Đoàn), "anh - em" (cách xưng hô của Quỳnh và Điềm), "quần áo" (khi nói về bức tranh bán khỏa thân mà Trịnh Bá vẽ nàng Điềm, thay vì sử dụng cụm từ "xiêm y" hay "y phục"), "cua gái" (lúc Xẩm làm quân sư cho Quỳnh cách bày tỏ tình ý với Điềm)…
Nếu đây là sự cẩu thả, đáng bị chê trách. Nhưng nếu đây là sự dụng ý có tính toán của đạo diễn Đức Thịnh thì dụng yếu này không hề thông minh. Bởi những ngôn từ trên khiến rơi vào tình trạng nửa nạc, nửa mỡ khiến người xem khó thể nuốt trôi.
Trang phục trong phim thiếu sự đồng nhất.
Trang phục trong phim mang yếu tố lịch sử, dân gian là câu chuyện trầm kha nhiều năm nay của điện ảnh Việt. Trạng Quỳnh tiếp tục giẫm lên vết xe đổ đó. Nếu như trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể hay Mẹ chồng, nhà sản xuất chấp nhận cách điệu gần như hoàn toàn trang phục để mang đến diện mạo mới thì Trạng Quỳnh lại là sự hỗn loạn giữa màu sắc, kiểu dáng, giữa cũ và mới. Việc các nhân vật chính, thứ chính diện trang phục một đường, nhân vật phụ một nẻo khiến không gian văn hóa trong phim có những vết gãy vô hình.
Một chi tiết đáng lưu ý ở Trạng Quỳnh là xuất hiện một số quan lại cấp thấp hoặc người giàu có mặc áo dài nam giới. Tuy nhiên, theo tài liệu ghi chép lại, đến đầu thế kỷ 18, sau khi lên ngôi năm 1738, chúa Nguyễn Phúc Khoát mới ban hành sắc dụ quy định về trang phục cho Đàng Trong để phân biệt với Đàng Ngoài. Từ đây, hình dáng cơ bản đầu tiên của áo dài mới được ra đời và phát triển, hoàn thiện sau đó.
Còn Trạng Quỳnh sống ở thời Lê - Trịnh, sinh năm 1677, mất năm 1748, chỉ 10 năm sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi. Trong khi đó, bối cảnh phim lại ở thời trẻ của Trạng Quỳnh, trước thời điểm chúa Nguyễn Phúc Khoát ban sắc dụ về trang phục cho Đàng Trong. Như thế, việc chiếc áo dài xuất hiện trong phim có hợp lý chăng?
Trấn Thành là yếu tố hiếm hoi cứu vãn Trạng Quỳnh bởi kinh nghiệm và sự hài hước vốn là thế mạnh của anh.
Nhạc phim được đầu tư khá đa dạng, âm thanh bắt tai nhưng đặt vào các tình huống trong phim hầu như không phát huy tác dụng bởi không phù hợp với mạch phim. Sự tham lam của đạo diễn Đức Thịnh khi đưa quá nhiều yếu tố hiện đại, giải trí vào phim như: câu chuyện cung bọ cạp, tình tiết cô bé hát “Đà đà đa đá đà đà đa...” trong hay cả yếu tố đồng tính... đã khiến thừa thãi chi tiết nhưng thiếu chiều sâu. Phần kết phim được xây dựng theo mô tuýp lời kể lại của Xẩm với những tình huống khác nhau khiến phim dài dòng mà không bật lên được thông điệp chính.
Bối cảnh phim (phần phục dựng - một trong những yếu tố tiên quyết trong những phim mang yếu tố lịch sử, dân gian) lại không được chăm chút đúng mức. Cảnh phiên chợ quê, cảnh thượng triều của vua chúa, cảnh thi khoa bảng... đều cho thấy sự qua loa, hời hợt của êkíp Trạng Quỳnh.
Với bước thụt lùi khá rõ này của đạo diễn Đức Thịnh, Trạng Quỳnh khó có cơ hội đối đầu hay lội ngược dòng trong mùa phim tết năm nay. Trạng Quỳnh sẽ ra mắt vào mùng Một Tết, ngày 5/2/2019, tại các cụm rạp trên toàn quốc.
Thuỵ Khuê/Theo Phụ nữ TP.HCM