Năm Hợi, Bảo Quốc nói về vai diễn Trư Bát Giới ấn tượng của mình

Đăng lúc: 6:22 am, Ngày 04/02/2019

NSƯT Bảo Quốc tâm sự: "Tôi khoái Trư Bát Giới bởi nhiều yếu tố nhưng sâu xa chính là thông điệp đầy tính triết lý về số phận Trư Bát Giới đối với đời sống con người".

Dù đã nhiều lần nhập vai Trư Bát Giới nhưng khi tham gia vở tuồng Tây Lương mẫu quốc của tác giả Bạch Mai - trong chương trình Bước chân hai thế hệ của NSND Lệ Thủy và con trai, ca sĩ Dương Đình Trí - NSƯT Bảo Quốc vẫn đầu tư nhiều công sức. Trong quá trình hóa thân vào nhân vật này, ông đã tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ.
 
"Nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã dựa theo cách thể hiện nhân vật Trư Bát Giới của diễn viên Mã Đức Hoa trong bộ phim truyền hình Tây du ký nổi tiếng của Trung Quốc. Trước khi được NSND Lệ Thủy mời tham gia chương trình, tôi từng diễn vai này trong các bộ phim video cải lương Bảy con yêu nhền nhện, Truy tìm hung thủ, Vào động yêu tinh… gây ấn tượng với khán giả những năm 1990. Dù vậy, tôi vẫn tìm tòi để thể hiện nhân vật này mới mẻ hơn" - danh hài nhớ lại.
Từ trái sang: NSƯT Bảo Quốc, NSND Lệ Thủy, NSƯT Thanh Sang, NSƯT Thành Lộc, nghệ sĩ Thành Chiến, nghệ sĩ Bạch Long trong vở Tây lương mẫu quốc. Ảnh Hoàng Dũng
 
Khi nhận lời tham gia vở Tây Lương mẫu quốc, NSƯT Bảo Quốc tự hỏi: Vì sao trong bốn thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, chỉ mỗi Trư Bát Giới không thành Phật mà chỉ là sứ giả? Theo danh hài này, Đường Tăng là đại diện cho tinh thần tích cực; Tôn Ngộ Không biểu hiện của sức mạnh, không khoan nhượng trước kẻ thù; còn Sa Tăng thể hiện sự chân thành, kiên nhẫn. Ngược lại, Trư Bát Giới hiện thân cho những thói xấu của con người: Tham ăn tục uống, ham mê sắc dục, ích kỷ, ươn hèn…
 
"Tác giả Bạch Mai khi viết kịch bản Tây Lương mẫu quốc đã cho Trư Bát Giới ca vọng cổ, kim tiền bản, lý con sáo… là để nhân vật này tự sự về số phận của mình. Lạc vào mẫu quốc - nơi chỉ có đàn bà, con gái đẹp - là một thử thách quá lớn đối với bản năng háo sắc của lão Trư. Qua hình ảnh Trư Bát Giới và cách hành xử của nhân vật này, chúng ta thấy con người ai cũng có dục vọng, cũng muốn chiếm đoạt, sở hữu; có điều là chúng ta phải nỗ lực để đè nén dục vọng ấy như thế nào. Con người phải bỏ bớt những sân si, đố kỵ để sống tốt. Trư Bát Giới dù không thành Phật nhưng cũng là sứ giả của nhà Phật, đem đến cái nhìn rõ nhất về thân phận của con người, rằng nếu không kìm nén bản ngã thì sẽ không khác gì một… con heo" - danh hài phân tích.
NSƯT Bảo Quốc đóng vai Trư Bát Giới và NSƯT Thành Lộc trong vở cải lương Tây Lương mẫu quốc.
 
Trong vở cải lương đầy tính nhân văn do NSND Lệ Thủy dàn dựng này, Trư Bát Giới đã phạm 8 giới luật mà Phật nghiêm cấm. NSND Lệ Thủy bày tỏ: "Qua cách thể hiện của anh Bảo Quốc, nhân vật Trư Bát Giới mang lại tiếng cười châm biếm sâu sắc. Người xem còn tìm thấy sự đồng cảm khi chiêm nghiệm con đường hướng thiện của Trư Bát Giới - dẫu đầy gian nan, khó khăn thì cuối cùng cũng đến được đích. Tôi thích vở diễn này vì nhân vật Trư Bát Giới đã mang một hình tượng mới, thoát khỏi dáng vẻ nửa người nửa heo vốn xấu xí và ngốc nghếch. Trư Bát Giới nhận ra cái sai của mình và sửa sai, đây mới là điều quan trọng, gửi gắm đến người xem thông điệp: Nhận lỗi và sửa chữa chính là nấc thang đi đến mùa Xuân đời người".
 
Hình ảnh mà Trư Bát Giới biểu hiện trong tác phẩm văn học của tác giả Ngô Thừa Ân là một chuỗi chi tiết hoang đường, khiến người đọc không khỏi có cái nhìn so sánh với các nhà làm phim, làm kịch và sân khấu cải lương về nhân vật này. Theo danh hài Bảo Quốc, chức Tề Thiên Đại Thánh của Tôn Ngộ Không tuy to hơn nhưng hữu danh vô thực, không bằng chức Thiên Bồng Nguyên soái của Trư Bát Giới. Thế nhưng, lão Trư lại có quá nhiều thói xấu.
NSƯT Bảo Quốc luôn đem lại tiếng cười cho khán giả, nhất là với vai diễn Trư Bát Giới.
 
"Trong vở Tây Lương mẫu quốc, tác giả Bạch Mai hướng đến thông điệp: Cái đáng sợ nhất không phải là yêu quái mà là lòng người nổi loạn. Trong hành trình 17 năm thỉnh kinh, chính sự nổi loạn của sức mạnh, trí tuệ mà Tôn Ngộ Không làm đại diện và bản năng muốn thoát khỏi khuôn phép, sống đúng "thú tính" của Trư Bát Giới đã khiến sư phụ Đường Tăng bao phen đau đầu. Trên hết, hành trình thỉnh kinh thực chất là quá trình tự hoàn thiện của con người trước mọi thử thách. Trong đó, Trư Bát Giới là nhân vật có nhiều lỗi lầm nhất. Thông qua nhân vật này, mọi người có thể rút ra cho mình bài học, đó là lối sống chừng mực, dẹp bỏ tham sân si để hướng thiện. Khi diễn vai Trư Bát Giới, tôi không xóa bỏ dục vọng của nhân vật mà hướng điều đó vào con đường lành mạnh" - danh hài tâm sự.
 
Cứ nghĩ đến nhân vật Trư Bát Giới với bao điều thâm thúy mà các tác giả sân khấu cải lương đã gửi gắm trong sáng tác, danh hài Bảo Quốc càng thấy thích thú khi suy ngẫm cách thể hiện vai diễn này. Với ông, đó là một vai diễn hay trong hành trang nghệ thuật của bản thân - thành viên đại gia đình Thanh Minh, Thanh Nga vốn có đến 68 năm lập nghiệp trong một thế kỷ của sân khấu cải lương.
 
Thanh Hiệp/Theo Người lao động