Vì sao 'Trò chơi vương quyền' lại trở thành hiện tượng toàn cầu?

Đăng lúc: 8:03 am, Ngày 17/05/2019

Sau 8 năm, loạt phim cổ trang Mỹ "Game of Thrones" được xem là hiện tượng văn hóa toàn cầu, với đầy ắp tình tiết bất ngờ trong kịch bản, nhân vật không phân rõ thiện ác và câu chuyện gần gũi khán giả.

Tập mới nhất của phim thu hút đến 12,48 triệu người xem - chỉ tính trên kênh chính thức của HBO. Những cái tên như Jon Snow, Mẹ Rồng, Cersei trở nên quen thuộc với nhiều người. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí mượn ý trong phim để diễn đạt ý tưởng chính trị của mình. 
 
Ở mùa đầu năm 2011, Game of Thrones (Trò chơi vương quyền) gây chú ý nhưng chưa thành hiện tượng. Nó thu hút khoảng 2,2 triệu người xem mỗi tập và không thắng giải Emmy. Tuy nhiên, lượng khán giả tăng dần sau đó và series liên tiếp đoạt giải thưởng.
 
USA Today nhận định tác phẩm thành công nhờ bất ngờ trong kịch bản, khi các nhân vật có thể đột ngột bị khai tử. Ở mùa đầu, Ned Stark được mô tả như người trung nghĩa, dũng cảm - kiểu nhân vật chính điển hình trong series. Tuy nhiên, ông mắc mưu và bị xử tử cuối mùa, gây bất ngờ cho những người chưa đọc truyện gốc A Song of Ice and Fire.
Ở mùa đầu năm 2011, Game of Thrones gây chú ý nhưng chưa thành hiện tượng.
 
Sau đó, Game of Thrones gây chú ý lớn với tình tiết cuối mùa ba, khi Robb Stark (Richard Madden đóng) - con trai Ned Stark - bị phản bội, sát hại dã man trên hành trình kéo quân trả thù cho cha. Đây là bước ngoặt trong series, có chất lượng dàn dựng, diễn xuất tốt. Ngoài yếu tố bạo lực gây sốc, cảnh này còn khiến cán cân trò chơi vương quyền nghiêng về nhà Lannister, trong khi nhà Stark (được đa số xem là phe "chính diện") gần như tan rã. Khán giả bị hút vào các mùa sau đó để theo dõi hành trình hồi phục của những đứa con nhà Stark. Yếu tố bất ngờ được giữ cho đến mùa cuối. "Ngay cả đến giờ, chúng ta vẫn chưa chắc ai sẽ lên ngai vàng", Guardian nhận định.
 
Cái chết, máu me và những cú sốc là yếu tố bề mặt giúp series hút khách, như ở cảnh vua Joffrey chết trong đám cưới, hoàng thân Oberyn bị giết trong trận đấu đậm chất bạo lực, rồi Cersei cho nổ tung các đối thủ chính trị cùng hàng trăm người vô tội. Những cảnh khỏa thân và ân ái cũng xuất hiện nhiều lần, gây tranh cãi nhưng càng khiến series được chú ý hơn. 
Những cảnh khỏa thân và ân ái cũng xuất hiện nhiều lần, gây tranh cãi nhưng càng khiến series được chú ý hơn. 
 
Guardian đánh giá sức hút lớn nhất của Game of Thrones nằm ở các nhân vật. "Số nhân vật khổng lồ của series vượt các loạt phim trước đây. Có nhiều vai và đường dây thu hút khán giả. Quyền lực, tình thân, gia đình, quốc gia, chính trị, chinh phục, mưu kế được kết hợp trong câu chuyện mang tính tàn nhẫn, lạnh lùng và bình thường hóa bạo lực".
 
Ở phần điểm phim của các báo Âu Mỹ, hầu hết khen diễn biến tâm lý nhân vật. Series có nhiều kiểu người, từ nhân vật anh hùng, thông minh, tàn ác, đào hoa đến kiểu thâm hiểm, giỏi trò chơi chính trị. Trong đó, hai nhân vật có nhiều fan bậc nhất là Arya Stark và Tyrion - đều vượt qua bất lợi thể chất, tâm lý để thành công. Arya là cô bé nhỏ con, mất cả gia đình, trải qua quá trình rèn luyện đớn đau để thành sát thủ thiện nghệ. Còn Tyrion bị chế nhạo là Quỷ Lùn do vóc dáng nhỏ bé. Tuy nhiên, anh gây ấn tượng với sự thông minh kiểu gian hùng, nhiều lần lật ngược tình thế nhờ đầu óc.
Arya là cô bé nhỏ con, mất cả gia đình, trải qua quá trình rèn luyện đớn đau để thành sát thủ thiện nghệ. 
 
Sự mập mờ, không phân thiện ác rõ ràng cũng là điểm thu hút của các nhân vật. Trên Guardian, giáo sư văn học Trung cổ Raluca Radulescu cho biết: "Có những phụ nữ thậm chí quan hệ loạn luân (Cersei và Daenerys) nhưng khán giả nể phục họ nhờ sự bình tĩnh, sẵn sàng ra tay với kẻ thù, sự tập trung trong trò chơi chính trị". Một nhân vật cũng được yêu thích là Jaime Lannister - em ruột kiêm tình nhân của Cersei. Ban đầu, anh gây ấn tượng như kẻ tàn ác, sẵn sàng xô đứa bé khỏi tháp khi nó chứng kiến cảnh mình làm tình. Nhưng về sau, những góc khuất trong đời Jaime được hé lộ, khiến khán giả đồng cảm với anh.
 
The Humanist đánh giá cao cách xây dựng nhân vật của Game of Thrones, cho rằng series gây cảm xúc mạnh hơn Chronicles of NarniaLord of the Rings - những tác phẩm phân thiện ác rạch ròi. "Khi các phe được chia thiện ác rõ, người xem biết trước kết cục". Điều này không xảy ra với Game of Thrones khi các nhân vật có thể chết chính do đức tính của mình. "Ned Stark chết do ông là người tốt, rơi vào một tình huống mà cư xử quá tốt cầm chắc cái chết".
 
Trên The Curious Reader, cây bút Prasanna Sawant giải thích: "Chúng ta thích người tốt, ủng hộ họ nhưng cách thể hiện truyền thống hơi thiếu thực tế. Còn nhân vật trong Game of Thrones không hoàn toàn tốt hay xấu mà luôn biến chuyển". Ở nhiều trường hợp, các giá trị đạo đức đẩy nhân vật vào mâu thuẫn. Jon Snow là người tốt nhưng nhiều lần làm sai luật của đội Tuần Đêm (đơn vị anh thề trung thành) do tình yêu, do muốn chống lại nhà Bolton (những kẻ phản bội gia đình anh). Daenerys muốn giải phóng nô lệ và thành lãnh đạo công bằng nhưng sẵn sàng để anh trai chết trong đau đớn. Còn nhân vật tàn ác như Cersei cũng có những khoảnh khắc gây thiện cảm nhờ tình thương con.
 
Ngoài chất lượng của Game of Thrones, trang USA Today nhận định series thành công khi đánh trúng tâm lý của thế hệ trưởng thành đầu thế kỷ 21 (Millennial). "Họ được dạy rằng nếu học chăm chỉ, vào đại học tốt, có việc làm tốt thì sẽ ổn định cuộc sống. Nhưng thực tế không phải vậy. Sự ổn định chính trị, xã hội vào thời tổng thống Clinton (thập niên 1990) đã bị khuấy động bởi sự kiện 11/9 (năm 2001), rồi đến cuộc bầu cử năm 2016 (khi Tổng thống gây tranh cãi - Donald Trump - thắng)".
Ông Trump chế ảnh với font chữ giống trong Game of Thrones, đăng trên Twitter mừng một chiến thắng chính trị của mình.
 
Điều này có phần tương đồng với số phận những đứa trẻ nhà Stark. Ở tập đầu series, các nhân vật tưởng chừng có tương lai rất ổn định. Nhưng rồi biến cố dồn dập xảy ra và đẩy họ xa khỏi dự tính ban đầu. "Thế hệ Millennial bị đẩy vào một thế giới hỗn loạn mà họ không tạo ra, cũng như nhà Stark". Khán giả dễ liên hệ bản thân với nhân vật Game of Thrones, giúp series thành hiện tượng toàn cầu.
 
Ở tầm cao hơn, Guardian đánh giá Vũ trụ Điện ảnh Marvel hay Game of Thrones đã tạo ra những bong bóng văn hóa đại chúng, khiến nhiều khán giả "đoàn kết" ở tầm vóc toàn cầu, trong lúc các vấn đề chính trị và tôn giáo vẫn tiếp tục chia rẽ chúng ta. Bằng việc thưởng thức, tham gia và thậm chí nghiên cứu các vũ trụ phim ảnh này, nhiều người tìm thấy điểm chung để sát cánh cùng nhau.
 
"Các phim khoa học viễn tưởng, giả tưởng giống một tôn giáo thế tục. Chúng ta tập hợp với số lượng lớn để xem chúng, ủng hộ chúng về tiền bạc, trang trí cho bản thân với các vật phẩm từ chúng và tức giận khi người khác chê chúng. Những thế giới hư cấu này rõ ràng mang lại điều gì đó cao hơn yếu tố giải trí đơn thuần. Đó có lẽ đơn giản là sự kết nối", Guardian nhận định.
 
Ân Nguyễn/Theo VNExpress

Đọc thêm các bài khác