Thành công của Sơn Tùng M-TP trên thị trường ca nhạc thế giới qua "Hãy trao cho anh" chỉ là thắng lợi về chiến thuật chứ chưa phải bằng nội lực tự thân.
Thành tích của Sơn Tùng M-TP qua sản phẩm Hãy trao cho anh ở bảng xếp hạng YouTube tại Việt Nam, nhiều nước châu Á và thế giới thời gian qua được dư luận đánh giá là tạo đà cho ca nhạc Việt vươn ra thị trường thế giới. Liệu nhận định này có quá lạc quan?
Đến được thị trường Mỹ?
Chọn phong cách âm nhạc Latin để trở lại thị trường nhạc Việt và tấn công thị trường Mỹ, người trong giới nhận định Sơn Tùng M-TP "tính toán rất khôn ngoan và hợp lý với dự án âm nhạc mới này". Thành viên ban nhạc The Hotel Lobby (từng nhận giải thưởng MTV VMAs 2017), Johnny Lee, cho hay: "Thông tin bàn tán về Sơn Tùng M-TP và sản phẩm âm nhạc của anh ấy ở thị trường âm nhạc Mỹ là có thật, dù không phải quá ồn ào. Tôi là người Mỹ gốc Việt nên có cảm xúc tự hào về cậu ấy - một ca sĩ Việt chính thức được nhắc đến ở thị trường âm nhạc Mỹ rộng lớn và khó nhằn này".
Thực tế, trước đây đã có nhiều nghệ sĩ tìm đường đến thị trường Mỹ cho sản phẩm của mình. Ca sĩ Thanh Bùi từng hợp tác với Apl de Ap (thành viên của nhóm Black Eyed Peas) để thực hiện album. Anh cũng bắt tay với nhạc sĩ RedOne sáng tác ca khúc cho album của mình. Hồ Ngọc Hà cũng từng khoe trên truyền thông trong nước về cuộc gặp gỡ của cô với một trong những nhà sản xuất âm nhạc quyền lực nhất tại Hollywood, Fernando Garibay, người được biết đến là nhà sản xuất âm nhạc của các ca sĩ nổi tiếng: Lady Gaga, Britney Spears, Whitney Houston, Shakira, U2, Enrique Iglesias, Kylie Minogue…
Thanh Bùi từng hợp tác với Apl de Ap.
Chọn dòng nhạc Latin luôn được sao Hollywood o bế bởi thị trường rộng lớn, Hãy trao cho anh của Sơn Tùng M-TP được chú ý cũng là điều dễ hiểu. Latin là dòng nhạc được yêu thích ở cả thị trường Việt Nam, US - UK (nhạc Âu Mỹ), Mỹ Latin nên ca khúc Hãy trao cho anh của Sơn Tùng M-TP không quá khó nghe với khán giả Việt, lại dễ chịu với khán giả US - UK nhưng mở ra cơ hội thu lượng view khổng lồ nhất trên YouTube ở thị trường Mỹ Latin. Hơn hết, MV (video ca nhạc) của ca khúc này lại còn có sự góp mặt của rapper nổi tiếng Snoop Dogg và ca sĩ - diễn viên Madison Beer trong vai trò diễn viên khách mời.
Tất cả những điều này khẳng định tham vọng "Mỹ tiến" của Sơn Tùng M-TP là có thật. Thực tế cho thấy anh đã giành thắng lợi bằng chiến thuật khôn ngoan của mình. Thành công của Sơn Tùng M-TP sẽ kích thích cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ Việt muốn nối gót anh. Đặc biệt những người "ôm" tham vọng bước ra thị trường âm nhạc thế giới.
Sẽ đi được đến đâu?
Thông tin bên lề cho biết để có thể mời Snoop Dogg xuất hiện bằng một đoạn đọc rap 30 giây trong sản phẩm của mình, Sơn Tùng M-TP phải trả một khoản phí rất lớn (500.000 USD là số tiền do cư dân mạng chia sẻ, chưa được kiểm chứng) vì giá của Snoop Dogg hay Madison Beer không hề rẻ khi họ đều là những nghệ sĩ tên tuổi ăn khách của Hollywood.
Ca sĩ Johnny Lee cho biết nếu có mối quan hệ tốt đẹp, có thể ca sĩ Việt không cần chi ra con số vài trăm ngàn USD cho một ngôi sao ở Hollywood khi mời họ tham gia vào dự án nhưng chắc chắn ca sĩ Việt phải sang Mỹ để thu âm, quay MV với êkíp thực hiện do phía đối tác giới thiệu. Đây gần như là điều khoản bắt buộc, song khoản chi phí này không hề nhỏ. Điều này cũng trở thành bước cản lớn cho nhiều ca sĩ Việt nuôi giấc mộng "Mỹ tiến".
Cuộc gặp gỡ và làm việc giữa Hồ Ngọc Hà và nhà sản xuất âm nhạc Fernando Garibay.
Cuộc gặp gỡ và làm việc giữa Hồ Ngọc Hà và nhà sản xuất âm nhạc Fernando Garibay hứa hẹn sẽ mang đến những cơ hội cho Hồ Ngọc Hà nói riêng, các ca sĩ Việt sau này nói chung, có cơ hội tiếp cận gần hơn với âm nhạc và khán giả thế giới khi Fernando Garibay có những đánh giá tích cực về Hồ Ngọc Hà: "Rất chuyên nghiệp, cuốn hút và thần thái như những ngôi sao quốc tế". Nhưng dự án hợp tác này đã không được triển khai vì chi phí thu âm ở Mỹ vượt nhiều lần so với kinh phí đầu tư một sản phẩm âm nhạc của cô. Chưa kể, không chỉ Hồ Ngọc Hà, bất cứ ca sĩ nào cũng dễ nản khi đầu tư công sức, tiền của cho một dự án mà mức độ rủi ro quá cao như thế.
Thông tin bên lề cho biết để mời được Apl de Ap hợp tác, Thanh Bùi tốn khoản phí không dưới 100.000 USD. Nhưng đến nay, sản phẩm hợp tác này của anh vẫn chưa được ra mắt như mong đợi dù đây là sản phẩm mang tham vọng của anh là đưa Thanh Bùi nói riêng, âm nhạc Việt Nam nói chung, đến được giải Grammy danh giá.
Chỉ mang giá trị quảng bá
Thật ra những gì khán giả đang thấy vẫn mang giá trị quảng bá lớn hơn. Sơn Tùng M-TP nói: "Tôi nghĩ thành công của mình hiện tại mới chỉ dừng ở trên nền tảng mạng thôi, khi nào Sơn Tùng M-TP đứng trên sân khấu ở Mỹ, hát bằng tiếng Anh và tiếng Việt, lúc đấy tôi sẽ nói điều lớn lao hơn là có thể bước ra thế giới hay không".
Hình ảnh Snoop Dogg trong MV Hãy trao cho anh.
Hành trình đến thị trường US - UK chưa bao giờ dễ dàng với ca sĩ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, ngay cả ở thời điểm khi nhạc Việt, chính xác là cá nhân Sơn Tùng M-TP đã được báo Mỹ nhắc đến. Bởi chỉ đến khi nhạc Việt tạo trụ đứng tự thân, bằng chính nội lực (không có sự tác động bởi bất kỳ yếu tố ngoại cảnh nào như sự hợp tác với nghệ sĩ của US - UK để ký sinh trên tên tuổi của họ), lúc đó, nhạc Việt mới thực sự tự tin bước đi bằng đôi chân đầy nội lực của mình.
Bài học "Mỹ tiến" nhưng lại đánh mất thị phần của chính mình ở thị trường nội địa của nhiều ca sĩ K-pop, J-pop,... trước và hiện nay vì thay đổi hoàn toàn hình ảnh cho phù hợp với thị hiếu của công chúng Mỹ vẫn còn nguyên giá trị đối với ca sĩ Việt.
Thùy Trang/Theo NLĐO