Sau tháng 6 vắng bóng nhường chỗ cho bom tấn hè Hollywood, kể từ tháng 7 đến nay, phim Việt dồn dập trở lại, có lúc bốn phim ra rạp cùng một tháng. Nhưng màn tái xuất này đã không còn lợi hại như trước.
Có bột chẳng gột nên hồ
Mở màn cho sự trở lại của phim Việt trên màn ảnh rộng là hai bộ phim tình cảm tâm lý Thật tuyệt vời khi ở bên em và Tìm chồng cho mẹ. Nhưng sự háo hức chờ đợi nhanh chóng nhường chỗ cho cảm giác ngán ngẩm, vì từ đề tài tuy giàu “tiềm năng” như áp lực hôn nhân trong thế giới showbiz, hay cuộc sống của những bà mẹ đơn thân, nhưng lại bị phí hoài bởi lối kể chuyện, cách xây dựng tình huống, cũng như khắc họa diễn biến tâm lý nhân vật thiếu hợp lý, thiếu chiều sâu.
Poster phim Thật tuyệt vời khi ở bên em.
Thật tuyệt vời khi ở bên em (đạo diễn Luk Vân) kể câu chuyện tình tay ba với nhiều cảnh hiện tại - quá khứ đan xen một cách rối rắm, để “làm màu” cho một tình tiết bất ngờ đầy tính sắp đặt ở cuối phim. Tìm chồng cho mẹ (đạo diễn Thủy Trần) lại là một “thảm họa”, bởi tình tiết phim thiếu tính liên kết, khiến người xem khó hiểu về mục đích, động cơ, hành động của các nhân vật. Chẳng hạn nữ chính Thụy Du chọn làm mẹ đơn thân bằng cách thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng bỏ bê con cái, suốt ngày say xỉn; còn Rose hành nghề người mẫu mà phong thái, cách hành xử hệt như “chị đại” trong giới giang hồ. Nội dung đã hời hợt, khâu kỹ thuật còn cẩu thả bởi tiếng một đằng, khẩu hình một nẻo.
Khán giả xem phim luôn cần những đề tài mới, những thể loại khác lạ, nhưng sự mới lạ kết hợp với tay nghề non nớt của đạo diễn chỉ khiến tác phẩm trở nên khó nuốt. Cậu chủ ma cà rồng (đạo diễn Trần Nhân Kiên) và Người lạ ơi (Trần Chí Bình) là những trường hợp điển hình.
Poster phim Cậu chủ ma cà rồng.
Cậu chủ ma cà rồng lấy bối cảnh thế giới giả tưởng thời hiện đại, kể về hai chàng ma cà rồng tuyển năm cô gái loài người về làm quản gia để lấy máu, không ngờ cô nào đến dự tuyển cũng đều có âm mưu riêng. Kịch bản có vẻ huyền bí, thu hút, nhưng suốt mấy chục phút, phim chỉ xoay quanh những màn “cung đấu” ngô nghê giữa năm cô gái để giành trái tim cậu chủ Huy Long. Diễn viên thì nhả thoại như trả bài với biểu cảm gương mặt căng, đơ. Nội dung lỏng lẻo được bù đắp bằng phần hình thức cầu kỳ, chẳng hạn mỗi nhân vật thay gần ba mươi bộ trang phục, nhưng mỗi người mặc một kiểu, không ăn nhập gì với không khí phim.
Người lạ ơi gây hoang mang với một câu chuyện tình xuyên không được kể đầy ngẫu hứng, rời rạc. Nhân vật chính Đăng DJ, một anh chàng sát gái vốn không tin vào tình yêu, nhưng lại rơi vào lưới tình của Trinh - người tự nhận là tiên nữ đến từ sao Kim, đang cần tìm một chàng trai động phòng để trở thành chị đại siêu cấp liên hành tinh.
Yếu tố độc, lạ trong Người lạ ơi mang đến những trải nghiệm điện ảnh “khó quên” cho người xem
Dễ nhận thấy một sự cố ý sao chép phong cách hài nhảm của Châu Tinh Trì, thông qua cách dàn dựng những màn đánh đấm, tình huống gây hài, hay tạo hình “lố” của nhân vật. Nhưng vì không đạt được độ duyên dáng như đạo diễn họ Châu, nên tổng thể phim trở thành một nồi lẩu thập cẩm với những miếng hài nhạt nhẽo, chất kỳ ảo lộ kỹ xảo sơ sài.
Diễn viên “hại” phim
Một vài phim có nội dung ổn thì mắc lỗi ở khâu chọn diễn viên, làm giảm “sức nặng” của câu chuyện được truyền tải. Cha ma đánh dấu sự tái xuất của Đan Trường ở vai trò diễn viên. Dẫu biết không thể đòi hỏi nhiều ở một ca sĩ đóng phim, nhưng Đan Trường vẫn gây thất vọng bởi lối diễn nhạt, biểu cảm và cách thoại cứng ngắc.
Không chỉ mạo hiểm giao cho Đan Trường một vai diễn đầy nội tâm khiến anh quá sức, mà đạo diễn Bá Vũ cũng sai lầm khi chọn Ngọc Duyên vào vai nữ chính. Nữ hoàng sắc đẹp toàn cầu 2016 gây ức chế bởi gương mặt muôn màu như một, không thể hiện được tâm lý sợ hãi, hoang mang của một cô gái trẻ khi sống trong một ngôi biệt thự có nhiều hiện tượng lạ.
Ca sĩ Đan Trường trong phim Cha ma.
“Chọn mặt gửi vàng” không đúng cũng là trường hợp của Huyme trong Anh thầy ngôi sao. Chàng vlogger chuyển hướng làm diễn viên này thiếu nét hài duyên dáng cần có, trong khi đây là một bộ phim nhiều tiếng cười. Còn ở những cảnh cao trào về mặt cảm xúc, như đoạn đối thoại với cô nàng Mực một nắng (Miu Lê đóng), hay cậu học trò miền biển tên Cu (bé Nguyễn Minh Chiến đóng), diễn xuất của Huyme thiếu sự bùng nổ, nên trong phim, nhân vật của anh rưng rưng nhưng người xem không cảm được.
Huyme trong Anh thầy ngôi sao.
Ngôi nhà bươm bướm “mất điểm” với diễn xuất của Liên Bỉnh Phát. Được chờ đợi từ sau màn ra mắt ấn tượng trong Song lang, nhưng Liên Bỉnh Phát gây thất vọng hoàn toàn với màn thể hiện trong phim này. Dù đang trong tâm trạng dằn xé, khó xử khi đối diện với dì Hân (NSƯT Thành Lộc đóng), hay lúc vui vẻ tình tứ bên cô người yêu, thì Liên Bỉnh Phát vẫn giữ nguyên ánh mắt không cảm xúc.
Liên Bỉnh Phát trong Ngôi nhà bươm bướm.
Chất lượng sụt trồi, không đều của phim Việt từ đầu năm đến nay thực sự gây hoang mang cho người xem, nhưng âu đó cũng là điều đã dự báo trước trong tình hình quá nhiều đạo diễn tay ngang làm phim như hiện nay. “Gieo gì gặt nấy”, dịp hè và lễ 2/9 vừa qua, trong khi các phim ngoại như Người nhện xa nhà, Điều ba mẹ không kể, Fast & Furious Presents: Hobbs & Shaw, Địa đạo cá sấu tử thần, Gã hề ma quái 2 đếm tiền mỏi tay với doanh thu từ vài chục tỷ đến hơn trăm tỷ đồng, thì doanh thu các phim Việt không được đơn vị sản xuất, phát hành nào dám công bố. Điều này trái ngược hoàn toàn với những tháng đầu năm, khi tin vui phòng vé đến dồn dập từ Chị trợ lý của anh, Cua lại vợ bầu, Trạng Quỳnh, Hai Phượng.
Theo PNO