Mới đây, Cục Thuế TP.HCM cho biết đã truy thu 15 tỷ đồng tiền thuế của 15 nghệ sĩ trong 7 tháng đầu năm 2019. Tổng số tiền truy thu thuế của giới nghệ sĩ từ năm 2016 đến tháng 7/2019 là 31,4 tỷ đồng.
Thông thường, trong các hợp đồng ký kết của nghệ sĩ với nhà sản xuất, đơn vị tổ chức… đã có mức khấu trừ 10% cát-sê. Điều này được nhiều người mặc định là đã thực hiện xong nghĩa vụ thuế. Vì thế, việc nghệ sĩ bị truy thu thuế, có khi lên đến hàng tỷ đồng/cá nhân khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Thực tế, theo luật định, thuế có tính luỹ tiến, nghĩa là thuế được tính theo tỷ lệ tăng đần khi thu nhập tăng. Theo quy định hiện hành, mức thuế có thể được tính đến 35% tuỳ thu nhập. Một số mức tính thuế luỹ tiến đơn cử như: trên 52-80 triệu đồng (32%), trên 32-52 triệu đồng (25%), trên 18-32 triệu đồng (20%), trên 10-18 triệu đồng (15%).
Thông thường, nghệ sĩ khi ký hợp đồng đã trích 10% cát-sê, nhưng con số này đôi khi chưa thực hiện đủ nghĩa vụ thuế.
Trong đó, thu nhập tính thuế được tính bằng cách lấy thu nhập chịu thuế trừ đi các khoản giảm trừ (thu nhập chịu thuế = tổng thu nhập - các khoản miễn thuế).
Theo Điều 4, Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (được bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế 2014) các khoản thu nhập sau đây sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân:
- Thu nhập từ chuyển nhượng, nhận thừa kế, tặng cho bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau;
- Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất;
- Tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật;
- Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ…
Theo PNO