Sân khấu kịch TP.HCM bước qua năm 2019 nhiều biến động, chịu lỗ để sáng đèn

Đăng lúc: 7:38 am, Ngày 29/12/2019

Trong năm 2019, sân khấu của NSND Hồng Vân, NSƯT Trịnh Kim Chi lỗ hàng trăm triệu đồng, Idecaf chật vật vì giảm hàng chục suất diễn...

Hôm 21/12, Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân gây bất ngờ khi khai trương sân khấu mới mang tên Hồng Vân - Chợ Lớn (quận 5). Chị cho biết việc lập sàn diễn mới là cú liều, bởi sân khấu xa trung tâm.
 
Với sân khấu vừa mở, chị giao cho diễn viên Minh Luân quản lý vì tin anh nhạy bén nắm bắt xu hướng. Vợ chồng Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân ra mắt một quỹ tài năng trẻ, hỗ trợ các học sinh nghèo có năng khiếu, đam mê diễn xuất. Sau Ngẫm Kiều, chị dự định đầu tư vào các vở thuộc dòng kịch văn học như Bỉ vỏ, Con nhà nghèo, Số đỏ... 
Cảnh trong vở Ngẫm Kiều trên sân khấu mới Hồng Vân - Chợ Lớn
 
Trước đó hai tháng, Hồng Vân đóng cửa SuperBowl - sân khấu 14 năm tuổi - vì phải trả lại mặt bằng và doanh thu không bù nổi chi phí duy trì. Chị nói năm ngoái chị lỗ gần một tỷ đồng để duy trì sân khấu. Năm nay, đơn vị cho thuê mặt bằng hỗ trợ giá, song tiền vé bán ra không đắp nổi khoản đầu tư. Nhiều lần, nghệ sĩ lấy thù lao từ các dự án riêng như đóng phim, làm MC... trả lương cho diễn viên. Chồng chị - diễn viên Lê Tuấn Anh - lấy doanh thu nhà hàng của gia đình giúp vợ duy trì sân khấu.
 
Nhiều "bầu" kịch cho biết chung cảnh ảm đạm. Cuối tháng 11, đơn vị của Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi lỗ hàng trăm triệu đồng vì liên tục giảm suất diễn. Cả khi bán hết vé, chị cũng chỉ đủ trả cát-xê cho nghệ sĩ và nhân viên hậu đài. Còn lại, chị phải bù vào tiền thuê mặt bằng, chi phí âm thanh, ánh sáng... 
Sân khấu Trịnh Kim Chi phải bù lỗi hàng trăm triệu đồng
 
Nhiều năm qua, Idecaf là một trong những sân khấu thường xuyên "cháy" vé của Sài Gòn. Nhưng năm nay, đơn vị giảm còn khoảng 60% suất so với năm ngoái, tương đương 15-16 suất mỗi tháng. "Lẽ ra, chúng tôi phải diễn đủ 30 suất mỗi tháng, nhưng chủ quản mặt bằng chia sẻ với khó khăn với sân khấu, chỉ yêu cầu diễn hết một nửa. Vậy mà nhiều lúc vẫn không thể lấp đầy, tôi phải bỏ tiền ra để trả phí thuê địa điểm những ngày không diễn", ông Huỳnh Anh Tuấn - "bầu" kịch Idecaf - nói.
 
Tại sân khấu 5B, Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Uyên - giám đốc nhà hát, kể trong năm qua, chị chạy "show" như đi diễn, sự kiện... để có tiền trả cho diễn viên, anh em hậu đài. Mỗi tuần diễn khoảng hai suất, lượng vé bán ra chỉ khoảng phân nửa mong đợi. "Chúng tôi liên tục động viên nhau rằng diễn vì còn mê nghề, chứ để kiếm tiền thì đã không còn trụ nổi từ lâu", chị nói. Năm 2018, Mỹ Uyên vay 600 triệu đồng để tự sửa sân khấu 5B sau hai năm đóng cửa. 
 
Theo Trịnh Kim Chi, ngoài yếu tố khách quan như game show nở rộ, phim sitcom lên ngôi..., chị gặp trở ngại vì địa điểm. Vị trí sân khấu ở quận 6, nằm khá xa trung tâm, đường đi lại không tiện. Tương tự, nghệ sĩ Quốc Thảo cho biết sân khấu anh nằm trên tầng cao của tòa nhà Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (quận 3). Khán giả sau khi lên thang máy phải leo thêm cầu thang bộ mới đến được chỗ xem kịch. 
Nghệ sĩ Thành Lộc trong vở Tiên Nga trên sân khấu Idecaf
 
Theo đại diện Idecaf, khó khăn lớn nhất là khan hiếm kịch bản. Từ sau Tết, Idecaf chưa tìm được đầu kịch mới để diễn. Vở mới nhất - Mặt nạ bong bóng - làm lại từ kịch bản cũ năm 2012. "Diễn đi diễn lại những vở cũ, đến nghệ sĩ cũng chán, huống hồ khán giả", anh Tuấn nói.
 
Thiếu diễn viên cũng là điều nhiều nơi gặp phải. Đạo diễn Ngọc Hùng - quản lý Thế giới trẻ - kể năm nay, lượng vé đơn vị này giảm 20% vì diễn viên mải chạy show ngoài, không đảm bảo được lịch đóng kịch. Sân khấu này là nơi đào tạo nhiều cây hài trẻ. Khi dần có tên tuổi, một số diễn viên tham gia game show, web drama... vì thù lao cao. "Tất nhiên, ai cũng cần mưu sinh. Nhưng rõ ràng, sân khấu đang ngày một lao đao vì thiếu nhân lực", anh nói.
 
Để cứu kịch nói, các ông, bà "bầu" tìm cách kéo khán giả. Trịnh Kim Chi và êkíp tung ra nhiều chương trình bán vé khuyến mãi cho học sinh - sinh viên, có khi giảm đến 50%. Chị còn phối hợp nhiều đại lý để phát hành vé kiểu vừa bán vừa cho. 
Cảnh trong vởi Thanh Xà Bạch Xà ngoại truyện của Sân khấu Thế giới trẻ
 
Nghệ sĩ Quốc Thảo phối hợp với các cơ quan đoàn thể nhà nước. Năm qua, anh dựng vở Cánh đồng rực lửa theo đơn đặt hàng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật. Tác phẩm không bán vé, được Liên hiệp chu cấp kinh phí để có thù lao diễn cho nghệ sĩ. Anh sắp giới thiệu dàn diễn viên mới từ "lò" dạy của anh. "Tự đào tào nhân lực để diễn là xu thế đang được nhiều sân khấu áp dụng, vừa đảm bảo đúng phong cách đặc trưng của từng nơi, vừa không sợ chuyện nghệ sĩ đột ngột 'mất tích' vì chạy show", anh nói.
 
Hoàng Thái Thanh của đạo diễn Ái Như - Thành Hội dựng lại các vở cũ như Lạc dòng, Bông hồng cài áo... song luôn có sự cách tân về diễn viên, tình tiết. Sân khấu 5B ra mắt loạt vở mới - Tiền là số 1, Duyên ai, Ảo và thật - và thay phiên diễn, bên cạnh các vở cũ như Tình lá diêu bông, Bên đàng dệt mộng... 
 
Theo VnExpress

Đọc thêm các bài khác