"Contagion", "The Flu" hút người xem trở lại sau nhiều năm, còn series mới "Pandemic: How to Prevent an Outbreak" cảnh báo nguy hiểm của dịch giữa bối cảnh Covid-19.
Pandemic: How to Prevent an Outbreak (2020)
Khi dịch bệnh ở Vũ Hán (Trung Quốc) bắt đầu gây chú ý, Netflix tung series Pandemic: How to Prevent an Outbreak. Ra mắt hồi tháng 1, loạt phim tài liệu được nhiều báo Âu Mỹ như Guardian, New York Post khen ngợi. Series mở đầu với giả định nhân loại phải đối phó một virus mới. Dù khả năng y tế ở nhiều nước đã được cải thiện, bệnh dịch vẫn là mối nguy lớn, nhất là khi con người thời nay có thể di chuyển dễ dàng đến nhiều nơi.
Trong sáu tập phim, các chuyên gia nhiều lần nhắc lại tính tất yếu của bệnh dịch mới, như lời bác sĩ Dennis Carroll: "Khi bàn về dịch cúm mới, vấn đề không phải liệu nó có xảy ra không. Mà là khi nào?". Series khắc họa cách chuyên gia y tế chuẩn bị phương án ngăn chặn, đồng thời cảnh báo sự nguy hiểm của dịch bệnh. Một phần khác bàn về những yếu tố khiến dịch có thể lan nhanh, từ việc người dân du lịch dễ dàng đến điểm yếu trong hệ thống y tế, chăn nuôi.
Trên trang cá nhân, nhà báo, bác sĩ Sheri Fink - một trong các giám đốc sản xuất của series - nói tác phẩm được làm từ trước Covid-19, nhằm cung cấp kiến thức cho mọi người. "Series ra đời do một số người đã thấy cách hệ thống (chống dịch) được thử nghiệm trên quy mô nhỏ và biết điểm yếu của nó", bà nói.
Cargo (2017): Tài tử Martin Freeman hóa thân Andy - một người đàn ông cùng vợ con sống ở Australia giữa thế giới đã bị virus tàn phá. Gia đình anh đang sống khá yên ổn, đến khi Andy phải ra ngoài tìm nhu yếu phẩm và gặp một cô gái đang bị thương. Cargo không khai thác sâu về chuyện bệnh dịch bùng phát nhưng tập trung vào cách sinh tồn giữa hoàn cảnh nguy hiểm. 88% giới phê bình đánh giá cao phim trên Rotten Tomatoes.
93 Days (2016): Virus Ebola nhiều lần được đưa lên màn ảnh, trong đó phim 93 Days dựa trên một câu chuyện có thật ở Nigeria. Ở thành phố Lagos (Nigeria) năm 1994, virus xuất hiện, khiến 21 triệu dân nơi đây đứng trước nguy cơ nhiễm bệnh. Nếu dịch bùng phát, tình hình trở nên nguy hiểm do hạ tầng y tế ở đây còn kém. Bác sĩ Adadevoh (Bimbo Akintola đóng) quyết tâm cách ly "bệnh nhân số 0" (người đầu tiên nhiễm) tên Patrick Sawyer, bất chấp áp lực chính trị đòi thả người này. Adadevoh sau đó được khen ngợi do nỗ lực chặn dịch nhưng mất cùng năm do nhiễm chính virus Ebola.
Train to Busan (2016): Trong tác phẩm Hàn Quốc nổi tiếng, một virus khiến con người trở nên mất trí và hung ác. Giữa hoàn cảnh đó, Seok-woo (Gong Yoo) phải đưa con gái Su-an (Kim Su-an) đến thành phố Busan. Phim gây sốt phòng vé nhiều nước với doanh thu toàn cầu 90 triệu USD. Ngoài yếu tố hành động, Train to Busan thể hiện cách đại dịch làm lộ ra những vết nứt trong quan hệ giữa người với người, trong đó một số kẻ sẵn sàng làm điều bất nhân để giữ mạng mình. Sự hoảng loạn của xã hội trước thảm kịch xảy đến nhanh chóng cũng được khắc họa.
World War Z (2013): Có kinh phí gần 200 triệu USD, World War Z có nhiều cảnh mô tả dịch bệnh ở quy mô lớn, tiêu biểu là trích đoạn nhóm nhiễm cố vượt qua tường chắn. Tác phẩm kể về đại dịch zombie ở cấp độ toàn cầu, khiến nhân loại điêu đứng. Chuyên gia điều tra Gerry Lane (Brad Pitt đóng) phải đến nhiều nơi để tìm cách chống dịch. Max Brooks - tác giả cuốn World War Z: An Oral History of the Zombie War (nguyên tác văn học của phim) - lấy cảm hứng một phần từ dịch SARS năm 2002. Bên cạnh đó, dịch bệnh hư cấu cũng có nét tương đồng với Covid-19, bắt nguồn từ Trung Quốc, lan sang các nước lân cận do con người đi lại, trước khi đến các châu lục khác và gây chú ý toàn cầu.
The Flu (2013): Tác phẩm Hàn Quốc được nhiều người tìm kiếm từ tháng 1 - lúc Covid-19 chưa lan rộng ở nước này. Trên Hancinema và các website phim lớn tại Hàn, lượng truy cập The Flu tăng cao. Phim khai thác chân thực cảnh lây lan và hậu quả khủng khiếp của cúm gia cầm H5N1 ở ngoại ô Seoul. Trong container chở một nhóm dân nhập cư bất hợp pháp đến Hàn Quốc, có một người nhiễm virus cúm gia cầm H5N1. Chiếc xe gặp nạn ở ngoại ô Bundang (Seoul), khiến virus phát tán qua đường hô hấp. Phim mô tả sức lây lan mạnh của dịch cúm, như khi một bác sĩ có thể lây cho các bệnh nhân ông đang chữa. Ngoài khắc họa bệnh dịch, tác phẩm còn chỉ trích cách hành xử cực đoan của một số thành viên chính phủ, đẩy không ít người dân vào chỗ chết.
I Am Legend (2007): Phim đặt hoàn cảnh một virus - ban đầu nhằm để trị ung thư - trở nên nguy hiểm, giết 90% dân số toàn cầu và biến hầu hết còn lại thành người đột biến hung dữ. Robert Neville (Will Smith đóng) miễn nhiễm với virus, sống ở Manhattan (New York, Mỹ) và tự hỏi liệu mình có phải người cuối cùng của nhân loại. Tác phẩm thể hiện sự nguy hiểm của dịch bệnh qua cảnh hoang tàn của thành phố, sự sụp đổ của nền văn mình, đồng thời cảnh báo tính chất khó lường của các virus do con người tạo ra.
28 Days Later (2002): Tác phẩm của đạo diễn Danny Boyle lấy bối cảnh một thế giới đã suy tàn vì bệnh dịch. 28 ngày sau đợt bùng phát, Jim (Cillian Murphy) tỉnh dậy sau hôn mê, thấy thành phố đã hoang vắng. Anh cùng ba người khác cố tìm cách sinh tồn và tránh những người đã bị lây nhiễm. Tờ Time Out xếp tác phẩm hạng 97 trong số các phim Anh. 28 Days Later được đánh giá cao nhờ cách khắc họa tâm lý nhân vật lẫn yếu tố chính trị ở bối cảnh dịch bệnh biến đổi mạnh mẽ cách sinh hoạt của con người.
Contagion (2001): Tác phẩm bắt đầu khi Beth Emhoff (Gwyneth Paltrow đóng) trở về Mỹ sau chuyến công tác Hong Kong, Macau, mắc một bệnh cúm lạ và qua đời đột ngột. Chồng cô - Mitch (Matt Damon) tạm bị cách ly. Trung tâm phòng dịch kết luận nguyên nhân bệnh là virus có vật liệu di truyền từ heo và dơi. Phim mô tả hoàn cảnh các cá nhân, cũng như nhiều khía cạnh dịch bệnh, từ hành vi của người dân khi thành phố bị phong tỏa, hướng đối phó của chính quyền lẫn nạn tin tức giả. Trên trang MoviesOnline, đạo diễn Soderbergh cho biết theo đuổi phong cách hiện thực trong phim, đồng thời nghiên cứu dịch SARS năm 2003 và dịch cúm năm 2009 để phát triển kịch bản. Mục đích của anh là thông qua một số câu chuyện, tái hiện cách mà xã hội, giới khoa học phản ứng với bệnh dịch.
Outbreak (1995)
Như tên gọi "Bùng phát", tác phẩm do Wolfgang Petersen đạo diễn kể về sự lây lan của dịch bệnh bắt nguồn từ Zaire (ở châu Phi). Một con khỉ mang virus bị vận chuyển trái phép vào Mỹ, khiến một nhân viên phòng thí nghiệm bị bệnh. Từ đó, virus lây qua nhiều người với diễn biến khó lường. Chính phủ bắt đầu sử dụng những biện pháp mạnh để ngăn dịch.
hhh
Kịch bản lấy cảm hứng từ một số đợt bùng phát của virus Ebola ở châu Phi trong thế kỷ 20. Cây bút phê bình nổi tiếng Roger Ebert chấm phim điểm 3,5/4, khen cách biên kịch đặt tình huống khi virus thoát khỏi rừng già, đi vào cộng đồng người và gây hậu quả lớn. Trong bối cảnh Covid-19, phim Outbreak cũng được một số khán giả quan tâm trở lại trên Netflix.
Theo VnExpress