Nỗi buồn mang tên doanh thu phim tài trợ

Đăng lúc: 1:48 pm, Ngày 16/06/2020

Dẫu đã nỗ lực đẩy mạnh quảng bá, tạo dư luận qua giải thưởng Cánh diều nhưng doanh thu của phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, làm bằng 70% kinh phí tài trợ của nhà nước.

Mặc dù kinh phí sản xuất của phim Truyền thuyết về Quán Tiên chưa được công bố cụ thể nhưng để làm một phim bình thường đã ngốn hết vài chục tỷ đồng, theo mặt bằng chung hiện nay. Đó là chưa kể, Truyền thuyết về Quán Tiên còn đầu tư lớn ở phần âm nhạc với số tiền được phía sản xuất công bố là 1,2 tỷ đồng. Thế nhưng, theo thống kê của trang Box Office Việt Nam, phim này thu được gần 900 triệu đồng (số liệu mang tính tham khảo).
 
Truyền thuyết về Quán Tiên là tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Xuân Thiều, khai thác chiến tranh dưới góc nhìn hậu chiến nhưng chưa tạo được thành công do chưa chạm đến cảm xúc người xem. Phim có nền tảng ý tưởng tốt nhưng việc thể hiện trên màn ảnh thì lại vướng tình cảnh nửa vời, chưa đến nơi đến chốn. Dù được đầu tư chỉn chu từ phục trang, bối cảnh đến diễn viên, âm nhạc nhưng phần lời thoại nặng văn viết, thiếu tự nhiên, kỹ xảo tệ khiến cảm xúc người xem bị hụt hẫng. Thành tích tại các giải thưởng Cánh diều 2019, Liên hoan Phim Việt Nam chưa đủ giúp phim có sức hút đối với khán giả trẻ.
Cảnh trong phim Truyền thuyết về Quán Tiên
 
Trước Truyền thuyết về Quán Tiên, phim được nhà nước đặt hàng 100% vốn là Hợp đồng bán mình (Hãng phim Giải phóng; đạo diễn Trần Ngọc Phong) đến nay vẫn chưa công chiếu rộng rãi. Phim Nơi ta không thuộc về (đạo diễn Đặng Thái Huyền) cũng khai thác góc nhìn hậu chiến, do Điện ảnh Quân đội sản xuất, vốn nhà nước 100% cũng không ra rạp. Phim Thạch Thảo (đạo diễn Mai Thế Hiệp) được tài trợ 70% kinh phí, xã hội hóa 30% nhưng doanh thu cũng không như kỳ vọng.
 
Tính đến nay, phim được nhà nước đặt hàng, tài trợ chỉ có Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh do Victor Vũ đạo diễn thắng doanh thu (80 tỷ đồng). Từ những thất bại liên tiếp của loạt phim nhà nước đặt hàng, tài trợ, yêu cầu được đưa ra là đổi mới cơ chế đặt hàng, tài trợ phim bằng ngân sách của nhà nước.
Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
 
Cơ chế đặt hàng, tài trợ phim truyện bằng ngân sách nhà nước từng lộ rõ điểm yếu là hình thức phân bổ ngân sách cho các hãng phim của nhà nước, trong đó vừa tiền làm phim vừa tiền trả lương cho cán bộ nhân viên nên chất lượng phim vì vậy rất thấp. Cơ quan quản lý từng đưa ra giải pháp đấu thầu để bảo đảm công bằng, tăng tính cạnh tranh, tăng chất lượng phim (quy định trong Nghị định 54/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Điện ảnh và Luật Điện ảnh sửa đổi, 2009). Tuy nhiên, suốt 10 năm qua, Thông tư liên tịch hướng dẫn việc đấu thầu đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước giữa các bộ có liên quan vẫn chưa được ban hành. Phim đặt hàng, tài trợ bằng ngân sách nhà nước vẫn đang thực hiện theo quy chế cũ, tức là không qua đấu thầu, chất lượng phim ra đời vẫn không thay đổi.
 
Theo đạo diễn Võ Thanh Hòa, nếu muốn phim đặt hàng, tài trợ bằng ngân sách nhà nước có hiệu quả mà không qua đấu thầu thì nhà quản lý cần có sự hợp tác với các hãng phát hành lớn như CGV, Galaxy, BHD... nếu muốn chiếu rạp. Bởi những hãng phát hành lớn này biết rõ về thị trường, biết khán giả đang cần gì để có kịch bản cân bằng giữa đề tài đúng khung quy định được đặt hàng, tài trợ và yếu tố thương mại. Thêm vào đó, việc quảng bá phim một cách bài bản, chuyên nghiệp cũng là vấn đề quan trọng. Theo đạo diễn này, có thể, cơ chế đặt hàng, tài trợ cần thay đổi số vốn đầu tư của nhà nước kéo giảm còn khoảng 50%, để xã hội hóa tham gia 50%, buộc đôi bên cùng có trách nhiệm, quyền lợi ngang bằng.
 
"Để cơ chế đặt hàng, tài trợ sản xuất phim bằng ngân sách của nhà nước hiệu quả cần có đội ngũ giám sát từng dự án, thanh toán chi phí theo từng giai đoạn với quy định cụ thể. Việc giám sát sẽ bảo đảm số tiền đầu tư được sử dụng đúng mục đích, tránh cắt xén, hao hụt khiến sản phẩm giảm chất. Hẳn nhiên, đội ngũ giám sát phải đề cao tính chính trực" - biên kịch Kim Ngọc bày tỏ quan điểm.
 
Dù Luật Điện ảnh sửa đổi sắp tới có đưa ra quy định mới về việc đặt hàng, tài trợ hay không thì việc thẩm định kịch bản, xem xét đối tác cùng hợp tác đầu tư vẫn là quan trọng. Việc đổi mới cơ chế để tránh lỗ và tránh cho ra tác phẩm xếp kho, lãng phí là cần thiết hơn cả. 
 
Theo NLĐO

Đọc thêm các bài khác