Phải chăng màn ảnh Việt bây giờ toàn vẻ đẹp dao kéo?

Đăng lúc: 1:21 am, Ngày 15/12/2020

Chuyện “dao kéo” trong giới nghệ sĩ được xem như “chìa khóa vàng” để “lên đời” sự nghiệp nhưng điều này khiến màn ảnh đầy những gương mặt đẹp vô hồn.

Trong tập 7 bộ phim truyền hình Hồ sơ cá sấu vừa lên sóng tuần qua xuất hiện một nhân vật mới - Đặng Trung do Việt Anh thủ vai. Đây là lần đầu tiên khán giả nhìn thấy dung mạo hậu “dao kéo” của nam diễn viên này trên màn ảnh sau khi anh công khai việc đã tốn hơn 400 triệu để nâng mũi, thu gọn nọng cằm bằng chỉ, tiêm filler và tế bào gốc.
 
Ở tập này khi diễn tay đôi với nam chính - diễn viên Mạnh Trường, dễ thấy biểu cảm trên khuôn mặt và ánh mắt của Việt Anh khá căng cứng, không linh hoạt, sống động bằng bạn diễn. Trên mạng, không ít khán giả xem phim để lại lời bình luận tiếc nuối với nhan sắc trước đây của Việt Anh: Phan Hải giờ xấu quá hay Việt Anh phẫu thuật thẩm mỹ thành xấu hơn mất nét duyên rồi…
Việt Anh khác lạ trong Hồ sơ cá sấu
 
Khác với Việt Anh, nữ diễn viên Phương Oanh may mắn hơn khi được khen ngợi với dung mạo sau dao kéo trong Cô gái nhà người taLựa chọn số phận, tuy nhiên so với thời tham gia Quỳnh búp bê biểu cảm gương mặt của cô không tự nhiên bằng, đặc biệt đôi mắt luôn mở to trợn trừng.
 
Trên màn ảnh rộng, cũng không khó bắt gặp những diễn viên giống nhau ở gương mặt căng bóng như tượng sáp, sống mũi thẳng tắp, chiếc cằm thon nhọn. Xem hóa thân của những người đẹp như Yaya Trương Nhi (phim Tiền nhiều để làm gì, Chồng người ta), Lily Luta (Bí mật đảo linh xà), Khả Như (Nắng 3, Trái tim quái vật), Puka (Sắc đẹp dối trá) khán giả khó lòng cảm nhận cái hay của nhân vật khi mà người vào vai luôn trưng trổ một gương mặt cứng đờ cảm xúc. 
Yaya Trương Nhi (phải) lộ biểu cảm gương mặt căng cứng trong phim Chồng người ta
 
Cho dù diễn viên có nội lực diễn xuất nhưng với vẻ ngoài đã đụng chạm dao kéo thì khi lên màn ảnh rộng vẫn lộ ra sự tương phản về biểu cảm với bạn diễn không can thiệp thẩm mỹ. Người xem có thể nhận thấy điều này khi so sánh thể hiện gần đây của Khả Như- Hoàng Thùy Linh trong phim Trái tim quái vật hay Thu Trang - Hồng Ánh trong Tiệc trăng máu.
 
Làng diễn viên trong nước không thiếu người đẹp nhưng không dễ tìm được nữ diễn viên giữ sở hữu vẻ đẹp tự nhiên. Xu hướng phim chiếu rạp cần ngôi sao để bán vé khiến các nhà sản xuất phải mời những gương mặt nổi tiếng hơn là chú trọng người hợp vai. Khổ nỗi trong làng giải trí Việt các người đẹp hễ có chút ít tên tuổi đều khó đứng ngoài trào lưu “dao kéo”. 
Dù diễn xuất có sự lột xác nhưng đôi lúc biểu cảm nét mặt của Thu Trang cũng lộ sự cứng đờ
 
Thực tế có không ít trường hợp sự nghiệp thăng hạng sau khi trùng tu nhan sắc nên nhiều diễn viên đã sở hữu dung mạo hài hòa vẫn sẵn sàng can thiệp dao kéo để mong “lên đời” công việc.
 
Ngoài gọt cằm, nâng mũi là hai hình thức làm đẹp phổ biến họ còn tút tát toàn thân bằng cách bọc răng sứ, tắm trắng. Không chỉ nữ mà một số nam diễn viên cũng chạy theo trào lưu này. Kết quả là màn ảnh đầy những gương mặt đẹp na ná nhau, không chút biểu cảm. Tất nhiên với khán giả xem phim, sức hút đầu tiên ở diễn viên đến từ gương mặt, sau đó mới đến diễn xuất.
 
Nhưng với một gương mặt đã chỉnh sửa thì dù diễn viên giàu kinh nghiệm diễn xuất cũng khó điều khiển biểu cảm cơ mặt được linh hoạt, tự nhiên.
 
Một trong những yếu tố được đánh giá cao ở phim ảnh là tính chân thật. Dưới ống kính máy quay mọi diễn xuất bằng cơ mặt, bằng ánh mắt rất dễ bị bóc trần, bất cứ sự “giả trân” nào cũng bị lộ rõ mồn một.
 
Màn ảnh Việt đang khao khát những gương mặt sở hữu vẻ đẹp tự nhiên như Kaity Nguyễn (phim Em chưa 18, Tiệc trăng máu), Khánh Hiền (Taxi em tên gì, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh), Oanh Kiều (phim Cô Ba Sài Gòn, Thật tuyệt vời khi ở bên em, Nắng 3), Trúc Anh (phim Mắt biếc). 
Kaity Nguyễn có lợi thế khi sở hữu gương mặt tự nhiên và ánh mắt biết nói
 
Có thể trong số họ, gương mặt chưa hẳn đẹp nhưng không thể phủ nhận nét trong trẻo, tự nhiên trên gương mặt là điểm cộng rất lớn cho diễn xuất.
 
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người, nhất là những người làm nghệ thuật, tuy nhiên sự lạm dụng thẩm mỹ quá đà lại là con dao hai lưỡi. Một mặt giúp người trong cuộc lên hương, đổi vận nhưng mặt khác cũng để lại trên màn ảnh những tượng sáp vô hồn. Đây là điều tối kỵ của phim ảnh bởi nghệ thuật rất cần những cái đẹp đa dạng để tạo ra nét “thật” và “đời”.  
 
Theo PNO

Đọc thêm các bài khác