Sau hơn ba tuần công chiếu, bộ phim "Lật mặt: 48h" của Lý Hải vượt mốc 150 tỷ đồng - theo số liệu của Box Office Việt Nam, đơn vị quan sát phòng vé độc lập.
Tác phẩm đạt doanh thu cao nhất trong series của Lý Hải, là phim Việt ăn khách thứ hai từ đầu năm (sau Bố già của Trấn Thành, hơn 400 tỷ). Bốn phần Lật mặt trước đó của anh cũng đạt thành công lớn về thương mại khi thu về tổng cộng hơn 350 tỷ đồng. Sáu năm lấn sân điện ảnh, đạo diễn sinh năm 1968 nghiễm nhiên trở thành một trong những nhà sản xuất thành công nhất phòng vé, mở ra khuynh hướng làm phim thương hiệu (franchise) trên màn ảnh Việt.
Điểm chung trong series Lật mặt của Lý Hải là tính giải trí cao, nội dung từng phim tách biệt nhau. Lật mặt 1 (2015) là chuyến phiêu lưu của Khải (Lý Hải) - chàng công nhân vô tình tìm được viên kim cương và Toàn (Trường Giang) - anh xe ôm hài hước. Sang phần hai Phim trường (2016), cũng với công thức hài - hành động, đạo diễn chọn câu chuyện về cặp anh em bị lừa đi săn lâm sản quý, chịu cảnh giang hồ truy sát.
Lý Hải và Trường Giang trong Lật mặt 1
Poster phim Lật mặt 2: Phim trường
Ở phần ba Ba chàng khuyết (2018), Lý Hải hướng đến đề tài tình cảm gia đình khi kể hành trình tìm mẹ của Tâm - chàng trai khuyết tật (Song Luân). Với phần bốn Nhà có khách (2019), đạo diễn chuyển sang thể loại hài - kinh dị, cốt truyện xoay quanh một nhóm bạn thân đi chơi xa, phát hiện các hiện tượng bí ẩn trong nhà một thành viên. Ở phần mới nhất - dự án có kinh phí lớn nhất series, anh tăng chất hành động, đánh đấm với các màn võ thuật, truy đuổi tại nhiều bối cảnh, từ TP.HCM đến loạt tỉnh miền Tây.
Nhiều người trong giới làm phim cho rằng, sức hút từ phim Lý Hải nằm ở sự bình dân, gần gũi. Theo dõi series, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (phim Bằng chứng vô hình) đánh giá Lý Hải thường không cố nhồi nhét nội dung đao to búa lớn mà chọn cốt truyện đơn giản, hướng đến số đông khán giả. Chẳng hạn, khi xem phần ba, anh tâm đắc cách đạo diễn sắp xếp tình tiết nhóm bạn bị tội phạm rượt đuổi nhằm tạo độ căng thẳng, ngay sau đó chọc cười khán giả bằng những câu thoại hài hước của Huy Khánh, Kiều Minh Tuấn. Với phần năm, Lý Hải khắc họa câu chuyện điển hình dù không mới về tình cảm gia đình: một cựu võ sĩ quyết tâm bảo vệ vợ con trước hiểm nguy dù luôn bị đám giang hồ đe dọa tính mạng.
Dàn diễn viên chính của phim Lật mặt 3: Ba chàng khuyết
Đặc trưng của phim Lý Hải sản xuất là không sử dụng ngôi sao phòng vé làm diễn viên chính. Ở hai phần đầu, anh tự đóng chính và đảm nhận các pha hành động. Từ phần ba, đạo diễn lùi lại ở vị trí sản xuất, chỉ tham gia vai phụ, câu chuyện trong phim giao cho các diễn viên trẻ. Phim của anh đôi khi không có vai chính, mà "đất" diễn được san đều cho nhóm nhân vật, chẳng hạn phần Nhà có khách với bộ ba Mạc Văn Khoa, Huy Khánh, Hoàng Mèo. Lý Hải thường chủ đích chọn diễn viên hợp vai thay vì dựa vào độ nổi tiếng. Với Lật mặt 5: 48h, anh mời Võ Thành Tâm - một diễn viên từng vắng bóng nhiều năm do thất nghiệp - từ Mỹ về nước đóng phim, với yêu cầu diễn viên phải tự đảm nhận toàn bộ cảnh hành động. "Dù không có ngôi sao, phim Lý Hải hiếm khi mắc lỗi về diễn xuất nhờ khâu casting hợp lý, diễn viên tương tác tốt với nhau", Trịnh Đình Lê Minh nhận xét.
Cảnh trong Lật mặt 4: Nhà có khách
Sự nghiêm túc, đầu tư chu đáo khâu tiền kỳ cũng giúp phim Lý Hải tạo thiện cảm với đa số người xem. Anh Poly - một người làm phim lâu năm ở TP.HCM - cho rằng Lý Hải nghiên cứu khá kỹ yếu tố tập quán - văn hóa ở những bối cảnh anh dự định quay. Khi xem Lật mặt 5, anh thích thú khi đạo diễn tái hiện cảnh đua xe lôi ở Châu Đốc (An Giang) - hình ảnh hiếm thấy ở miền Tây nhiều năm nay, hay chi tiết nhân vật sử dụng cây xăm gạo làm vũ khí. "Đó là bản sắc cuộc sống - điều nhiều phim Việt hiện tại bị thiếu. Để có những tình tiết này, người làm phim phải vận dụng ngay trong giai đoạn sáng tác kịch bản, đồng thời phải có vốn sống, cụ thể ở đây là văn hóa miền Tây những năm 1990 trở về trước", anh nói.
Lật mặt 5: 48h đã vượt mốc doanh thu 150 tỷ đồng
Lý Hải tự nhận là tay ngang khi bước chân vào lĩnh vực sản xuất phim ảnh. Tốt nghiệp khóa kịch trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM), đầu thập niên 1990, anh bước chân vào nghề hát vì thất nghiệp, không có vở diễn. Sau nhiều năm lận đận, đầu những năm 2000, anh bắt đầu nổi tiếng với album nhạc phim Trọn đời bên em. Sự kết hợp giữa các tiểu phẩm hài và bản hit nhạc trẻ giúp anh trở thành ngôi sao khi ấy, đặc biệt ở thị trường miền Tây Nam bộ. Thấy ý tưởng làm MV nhạc phim đem lại nhiều hứa hẹn, năm 2010, anh quyết định rời sân khấu, tập trung chuyển hướng sang mảng đạo diễn.
Ba năm đầu, Lý Hải dành để học. Anh ở ẩn, tìm ôn nhiều tư liệu liên quan đến điện ảnh để học cách làm phim. Không chỉ mày mò đọc sách trong nước, anh nhờ Minh Hà - vợ mới cưới khi đó - dịch các tài liệu quay phim của Hollywood. Mỗi ngày, Lý Hải xem ít nhất một phim. Đến cảnh tâm đắc, anh bấm dừng và ghi chép vào sổ, đặt những câu hỏi: Vì sao đạo diễn dùng câu thoại ấy, khung hình đó mang ý nghĩa ra sao... Xem hết phim, anh tìm hiểu các video hậu trường trên Youtube và chuyển sang nghiên cứu VFX (kỹ xảo điện ảnh).
Từ ca sĩ thị trường, Lý Hải trở thành đạo diễn với loạt phim chiếu rạp Lật mặt đạt tổng doanh thu hơn 500 tỷ đồng
Theo Lý Hải, chỉ khi hết mình với tác phẩm, dự án mới đảm bảo thành công. Có êkíp với hàng trăm người, anh chọn cách tự theo dõi từng khâu, từ thực thi kịch bản tại hiện trường đến công đoạn trang điểm, phục trang. Dù thuê đơn vị âm thanh riêng, anh vẫn theo sát để đảm bảo tính chính xác cho phân cảnh, chẳng hạn: tiếng đấm, đá vào mặt khác vào bụng, lưng ra sao. Anh học dựng phim để cùng chuyên gia cắt gọt từng cảnh. Có những hôm, ba, bốn giờ sáng, chuẩn bị đi ngủ, phát hiện một phân cảnh có thể chỉnh hay hơn, anh liền bật dậy, vào phòng dựng tự sửa.
Lý Hải thừa nhận phim anh mắc nhiều "sạn", thiếu ngôn ngữ điện ảnh, kịch bản còn lỏng lẻo. Mỗi lần phim ra mắt, nhiều tuần liền, anh đến rạp xem, thăm dò phản ứng khán giả, từ đó rút kinh nghiệm cho dự án tới. Lý Hải nói: "Lúc tôi mới chuyển sang đạo diễn, nhiều người coi thường vì tôi không có chuyên môn. Sau 6 năm, không ít người tưởng tôi vẫn là ca sĩ. Việc định danh với tôi không quan trọng. Khi đi quay ở miền Tây, tôi được bà con yêu quý, hỗ trợ. Tôi thích điều đó hơn vì đã tạo được dấu ấn trong lòng công chúng, dù sau này tôi có làm nghề gì, ở vai trò nào đi nữa".
Theo VnExpress