Diễn viên, ca sĩ và 'canh bạc' đầu tư phim tiền tỷ chiếu rạp

Đăng lúc: 8:40 am, Ngày 02/09/2015

Đầu tư thời gian, tiền bạc với con số lên đến hàng tỷ đồng vào các phim điện ảnh, nhiều nghệ sĩ xem chuyện lời, lỗ ở các dự án là chuyện phải dám đặt cược.

Làng điện ảnh Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều nghệ sĩ trực tiếp đầu tư sản xuất, tham gia các khâu trong quá trình làm phim. Có thể kể đến những tên tuổi như Hoài Linh, Tấn Beo, vợ chồng Dustin Nguyễn - Bebe Phạm, Kathy Uyên, Đức Thịnh - Thanh Thúy, Ngô Thanh Vân, Trương Ngọc Ánh, Trần Bảo Sơn, Hồng Ánh, Lương Mạnh Hải... Không chỉ vậy, danh sách này còn được bổ sung các gương mặt vốn ở lĩnh vực ca nhạc, người mẫu như ca sĩ Lý Hải, Thủy Tiên, Ưng Hoàng Phúc - Kim Cương, người mẫu Ngọc Trinh...

Đa số là những gương mặt đã có thời gian gây dựng tên tuổi trên phim trường nói riêng và làng giải trí nói chung trước khi quyết định đầu tư thời gian, huy động vốn hoặc chi tiền túi sang phim ảnh.
Diễn viên, ca sĩ và 'canh bạc' đầu tư phim tiền tỷ chiếu rạpTừ trái qua: ca sĩ Thủy Tiên, diễn viên Thanh Thúy, người mẫu Ngọc Trinh đều đang bước sang lĩnh vực sản xuất phim, đầu tư tiền tỷ cho dự án phim chiếu rạp của mình.

Đặt chân vào lĩnh vực mới, các nghệ sĩ đều chung nhận xét rằng thị trường phim Việt đang có "đất sống". Mùa Tết Ất Mùi vừa qua có năm phim Việt ra rạp và lượng suất chiếu phim Việt ở các rạp cao hơn các phim ngoại. Các nhà đầu tư kinh doanh về rạp đông, lượng khán giả Việt Nam tới xem phim trong nước ngày càng nhiều...

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận nhiều nghệ sĩ trong nước hiện nay hăng hái đến với điện ảnh vì tình yêu nghề. Trương Ngọc Ánh có gần 20 năm gắn bó với điện ảnh. Thanh Thúy có 15 năm là một diễn viên chuyên nghiệp. Họ đều xem việc đi làm nhà sản xuất phim như bước phát triển tiếp nối cho hoạt động nghệ thuật. "Nếu chỉ là một diễn viên, tôi rất khó để tạo ra những bộ phim như ý", Trương Ngọc Ánh nói.

Đi làm phim, người nghệ sĩ có thêm cơ hội chứng tỏ được sự năng động, chủ động làm mới bản thân trong mắt khán giả. Họ cũng có cơ hội thu hút lượng fan của mình đến ủng hộ phim, cũng như có thêm lượng khán giả mới.

"Nhìn chung, mọi người đang rất ủng hộ phim Việt Nam và thị trường dành cho điện ảnh đang phát triển đều, đẹp", Ưng Hoàng Phúc - người đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho phim Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc - nhận xét. Các nhân tố nói trên khích lệ nghệ sĩ mạnh dạn đầu tư tiền tỷ trong lĩnh vực mới mẻ.

Phim Tết Ngày nảy ngày nay của Ngô Thanh Vân sản xuất và lên ý tưởng cùng học trò có kinh phí ước tính khoảng 12 tỷ đồng. Phim chiếu rạp Ma dai của vợ chồng Đức Thịnh - Thanh Thúy "ngốn" khoảng 10 tỷ đồng. Phim Vòng eo 56, đang trong giai đoạn tiền kỳ, của người mẫu Ngọc Trinh được dự trù kinh phí hơn 18 tỷ đồng. Ca sĩ Thủy Tiên quyết định chi 10 tỷ đồng tiền túi của hai vợ chồng đầu tư phim Điệp vụ ba lờ - dự án phim đầu tay của cô. Á hậu Hoàng My - đồng sản xuất phim Tèo Em phần hai - cũng tiết lộ phần tiếp theo của phim hài này được đầu tư hơn 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc cân bằng giữa "máu nghệ sĩ" và quản lý môi trường làm việc tập thể như phim trường là điều không dễ với nhiều người.

Ông "bầu" Phước Sang bộc bạch có "lâm trận" mới biết làm phim là lĩnh vực đầy rủi ro, thử thách. "Bao nhiêu khó khăn vất vả không kể hết giăng tứ phía. Đến khi ra phim trường, đoàn phim là một tập thể rất rộng lớn, nếu không khéo quản lý hoặc không may mắn, không kiểm soát đến mọi tình huống thì dễ xảy ra nhiều chuyện", Phước Sang nói.

Diễn viên Trương Ngọc Ánh tâm sự rằng khi là diễn viên, chị chỉ việc nghiên cứu kỹ kịch bản, đến trường quay hóa thân hết mình vào nhân vật là xong phần việc của mình. Còn với công việc sản xuất, chị phải lo từ khi "đứa con" chưa thành hình hài, từ những ý tưởng kịch bản, đôi khi chỉ là vài chi tiết nhỏ lẻ và nuôi nấng nó dần lớn lên thành tác phẩm. "Rồi còn phải làm tiền kỳ, hậu kỳ, lo làm việc với đạo diễn, các thành phần đoàn phim. Lo tìm kiếm kinh phí, tài trợ. Lo làm việc với bên phát hành, với đội ngũ quảng bá. Tất cả mọi thứ là một guồng quay đôi khi khiến tôi hơi mệt mỏi", nữ diễn viên nói về áp lực của vai trò mới.
Diễn viên, ca sĩ và 'canh bạc' đầu tư phim tiền tỷ chiếu rạpTrương Ngọc Ánh và đạo diễn Cường Ngô lần thứ ba hợp tác trong một phim mới. Ảnh: Zun Phan.

Bài toán kinh doanh trong thị trường phim ảnh là vấn đề đau đầu với nhiều nghệ sĩ. "Kinh doanh phim không dễ tí nào, nếu không muốn nói là lĩnh vực đầu tư quá rủi ro. Chính vì thế, các nhà sản xuất thường hùn vốn chung để chia sẻ các rủi ro đó", Trương Ngọc Ánh chia sẻ.

Đạo diễn Phước Sang gọi đùa đầu tư lĩnh vực này cũng như một "canh bạc" mà người chơi phải dám đặt cược, kết quả thu về không phải lúc nào cũng như dự kiến. Có phim kinh phí không thuộc hàng "khủng" nhưng lại trụ rạp tốt và gặt hái doanh thu, hoặc ít nhất không bị lỗ. Nhưng có phim được đầu tư hoành tráng, quảng bá rầm rộ thì lại nhận sự thờ ơ của khán giả, khiến nhà sản xuất "méo mặt" vì không thu hồi được vốn.

Dustin Nguyễn từng làm đạo diễn cho bộ phim Lửa Phật với kinh phí khoảng 18 tỷ đồng, do một đơn vị phát hành phim đầu tư nhưng thất bại lớn về doanh thu. Sau đó, anh tách ra làm phim Trúng số - do vợ anh là Bebe Phạm sản xuất. Phim này kinh phí không cao so với mặt bằng chung nhưng nhận được sự phản hồi tốt từ khán giả, giới chuyên môn, đứng thứ hai về doanh thu phim Tết 2015.
Diễn viên, ca sĩ và 'canh bạc' đầu tư phim tiền tỷ chiếu rạpPhim Trúng số không được đầu tư kinh phí quá lớn nhưng thắng về nội dung, dàn dựng và diễn xuất của diễn viên.

Bộ phim Đường đua phát hành năm 2013 của Hồng Ánh là "kỷ lục buồn" cho phim Việt khi bị "bay" khỏi nhiều cụm rạp lớn chỉ sau một tuần ra mắt. Gần đây, bộ phim Hy sinh đời trai do Trần Bảo Sơn sản xuất, dù quy tụ dàn diễn viên tên tuổi, sau ngày công chiếu vẫn sớm "văng" ra khỏi rạp khi chất lượng phim không thỏa mãn người xem.

Điều đó cho thấy câu chuyện thành công hay thất bại của một phim không chỉ nằm ở số tiền đầu tư mà còn ở sự hài hòa nhịp nhàng của rất nhiều yếu tố: nội dung - kịch bản phim, bàn tay đạo diễn, khâu sản xuất - quảng bá phim, chọn thời điểm ra rạp... và cả sự may mắn. Trong đó, điều kiện tiên quyết là phim hay hoặc đáp ứng được thị hiếu người xem.

"Khán giả bây giờ rất chủ động, thêm nữa họ cũng nắm được các nhận xét, phê bình về phim từ rất nhiều kênh thông tin trước khi bước vào phòng chiếu. Vì vậy, với một bộ phim bị chê, thì đừng nói kinh phí bỏ ra bao nhiêu, mà ngay cả tiếng tăm của người đầu tư, sản xuất cũng có thể tiêu tan chỉ trong vài ngày", diễn viên Thanh Thúy chia sẻ.

Để có giải pháp an toàn về doanh thu, nhiều nghệ sĩ chọn thể loại phim hài, hoặc hài kết hợp hành động để sản xuất. Có người tìm kiếm lợi nhuận theo tiêu chí "nhanh - gọn - nhẹ" (làm nhanh, kinh phí gọn, nhẹ nhàng thu tiền). Đây là nguyên nhân khiến nhiều phim điện ảnh chiếu rạp có chất lượng chưa cao, nhiều khi còn sơ sài, vụng về.

"Một số nghệ sĩ giữ tâm lý mình giỏi sẽ không bị 'chết'. Ai cũng cho rằng mình nắm được bí quyết làm phim ăn khách. Điều này góp phần làm ra phim thảm họa. Ra rạp xong, nhà sản xuất thì mất tiền, êkíp mất tên và uy tín. Thậm chí, dù đoàn phim không thua lỗ vì có một bộ phim đáp ứng được thị hiếu khán giả thì họ vẫn có thể mất nhiều thứ: sự kính trọng của đồng nghiệp, niềm tin vào tài năng - tâm huyết vực dậy nền điện ảnh còn non trẻ của Việt Nam và tình cảm của khán giả", một đạo diễn tên tuổi nhận xét.

Dù làm phim vất vả, khó khăn, có thể lỗ vốn hoặc không may dẫn đến phá sản như trường hợp nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín, đã và đang có nhiều người tìm đến lĩnh vực này. Phước Sang lý giải đó là vì "ma lực" của điện rất khó cưỡng.

"Trong làng phim Việt hôm nay, không ít cảnh nghệ sĩ đi làm phim vì 'con gà tức nhau tiếng gáy'. Thấy người ta làm được thì nghĩ mình cũng sẽ làm được. Tất nhiên, càng đông người đầu tư vào lĩnh vực này thì khán giả càng có thêm lựa chọn, thị trường sẽ sôi động, nhiều sức cạnh tranh hơn. Nhưng sự phát triển hiện nay vẫn cho thấy nghệ sĩ Việt chưa có kế hoạch bài bản để đi đường dài với điện ảnh", Phước Sang nhận định.
 
Thoại Hà/Theo VnExpress

Đọc thêm các bài khác