Hàng loạt suất diễn phải hủy vì vé bán ế ẩm và một số sân khấu có nguy cơ đóng cửa... Đến thời điểm này, sân khấu TP.HCM, đặc biệt là sân khấu xã hội hóa, có thể nói đã đến mức báo động đỏ...
Khán giả không chịu mua vé
Cuối tháng 10, tại sân khấu Trần Cao Vân, kịch Idecaf diễn lại vở kịch 12 bà mụ. Lý ra đây là vở nằm trong chùm bốn vở diễn từng tạo được tiếng vang (Ngàn năm tình sử, 12 bà mụ, Bí mật vườn lệ chi, Vua thánh triều Lê) mà ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Idecaf lên kế hoạch dàn dựng lại để công diễn tại nhà hát Bến Thành nhân dịp sân khấu này kỷ niệm 20 năm thành lập.
Tuy nhiên, sự kiện này cuối cùng phải hủy bỏ vì không thể tập trung được nghệ sĩ. 12 bà mụ diễn lại cũng đã là cả một sự nỗ lực và buộc phải thu nhỏ, thay vai một vài vai diễn. Ba vở còn lại bao giờ tái diễn thì vẫn còn bỏ ngỏ...
Ông Tuấn tâm sự: “Khi lên kế hoạch tập dợt lại các vở kể trên thì rất nhiều diễn viên báo kẹt lịch, cảm giác của tôi rất là giận, giận lắm! Bởi chính sân khấu đào tạo, làm nên tên tuổi nghệ sĩ, vậy mà với một sự kiện, một dấu mốc quan trọng của sân khấu, họ lại bận chạy sô không thể tham gia!”.
Sân khấu Hồng Vân cũng vừa kỷ niệm 15 năm thành lập nhưng tình hình không mấy sáng sủa. Ba vở được dàn dựng vào dịp này gồm: Người đàn bà uống rượu, Đàn bà... mấy tay? và Ảnh ảo, trong đó Người đàn bà uống rượu được đánh giá cao, đoạt huy chương tại hội diễn rốt cuộc cũng không thể sắp được lịch diễn vì khán giả không chịu mua vé.
Hai vở diễn còn lại, một vở đề tài kinh dị, một vở thuộc dòng kịch văn học có nhiều mảng miếng đáp ứng thị hiếu khán giả nhưng cũng chỉ bám trụ được một cách khá khó khăn.
Đạo diễn Ái Như trong Vở Bao giờ sông cạn trên sân khấu Hoàng Thái Thanh.
Từng có một tín hiệu vui khi sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh ra mắt vở kịch mới Bao giờ sông cạn. Những xuất diễn đầu tiên khán giả gần như kín chỗ khi đến với một câu chuyện cảm động về tình yêu, nghĩa vợ chồng. Nhưng đạo diễn Ái Như lại không tỏ vẻ lạc quan:
“Trong tình hình này mà Bao giờ sông cạn được sắp lịch diễn sáu suất một tháng đối với sân khấu chúng tôi là một việc phi thường, bất ngờ. Có khán giả xem xong nhắn tin chúc mừng, tôi đọc tin nhắn mà rớt nước mắt vì tôi biết đó chỉ là bề mặt bên ngoài, nhất thời, không biết sẽ kéo dài được bao lâu.
Nó giống như giấc mơ giữa ban ngày, một chút vậy thôi. Bởi có khá nhiều vở ở Hoàng Thái Thanh cũng từng rất hot nhưng tới giờ vẫn rơi vào cảnh đìu hiu. Sân khấu ngày càng khó khăn, khó gấp ba lần những năm trước đây”.
Không thương thì đã buông!
Thông tin liên tục hủy suất diễn, trả vé không còn là chuyện lạ ở các sân khấu xã hội hóa hiện nay. Sân khấu Hoàng Thái Thanh có sức chứa khoảng 400 ghế, một suất diễn nếu bán được 150 vé thì may ra mới đủ chi phí, thế nhưng hiện tại nhiều suất diễn ở sân khấu này chỉ bán ra từ 50 đến 100 vé.
“50 vé trở xuống là không thể diễn nổi, nhưng cũng có suất chỉ khoảng 40 vé chúng tôi vẫn cắn răng diễn, thương khán giả đã đến xem nên không nỡ hủy. Nhưng hiện tại việc hủy diễn càng lúc càng dày, vì càng diễn càng lỗ” - nghệ sĩ Ái Như nói.
Bà bầu của sân khấu Hồng Vân thì cho biết: “Mọi năm hủy một suất diễn là chuyện ghê gớm lắm, nhưng thời gian vừa qua chúng tôi cũng phải hủy vài ba suất”.
Ông bầu Vũ Văn Long của sân khấu Nụ cười mới cũng than thở: “Ngày xưa mỗi tuần sân khấu diễn các ngày thứ năm, sáu, bảy, chủ nhật, bây giờ may lắm thì còn được thứ sáu, bảy, chủ nhật mà chỉ là suất tối thôi, chứ suất chiều thứ bảy và chủ nhật cũng đã ngưng từ lâu. Riết thấy buồn quá!”.
Sau gần hai năm ra đời sân khấu Sao Minh Béo, Minh Béo phải bù lỗ cho sân khấu này gần 4 tỉ đồng. Trong ảnh: vở Sông chờ được sân khấu này dàn dựng với mong muốn đi theo phong cách dòng kịch Kim Cương - Ảnh: Nguyễn Lộc
Sân khấu Sao Minh Béo sắp tròn hai năm ra đời. Chỉ ngần ấy thời gian thôi mà Minh Béo đã phải bù lỗ cho sân khấu này gần 4 tỉ đồng.
Anh cho biết: “Hằng tháng chúng tôi phải trả tiền mặt bằng cả trăm triệu, mỗi suất diễn chưa gì hết đã thấy mất 10 triệu đồng rồi. Mỗi đêm chỉ có 40 - 50 vé thì lấy đâu tiền trả cho ngôi sao. Bây giờ tôi đi ra ngân hàng chỉ có... rút tiền chứ không có gửi.
Tạng người của tôi rất khó xuống ký, vậy mà “nhờ” tình hình khủng hoảng này tôi đã sụt hơn 15 ký. Tôi kiếm đủ cách để có tiền lo cho sân khấu, cho thuê lại mặt bằng vào những ngày không diễn để quay game show, chương trình truyền hình, thậm chí giờ người ta mời hát tiệc tôi cũng nhận miễn là có tiền đắp vào sân khấu.
Đi ra ngoài gặp nhiều người hỏi mỉa “Chết chưa?” hay “Sao chưa chịu buông nữa?”, nghe đau lòng lắm. Tôi nói thiệt, giờ ai mà còn trụ được với sân khấu đều là vì lòng đam mê nghề, thương nghề chứ không thì đã buông cho nhẹ gánh rồi!”.
Rõ ràng, hầu hết sân khấu xã hội hóa hiện nay tại TP.HCM đều trong tình trạng phải gồng, như nghệ sĩ Ái Như chia sẻ: “Năm năm thành lập sân khấu Hoàng Thái Thanh, đến nay chúng tôi đều phải gồng, nhưng thời còn ở Nhà Thiếu nhi TP thì gồng ít hơn, từ khi về Nhà Thiếu nhi Q.10 chúng tôi phải gồng gấp đôi.
Anh em nghệ sĩ cũng có hiểu, có thông cảm nhưng một, hai suất thôi, chứ bắt họ gồng với mình mãi sao chịu nổi, họ cũng cần có tiền để trang trải cuộc sống nữa chứ!”.
Để mong thu hút khán giả đến rạp, hầu hết sân khấu TP đều chọn giải pháp tham gia các trang mua bán trực tuyến hotdeal, mua chung... để bán vé giảm giá, sân khấu Idecaf cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, lượng vé bán ra cũng không tăng là bao.
Bị động với điểm diễn
Ông Trần Ngọc Giàu, chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, nhìn nhận: “Hiện nay chúng ta đang bị cùng kiệt, nói chung chúng ta đang thiếu những vở diễn có hình thức mới đáp ứng nhu cầu của khán giả.
Như những vở kịch kinh dị đang trong tình trạng ăn quẩn cối xay, cũng chỉ đèn đóm, ánh sáng, âm thanh ầm ầm, nội dung không có gì mới, riết khán giả họ quen, họ thấy nhàm chán.
Để đến xem một vở diễn dài hai giờ vừa tốn tiền vừa mất thời gian (mà thời gian hiện tại rất quý báu), trong khi các phương tiện truyền thông cực kỳ phát triển, ở bất cứ nơi đâu họ cũng có thể xem được chương trình mình yêu thích, chỉ cần một chiếc điện thoại bỏ túi.
Các sân khấu xã hội hóa toàn bộ là thuê mướn địa điểm nên các ông bầu, bà bầu rất bị động, không dám phiêu lưu cải tạo, đầu tư cho sân khấu, vì vậy một vở diễn chủ yếu vẫn dựa vào nội dung và tài năng của diễn viên, còn các yếu tố hỗ trợ, phụ trợ rất thiếu và yếu”.
Linh Đoan/Theo Tuổi trẻ