Theo quay phim Lý Thái Dũng, máy quay chỉ có thể đưa những cảnh đẹp lên phim, còn những cảnh quá đẹp thì đến điện ảnh cũng phải… bất lực.
Là một trong những nhà quay phim hàng đầu của điện ảnh Việt Nam, Lý Thái Dũng đã “tung hoành” từ Nam ra Bắc tìm bối cảnh cho nhiều bộ phim suốt những năm 90. Theo anh, điện ảnh Việt xưa nay luôn tôn vinh hình ảnh đất nước với những vẻ đẹp khác nhau theo từng thời đại.
Điện ảnh Cách mạng với những Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng 10, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm… mang đến một Việt Nam vừa mạnh mẽ, kiên cường vừa giản dị, gần gũi.
Điện ảnh thời hiện đại ngày càng ý thức hơn về việc quảng bá vẻ đẹp đất nước. Người xem có thể bắt gặp những đồng lúa thẳng cánh cò bay ngập sắc vàng trong Cánh đồng bất tận (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình), có thể choáng ngợp trước núi non hùng vĩ trong Thiên mệnh anh hùng (đạo diễn Victor Vũ), có thể đắm chìm trong sắc vàng hoa cải cheo leo nơi sườn núi Tây Bắc trong Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải), và gần đây nhất, khán giả đã phải choáng ngợp trước cảnh sắc tuyệt đẹp của tỉnh Phú Yên trên những thước phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ).
Nhiều bối cảnh quay phim Chuyện của Pao đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng sau khi phim công chiếu.
Trước những thước phim đẹp, quay phim Lý Thái Dũng chia sẻ quan điểm: “Sau bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, phim Việt sẽ đẹp theo một cách khác. Từ đây, nhu cầu thưởng thức về mặt hình ảnh của khán giả sẽ khác đi, và việc chăm chút hình ảnh - cảnh quay cho các nhà làm phim sẽ tăng lên. Như tôi biết, sau bộ phim, rất nhiều khách du lịch đã đến Phú Yên. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Điện ảnh chắc chắn là một kênh quảng bá du lịch hiệu quả”.
Quay phim Lý Thái Dũng lấy ví dụ về điện ảnh Hàn Quốc đã từng là sự cứu cánh ngoạn mục cho du lịch xứ kim chi. Từ những bộ phim Hàn, một làn sóng hâm mộ văn hóa, ẩm thực, thời trang Hàn đã phủ khắp châu Á. Người dân các nước đổ xô đến Hàn Quốc để thưởng mùa lá đỏ, ăn kim chi, uống rượu Soju… Hàn Quốc nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất châu Á, chỉ bằng những bộ phim truyền hình dài tập.
Anh cho rằng, “Việt Nam còn có những cảnh đẹp khiến các nhà quay phim bất lực. Điện ảnh chỉ có thể tác động đến 2 giác quan là nghe và nhìn của khán giả. Trong khi đứng trước thiên nhiên, chúng ta có đến 5 giác quan để cảm nhận. Chính vì thế, có những cảnh đẹp đến mức, không một quay phim nào có thể lột tả được. Tôi cho rằng, đất nước ta đẹp vô cùng, trải dài từ Bắc vào Nam. Các nhà làm phim Việt có thể thỏa sức quay, thỏa sức sáng tạo”.
Những thước phim đẹp của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Trước thông tin, đoàn làm phim King Kong 2 sẽ đến quay tại Ninh Bình (Việt Nam) vào đầu năm 2016, quay phim Lý Thái Dũng khẳng định đó là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước với thế giới. Rất nhiều nơi đã trở thành điểm đến của đông đảo khách du lịch sau khi trở thành bối cảnh một phim bom tấn Hollywood.
Đã có nhiều đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam quay, có thể kể đến: Đông Dương, Người Mỹ trầm lặng, Người tình (Pháp), Cô con gái ông chủ vườn thuốc (Trung Quốc), gần đây nhất là Pan (Mỹ) và sắp tới là Kong: Skull Island (King Kong 2).
Nhưng, việc quảng bá được hình ảnh đất nước đến đâu, việc để lại ấn tượng với các bạn nước ngoài như thế nào, việc có thể khiến du lịch có những bước tiến nhảy vọt hay không lại phải đợi vào câu trả lời của ngành Du lịch.
Hào Hoa/Theo Zing