Nhiều khán giả muốn được nghe ca khúc mà họ yêu thích ở định dạng CD vì chất lượng chuẩn và quan trọng hơn là muốn lưu giữ một sản phẩm âm nhạc mà họ yêu thích như kỷ vật giá trị.
Hàng loạt album nhạc bằng định dạng CD truyền thống của nhiều ca sĩ ra mắt công chúng yêu nhạc trong 3 tháng đầu năm 2016 như thách thức với xu hướng phát hành online qua hình thức số hóa đang thịnh hành hiện nay.
Nhạc xưa - album CD
Điểm nổi bật của những album này chính là khai thác màu sắc nhạc xưa đang thu hút công chúng yêu nhạc, được giới chuyên môn đánh giá có chất lượng bởi giá trị tự thân từ ca khúc lẫn người hát mang lại.
Nếu các ca sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc trẻ chỉ quan tâm đến thị trường nhạc số, với sức lan tỏa mạnh mẽ và nguồn thu mang lại không nhỏ thì các ca sĩ khai thác dòng nhạc xưa quan tâm hơn đến thị trường CD, nơi có một lượng lớn người nghe nhạc vẫn trung thành với phương tiện nghe truyền thống qua đĩa nhạc. Nhạc xưa - album CD trở thành cặp đôi sánh bước trên thị trường đĩa nhạc hiện nay.
Trong buổi giới thiệu album Dạ khúc cho tình nhân (gồm những ca khúc của Phạm Duy và Lê Uyên Phương) và album Cho lần cuối của mình vừa mới phát hành tại Đường sách TP HCM, ca sĩ Lê Uyên tỏ ra bất ngờ khi 2 album này lại thu hút nhiều khán giả đến thế. Chị bảo: “Tôi nghĩ chỉ có khán giả thế hệ của mình mới biết nhạc của chúng tôi nhưng nhiều bạn trẻ đến dự đã nói cho tôi nghe nhiều điều mà họ cảm nhận được từ âm nhạc của chúng tôi”.
Những ấn phẩm album CD nhạc phát hành trong những tháng đầu năm nay.
Ngoài những giọng ca xưa như Khánh Ly, Lê Uyên..., một số giọng ca trẻ theo dòng nhạc xưa cũng đã làm phong phú thị trường album nhạc với những CD nhạc xưa được công chúng yêu thích. Trọng Bắc giới thiệu album Kỷ niệm xanh xao với những bản tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy. Nguyễn Hồng Ân có album Tiếng hát hòa bình với 8 ca khúc da vàng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong đó có những bài lần đầu tiên được thu âm trong nước như Đôi mắt nào mở ra, Chờ nhìn quê hương sáng chói, Dựng lại người, dựng lại nhà... Nguyễn Hồng Ân nói: “Những ca khúc da vàng đã ghi dấu ấn quá sâu đậm trong sự nghiệp của Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly. Lâu nay, chưa có ai thực hiện một album về ca khúc da vàng ngoài cô và nữ ca sĩ Lê Uyên. Vì vậy, tôi muốn lưu giữ lại tinh thần của Trịnh Công Sơn trong những ca khúc da vàng qua cảm nhận của một người trẻ đương thời”.
Ca sĩ Xuân Phú có album Đời đá vàng với những ca khúc Vũ Thành An và chọn ca khúc Tình tự mùa xuân (Từ Công Phụng) làm chủ đề cho album tuyển tập những ca khúc nhạc xưa bất hủ của mình. Ca sĩ Đức Tuấn cũng vừa ra mắt album nhạc truyền thống cách mạng Bài ca không quên với những ca khúc đi vào lòng người nhiều thế hệ: Tình ca (Hoàng Việt), Tự nguyện (Trương Quốc Khánh), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp), Vàm Cỏ Đông (Trương Quang Lục), Bài ca không quên (Phạm Minh Tuấn)...
Nhà báo - nhà phê bình âm nhạc Minh Đức cho rằng: “Điểm chung của các album này là “đáng nghe bởi sự cộng hưởng của âm nhạc và cả giọng ca, làm nên chất lượng sản phẩm”.
Giá trị kỷ vật
Không thể phủ nhận thị trường băng đĩa bây giờ không sôi động như những thập niên trước cho dù người nghe nhạc qua CD ở Việt Nam hiện nay vẫn chiếm số đông, nhất là những vùng nông thôn, nơi tiêu thụ một sản lượng lớn CD nhạc ăn cắp bản quyền. Mặc dù vậy, những album nhạc xưa được đầu tư chăm chút từ chất lượng âm thanh và cách thức trình bày thẩm mỹ lại được một bộ phận công chúng đón nhận. Nhà sản xuất Viết Tân nói: “Chúng tôi cũng thấy bất ngờ khi những album nhạc xưa này lại được nhiều người nghe đón nhận”.
Minh chứng là 5 album CD phát hành cùng lúc của ca sĩ Khánh Ly đã cháy hàng ngay sau đó. Những album của Tuấn Ngọc, Lệ Thu hay của Quang Dũng - Trần Thu Hà đều được bán sạch khi vừa phát hành, như bà Phan Mộng Thúy (Giám đốc Phương Nam Film) cho hay.
Dù vậy, lượng CD của mỗi album nhạc phát hành được hiện nay chỉ bằng một phần của thời hoàng kim. “Một CD âm nhạc tiêu thụ ở mức 5.000 bản đang là con số mong ước của nhiều nhà sản xuất” - bà Phan Mộng Thúy nói.
Vì vậy, chỉ còn vài đơn vị tham gia kinh doanh trong thị trường này. Trong đó, Phương Nam Film với nhiều sản phẩm ra mắt đều đặn (chủ yếu nhạc xưa), Viết Tân (thỉnh thoảng tham gia một vài sản phẩm cho vui, kiểu thấy giọng hát rất triển vọng nhưng không có nhà đầu tư nên nhảy vào) và TDL - một đơn vị sản xuất mới, đứng đầu là nhạc sĩ Việt Anh với tâm huyết mang đến cho khán giả những sản phẩm âm nhạc đáng nghe.
Nhạc sĩ Đức Trí nói: “Dù biết nhạc số đang là xu hướng và sự đổi mới là điều không tránh khỏi nhưng bản thân tôi cũng thích và khuyến khích phát hành CD truyền thống bởi những ý nghĩa khó diễn đạt thành lời”.
Thực tế, thị trường đĩa nhạc không “chết” bởi nhiều yếu tố. Minh chứng là “những album nhạc xưa phát hành thời gian gần đây vẫn được khán giả đón nhận dù những ca khúc đó đã xuất hiện tràn ngập từ lâu trên mạng và đĩa lậu” - bà Phan Mộng Thúy khẳng định. Nhạc sĩ Việt Anh cho rằng: “Vẫn còn rất nhiều khán giả muốn được nghe ca khúc mà họ yêu thích ở định dạng CD vì chất lượng chuẩn và quan trọng hơn là muốn lưu giữ một sản phẩm âm nhạc mà họ yêu thích thành bộ sưu tập có giá trị kỷ vật”.
Thùy Trang/Theo Người lao động