Như sinh ra trên đầu ngọn sóng thần

Đăng lúc: 9:19 am, Ngày 11/06/2017

"Chắc là do tôi như được sinh ra trên đầu ngọn sóng thần hay trên miệng núi lửa nên đời tôi luôn bị vùi dập, hết quăng lên rồi quật xuống", nghệ sĩ Xuân Hương chia sẻ.

Giữa cơn bão dư luận chưa có hồi kết trên mạng xã hội về chuyện ồn ào với cựu người mẫu Trang Trần, tôi tìm chị định… an ủi và ngỡ sẽ gặp một Xuân Hương đang bồn chồn, bức bối vì tai bay vạ gió; chẳng ngờ chị đã đón tôi với nụ cười tươi tắn và thái độ bình thản như không hề có cuộc… vu vạ đang ầm ĩ. 
 
Tôi nhìn một lượt ngôi nhà rộng rãi của chị, thắc mắc không hiểu chị làm cách nào để lau dọn được hết. Chị cười giải thích, cứ một mình túc tắc làm, hôm nay chỗ này, mai chỗ khác, coi như một cách thư giãn, vừa làm vừa tập thể dục cho khỏe người, đầu óc lại thong thả nghĩ được nhiều thứ. 
 
Hỏi sao chị có thể bình thản như vậy lúc này? Chị nói đơn giản là chị tin vào sự thật, mình không làm thì chẳng có gì lo lắng, dù phải đi đến chân trời nào.
Thái độ của chị bình thản như không hề có cuộc… vu vạ đang ầm ĩ. 

Chuyện ồn ào đó đã xảy đến với chị như thế nào?
 
-Đúng là tai họa từ trên trời rơi xuống. Tự nhiên một hôm có người báo với tôi là Trang Khàn đang chửi chị kìa. Tôi hỏi, Trang Khàn là ai? Là Trang Trần đó! Mà Trang Trần là ai? Tôi lại hỏi.
 
Cuối cùng mới biết, đó là cô cựu người mẫu từng gây dư luận vì sinh sự với công an giao thông ở Hà Nội. Mà chửi cái gì? Tôi thắc mắc. Bởi mình có dính líu gì đến cô ấy đâu. Chửi tục tĩu lắm!
 
Sau đó, lại có người chuyển cho tôi cái clip cô Trang chửi. Thú thật là phải khá lâu sau tôi mới xem thử thế nào. Hóa ra là ai đó đã lấy nick Lê Xuân Hương của tôi vào facebook của cô ấy phê bình cô ấy là “vô văn hóa”, nên cô ấy phản ứng, lại cho rằng người đó là tôi. Nghe mà kinh!
 
Tôi có facebook nhưng chỉ tương tác với bạn bè và khán giả, làm gì có thời gian để vào “nhà” ai. Livestream lại càng không xem. Và tất nhiên, tôi không phải tác giả của chuyện phê bình cô ấy.
 
Chị nghĩ gì về chuyện này?
 
-Nói thật là tôi không biết nói gì, chỉ biết mình không làm gì khiến cô ấy tức giận cả. Trước những lời sỉ nhục rất nặng nề đó, dù không thể bình tĩnh được, nhưng tôi cũng không giận dữ đến mức… điên khùng.
Nghệ sĩ Xuân Hương (ngồi, tóc ngắn) và nhóm Tuổi Trẻ Cười sống năm xưa.
 
Chị phản ứng thế nào khi đã biết rõ chuyện?
 
-Thì cũng phải làm gì đó để chứng minh mình vô can chứ. Tôi đã có những bằng chứng mang tính pháp lý. Rồi trắng đen sẽ rõ, người nào làm thì người đó phải chịu trách nhiệm. 
 
Từ chuyện này, chị nghĩ sao về văn hóa ứng xử của một bộ phận nghệ sĩ trẻ hiện nay?
 
-Tôi không dám phê phán nhưng từ khi tiếp xúc với mạng xã hội, tôi thấy ở đó, bên cạnh những điều đẹp đẽ làm chúng ta cảm động, ngưỡng mộ còn có đầy rẫy những lời thóa mạ nhau rất khủng khiếp, bất kể sự việc thế nào.
 
Trước một vấn đề gây bức xúc, lẽ ra ta phải bình tĩnh xem xét và hoàn toàn có thể đối thoại cho rõ “ngô khoai”, nhưng nhiều người lại chọn cách đối đầu, lại là đối đầu theo kiểu dung tục, nặng về nhục mạ đối phương.
 
Đã vậy, nạn kéo bè kéo cánh cùng chửi bới, lăng nhục người khác đã thành một thứ bệnh truyền nhiễm trong giới trẻ, chứ không riêng gì trong giới nghệ sĩ, lại có khả năng lây lan rất mạnh. Thậm chí, có người còn lầm tưởng đó là một kiểu “anh hùng” dám nói, không sợ ai!
 
Những chuyện như vậy khiến tôi rất băn khoăn về đời sống tinh thần của người Việt Nam. Ngôn ngữ giao tiếp sẽ ảnh hưởng trước hết đến những người trẻ. Văn hóa ứng xử thế nào thì cách sống thế ấy. Một người tử tế không bao giờ dùng những lời lẽ thiếu văn hóa. Tôi lo ngại vì giềng mối văn hóa không còn được như xưa.
 
Rất mong những bậc trí thức, những nhà nghiên cứu văn hóa, những người có trách nhiệm quan tâm hơn đến nhân cách của một lớp người trẻ hiện nay. Ngôn ngữ ảnh hưởng tới hành vi, hành vi ảnh hưởng tới tính cách, tính cách ảnh hưởng tới ứng xử, ứng xử ảnh hưởng tới lối sống, mà lối sống thì ảnh hưởng đến cộng đồng. 
Ngôn ngữ giao tiếp sẽ ảnh hưởng trước hết đến những người trẻ. 
 
Hình như năm nay chị bị “sao quả… vạ” chiếu?
 
-Chắc là do tôi như được sinh ra trên đầu ngọn sóng thần hay trên miệng núi lửa nên đời tôi luôn bị vùi dập, hết quăng lên rồi quật xuống. Mãi thành quen. Nếu thấy có lúc nào đó bình lặng thì tôi hiểu, sự bình yên đó cũng không kéo dài, ngay sau đó sẽ có một trận cuồng phong hay lũ quét ập tới.
 
Tuy nhiên, quen không có nghĩa là tôi dễ dàng chấp nhận mọi thứ bão lũ, có thứ tôi phải đương đầu với nó để còn ngẩng mặt lên. Tôi là tôi chứ không phải là người họ “tưởng”, họ “nghĩ”, họ “muốn”.
 
Nghe đâu chị đã chuẩn bị sẵn sàng cho Những người thích đùa tái ngộ khán giả, nhưng sao mãi vẫn chưa thấy chị khởi động?
 
-Đúng là tôi đã viết xong kịch bản Những người thích đùa với thời lượng diễn khoảng trên 120 phút, dự định sẽ có nhiều cái mới trong dàn dựng, biểu diễn, tiếc là chưa thể thực hiện được do nhiều nguyên nhân. Trong đó, một điều làm tôi e ngại là khán giả bây giờ dường như quá dễ dãi với cái cười, không biết còn bao nhiêu khán giả sẽ cười được với Những người thích đùa của Xuân Hương! Nhưng dù sao, viết xong là cũng đã thỏa mãn được phần nào đam mê và hứng khởi của mình.
 
Chị nghĩ thế nào về hiện trạng sân khấu hôm nay?
 
-Càng nghĩ càng thấy buồn. Sân khấu đang bị thả nổi nhưng nó không “nổi” mà là “chìm”. Kịch bản hay ngày càng hiếm. Những người có tài, có tâm không sống được với nghề, chỉ làm để thỏa đam mê; còn thì kiếm sống bằng thù lao đóng phim hoặc làm những việc khác. Sân khấu là môi trường lý tưởng cho diễn viên rèn nghề. Một diễn viên sân khấu giỏi, khi bước sang phim ảnh sẽ dễ thành công. Tiếc là sân khấu bây giờ không nuôi sống nổi những người gắn bó với nó.
 
Chị là diễn viên Việt Nam hiếm hoi tốt nghiệp ngành nghệ thuật tạp kỹ ở nước ngoài, nhìn lại mấy mươi năm làm việc, chị vận dụng được bao nhiêu phần mình đã học?
 
-Phải thú thật là… rất ít. Nếu dựng được thường xuyên chương trình Những người thích đùa, chắc tôi sẽ vận dụng được nhiều hơn. Tiếc là trước đây, phần lo kiếm cơm, phần phải chăm lo gia đình nên tôi không có thời gian tập trung viết và diễn được nhiều chương trình Những người thích đùa. Cái vốn được học đến giờ vẫn còn rất nhiều, nhưng chắc rồi sẽ thành “mối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”. Khó mà có đất để dụng võ.
Nghệ sĩ Xuân Hương trong vai dì Bảy trong vở Buồn ơi, chào mi.

Hiện chị đang “bận rộn” với điều gì?
 
-Tôi hay nói vui, tuổi của tôi bây giờ là tuổi ăn, tuổi ngủ. Hoạt động nghệ thuật cũng là làm cho vui chứ không vì áp lực “cơm áo gạo tiền”, nên tôi chỉ nhận những công việc mang đến niềm vui cho mình. 
 
Hiện tôi diễn ở sân khấu Hoàng Thái Thanh, thỉnh thoảng viết bài cho báo Tuổi Trẻ Cười. Ngoài ra, tôi đặc biệt có niềm đam mê với chuyện nấu nướng, là khách hàng thân thiết của Phiên Chợ Xanh tử tế. Chợ mở vào thứ Bảy, Chủ nhật, tôi luôn có mặt để mua những sản phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe. 
 
Tôi ngưỡng mộ những người nông dân, những nhà trí thức đã chịu bỏ cái bằng cấp, đem niềm đam mê của mình hướng vào việc nghiên cứu và tạo ra những thực phẩm sạch và ngon. Tôi mua về nấu nướng, post lên để quảng bá cho nhiều người biết, giúp mọi người giữ sức khỏe.
 
Cuộc sống hiện nay của chị thế nào?
 
-Tôi có “ba bà bạn” luôn làm tôi vui mỗi khi nghĩ tới họ là dì Bảy “quậy” trong vở Buồn ơi, chào mi, dì Năm tưng tửng trong Tình như trang giấy trắng và bà Hai “sầu bi” trong Bao giờ sông cạn. Không có gì sung sướng hơn khi đời mình được tận hưởng sự tự do: tự do trong suy nghĩ, trong mọi hành động, không bị ai gò bó, không sợ buồn phiền vì sự tác động của người khác. Tôi vui với bạn bè, vui với nấu ăn, vui với những chuyến đi xa, vui với việc chăm sóc nhà cửa... Nói chung, tôi có nhiều thời gian sống cho mình hơn; suốt ngày bận rộn với “cái chơi” của mình. Tinh thần thoải mái và được sống cho chính mình thì đúng là không có tiền bạc nào bằng. Tôi nghiệm ra rằng, sống trên núi tiền mà gia đình không vui, tinh thần nặng nề thì cũng là con số không, không có giá trị gì cả.
 
Cát Vũ/Theo Phụ nữ TP

Đọc thêm các bài khác