Sau Hương Tràm, ca sĩ Thanh Lam lại làm dậy sóng dư luận về nhận định mang tính xách mé đồng nghiệp của mình.
Ca sĩ Thanh Lam trả lời trên Trí thức trẻ ngày 21/10 có đoạn: "Không có ngành nghề nào không cần phải học cả. Vì khi không có trình độ thực sự thì không khai thác chiều sâu được, nó chỉ hớt váng được lúc đầu thôi. Nhưng trong miền Nam lại nổi lên nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông. Tôi đặt dấu hỏi về điều này…". Nhận định của Thanh Lam lập tức gây phản ứng trái chiều từ dư luận, trong đó phần lớn không đồng tình.
Ca sĩ Thanh Lam.
"Ca sĩ nào hát hay, nổi tiếng và được nhiều người yêu quý, tôi nể phục lắm. Nếu họ không qua trường lớp mà tự học rồi thành công và nổi tiếng thì tôi càng nể phục gấp nhiều lần, vì rõ ràng họ có sở trường thiên phú. Có học bao nhiêu mà hát không ra hồn thì cũng không là gì... Cũng như tiến sĩ giấy, thạc sĩ giấy, có bằng mà cũng kém cỏi đó thôi" - bạn đọc Kim Anh nêu.
"Biết bao lớp ca sĩ miền Nam trước năm 1975 chắc cũng chẳng qua trường lớp nhưng giọng ca của họ đã làm say đắm bao thế hệ, đi vào lòng người. Mỗi người đều có sở thích về ca hát và thưởng thức âm nhạc khác nhau, ca sĩ và khán giả đều được tôn trọng mới tạo nên nét đẹp của đời sống âm nhạc" - Trần Thành Nam phản bác.
Ca sĩ Hương Tràm và diễn viên Chi Pu.
Trước khi Thanh Lam lên tiếng về việc này, dư luận những ngày qua tranh cãi khá nhiều về việc ca sĩ Hương Tràm viết trên trang cá nhân của mình chỉ trích những người đẹp không đáng làm ca sĩ, ngay khi Chi Pu vừa phát hành video ca nhạc Từ hôm nay. Hương Tràm giải thích trên báo rằng cô đang nói đến số đông, chứ không phải cá nhân ai cả, để tương lai không một ai không bỏ công nghiên cứu hoặc học tập, xin đừng cho ra sản phẩm như thế nữa! Mình đang là một người định hướng thời trang, định hướng cái đẹp cho giới trẻ thì không thể định hướng người hâm mộ của mình nghe nhạc như vậy được.
Dù giải thích kiểu nào thì Hương Tràm cũng vấp phải phản ứng không đồng tình của nhiều người, đặc biệt là đồng nghiệp. Người ta cho rằng sự nỗ lực của mỗi cá nhân nhằm mang đến những sản phẩm âm nhạc cho công chúng đều được ghi nhận. Còn sản phẩm ấy dở, hay thế nào là do công chúng đánh giá, quyết định. Là người làm nghề với nhau thì không nên và không có quyền làm tổn thương nhau như thế. Suy cho cùng, làm nghệ thuật để phục vụ khán giả. Nghệ sĩ có tồn tại được hay không cũng là do công chúng quyết định. Nếu có tài năng và có duyên với nghề thì dù không học qua trường lớp chính quy, họ vẫn được công chúng yêu mến, quý trọng, còn không rồi cũng phải giải nghệ mà thôi.
Thực tế cho thấy tài năng và được học hành trường lớp chỉ mới là điều kiện cần, còn quyết định thành công là phải có duyên. Các nghệ sĩ lão làng trong Nam thường giải thích sự thành công trong sự nghiệp của mình là "được khán giả thương!". Khán giả thương thì dù có hát chênh phô một tí cũng có thể được bỏ qua nhưng nếu khán giả không thương thì dù có là học cao hiểu rộng mấy đi nữa cũng không được mấy người đoái hoài. Nghệ sĩ là vậy, nên đừng xách mé nhau làm gì!
Văn Nghệ/Theo Người Lao Động