Con gái nuôi của nghệ sĩ Út Bạch Lan nói danh hiệu chỉ có ý nghĩa khi mẹ cô còn sống nay bà đã mất thì danh hiệu truy tặng không còn ý nghĩa.
Trưa 24/10, đông đảo nghệ sĩ sân khấu đã tề tựu thắp nén hương tưởng nhớ "sầu nữ" NSƯT Út Bạch Lan nhân kỷ niệm một năm ngày mất của bà.
Được bà xem là con ruột từ lúc còn bé, chị Huỳnh Ngọc Hạnh - cháu ruột của sầu nữ Út Bạch Lan nói: "Lúc mẹ tôi còn sống, danh hiệu này có thể sẽ là niềm hạnh phúc lớn đối với bà, vì những cống hiến của bà đối với sự nghiệp sân khấu cải lương, còn khi bà đã qua đời, mãi mãi về sau người đời nhắc đến hai chữ "sầu nữ" gắn với Út Bạch Lan, đó là danh hiệu lớn nhất mà nhân dân tặng cho mẹ tôi. Do đó có một vài nơi yêu cầu gia đình tôi thực hiện việc làm thủ tục để xin truy phong danh hiệu NSND cho mẹ tôi đợt này, nhưng gia đình tôi đã cảm ơn và từ chối".
Trong ngày cúng giáp năm của NSƯT Út Bạch Lan, rất đông nghệ sĩ và khán giả mộ điệu đã đến chùa Định Thành (TP.HCM) để thắp hương tưởng nhớ bà - một ngôi sao sân khấu cải lương có chất giọng trầm ấm, trữ tình đầy da diết, đã tạc vào tâm trí khán giả rất nhiều vai diễn để đời.
Chị Ngọc Hạnh và NSƯT Tú Sương trong ngày cúng giáp năm NSƯT Út Bạch Lan tại chùa Định Thành.
"Chị Út có nhiều biệt danh để đời mà giới làm nghệ thuật chúng tôi đều mơ ước. Chị đã được khán giả gọi trìu mến bằng những danh hiệu: "sầu nữ", "đệ nhất đào thương", "vương nữ sương chiều", "bức trường thành vọng cổ"…theo tôi bấy nhiêu đó đủ để tự hào cho một đời nghệ sĩ" - NSƯT Thanh Nguyệt đã nói khi nhắc đến những cống hiến to lớn trong việc góp phần làm phong phú bài vọng cổ trên sân khấu cải lương của bà.
Dù sầu nữ Út Bạch Lan đã qua đời, nhưng CLB sân khấu Hoa Lan Trắng do bà sáng lập vẫn hoạt động. Nghệ sĩ Tô Châu cho biết: "Chúng tôi vẫn biểu diễn thường xuyên ở các chuyến đi từ thiện, trao quà cho đồng bào nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đồng thời biểu diễn phục vụ bà con nông dân ở các tỉnh ĐBSCL. Hiện nay, các vai diễn của bà do NSƯT Thoại Miêu đảm trách".
NSƯT Út Bạch Lan và nghệ sĩ Tô Châu.
"Tôi xúc động lắm khi được giao diễn các vai của má Út Bạch Lan. Đối với tôi bà là tấm gương rất quý cho ngành sân khấu, luôn quan tâm, dìu dắt thế hệ nghệ sĩ trẻ noi bước theo bà vừa làm nghệ thuật, vừa làm công tác thiện nguyện" - NSƯT Thoại Miêu xúc động nói.
Trong ngày cúng giáp năm, các nghệ sĩ gắn bó với CLB sân khấu Hoa Lan Trắng đã nguyện thực hiện di ước của bà, tiếp tục gầy dựng quỹ học bỗng mang tên bà, nhằm giúp cho con em nghệ sĩ nghèo, công nhân ngành sân khấu có điều kiện để đến trường.
"Vở diễn cuối cùng bà tham gia mang tên Mẹ ngồi sàng gạo của nhạc sĩ Bắc Sơn, cũng nhằm mục đích ý nghĩa này. Do đó, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện đúng như di nguyện của bà, luôn quan tâm đến thế hệ trẻ, để các em được đến trường" - NS Thanh Hằng tâm sự.
Thanh Hiệp/Theo NLĐO