Phía sau một Như Quỳnh hào nhoáng trên sân khấu là nước mắt

Đăng lúc: 8:16 am, Ngày 21/01/2018

Giọng ca "Duyên phận" lần đầu trải lòng về những góc khuất đẫm nước mắt trong cuộc sống của chị. Tuy thế, bằng sự mạnh mẽ chị đã vượt qua, làm trụ cột cho đại gia đình.

Lần đầu về nước biểu diễn và đảm nhận vai trò giám khảo chương trình Thần tượng Bolero, Như Quỳnh cảm thấy bỡ ngỡ khi được khán giả, truyền thông quan tâm, ủng hộ và lịch làm việc dày đặc.
 
Như Quỳnh thừa nhận chính sự chào đón của fan khiến chị xua tan nỗi lo khi trở về nước ở tuổi U50 - độ tuổi mà nhan sắc và giọng hát không còn ở độ thanh xuân. "Tôi xúc động trước tình cảm của mọi người dành cho mình đến mức nói không nên lời và thậm chí nói không rõ đầu đuôi", chị xúc động nói.

Nhận được lời mời suốt 4 năm qua nhưng bây giờ chị mới trở về Việt Nam. Vì sao chị phải suy nghĩ lâu đến thế?
 
-Tôi rất nhát, lại không đủ tự tin mình có thể làm tốt công việc mọi người tin tưởng, lại sợ rằng giọng hát chưa đủ tròn trịa, khiến khán giả thất vọng. Tôi thường nhìn đồng nghiệp và so sánh với mình. Tôi thấy các bạn ca sĩ trong nước quá điêu luyện, còn ca sĩ hải ngoại thì cũng rất trình độ. Còn tôi không là gì cả.
 
Mọi người hỏi tôi, Quang Lê hay Phi Nhung là đàn em mà về từ lâu và đạt được nhiều thành công, có cớ gì tôi phải ngại? Tôi rất phục các bạn đó vì họ có trái tim lớn hơn tôi rất nhiều, bộ óc vững vàng và tự tin, nghị lực hơn Như Quỳnh gấp nhiều lần. Ngược lại tôi rất yếu đuối, chỉ do tôi được khán giả quá yêu thương nên bù đắp lại đó thôi.
 
Lần này về nước, tôi nhận được sự động viên, ủng hộ tinh thần lớn của bạn bè, đồng nghiệp nên mới đủ nghị lực, tự tin nhận lời.
Tôi thường nhìn đồng nghiệp để so sánh với mình.
 
Sự yếu đuối ấy có phần nào là bắt nguồn những nhận xét có phần phũ phàng về nhan sắc của chị trong lần về nước năm 2015?
 
-Đúng thế, tôi rất sợ áp lực. Nghe những lời chê bai như cô ơi, sao cô tròn trịa thế, giọng hát Như Quỳnh không còn xuân sắc, Như Quỳnh dạo này khác quá… tôi buồn và có khóc chứ.
 
Tôi là con người, có trái tim, chứ đâu phải sắt đá mà dửng dưng trước những lời phê bình được. Nhiều đêm tôi đã khóc, khóc cho chính mình mà không thể chia sẻ được với ai.
 
Tôi không dám chia sẻ với ai vì quan niệm không ai hiểu mình bằng chính mình. Hơn nữa, tôi cũng sợ đem đến phiền muộn cho người khác. Dù thế nào thì Như Quỳnh vẫn còn yêu nghề, không cho phép mình được gục ngã.
 
Nhan sắc, vóc dáng có phải là áp lực khủng khiếp với nghệ sĩ, nhất là nữ nghệ sĩ như chị?
 
-Áp lực đó lớn lắm. Nếu tôi là người biết chăm chút cho nhan sắc thì đến giờ cũng không đến nỗi tệ đâu. Nhưng Như Quỳnh lại như một người con trai. Tôi ít khi nào biết chăm sóc dáng vóc, gương mặt, làn da. Khi lên sân khấu, quay DVD tôi ưa nhìn, được khán giả khen là nhờ những chuyên gia lo lắng, lựa chọn trang phục và kiểu tóc cho mình. Bình thường các bạn nhìn tôi sẽ không ra đâu.
 
Từ nhỏ, mẹ đã nói tôi là con trai thì đúng hơn. Việc tôi không biết chăm sóc cho nhan sắc và giọng hát của mình khiến ba mẹ buồn nhiều. Tôi cũng buồn cho mình nhưng biết làm sao được khi Như Quỳnh vẫn là Như Quỳnh. Bây giờ có muộn màng thì vẫn cố gắng chăm chút hơn xưa.
 
Còn vóc dáng, tôi khó có được sự thon thả như mọi người vì ham ăn, ham ngủ, làm biếng nhiều. Tôi có máy tập ở nhà nhưng một năm chắc tập được 1 lần. Nếu kể tội xấu của mình thì tôi phải kể nhiều lắm.
 
Sau khi ly hôn, cuộc sống làm mẹ đơn thân của chị thế nào?
 
-Áp lực là không tránh khỏi nhưng tôi quen rồi, cũng không lớn lắm so với những gì tôi đã trải qua. Người ta nói lời nhất của người phụ nữ sau ly hôn là con cái. Và con gái chính là niềm động lực lớn với tôi.
 
Tôi không áp lực con gái có theo nghề của mẹ hay không nhưng vui vì cháu yêu thích ca hát. Xem bài hát Duyên phận của mẹ, cháu cũng đứng biểu diễn và hát theo nhạc được từ khi mới 7 tuổi.
 
Bạn bè nói Như Quỳnh trên sân khấu hào nhoáng nhưng ngoài đời nặng gánh khi nuôi con gái 11 tuổi và còn lo kinh tế, nhà cửa cho ba mẹ, hai em trai. Chị chia sẻ gì về điều này? 
 
-Tôi sống với cả bố và mẹ ở Mỹ. Bố mẹ đã ly hôn nhưng tôi không muốn xa hai người nên chọn cách mua hai căn nhà khác nhau và đi lại giữa hai nơi. Đôi khi tôi cũng mệt mỏi lắm chứ nhưng còn lo được cho gia đình là còn may mắn. Lo lắng cho gia đình cũng là điều bình thường của mỗi người, đâu có gì to tát. Thế nhưng cũng nhiều khi tôi ngồi trong bóng tối khóc cho chính mình. Đó là lúc tôi quá bế tắc tưởng như cả thế giới quay lưng với mình.
 
Sau những giọt nước mắt tôi không cho phép mình yếu đuối mà phải mạnh mẽ đứng lên. Nếu tôi thua cuộc thì gia đình mình thế nào. Tôi phải tiếp tục đi trên con đường mình lựa chọn. Tôi không may mắn như các nghệ sĩ khác, biết cách làm kinh tế. Tôi chỉ mong mỏi được là ca sĩ trọn vẹn mà thôi.
 
Đâu là thời gian khó khăn, mệt mỏi nhất với chị?
 
-Khó khăn nhiều lắm, làm sao tôi kể hết được nhưng chắc chắn khó khăn nhất vẫn là giai đoạn sau ly hôn. Tôi có cuộc hôn nhân trễ, cứ nghĩ rằng mình sẽ được hạnh phúc mỹ mãn nhưng vì sự ích kỷ của bản thân nên đã không đem lại hạnh phúc cho người phối ngẫu.
 
Có những lúc tôi chán chường, cảm thấy mình quá yếu đuối, không còn đủ nghị lực để làm bất cứ điều gì. Khi cất tiếng hát, lúc đó tôi không hát được và thực sự có lúc đã bị mất giọng.
 
Tôi sợ và bị ám ảnh chuyện mình không thể hát và không diễn đạt được cảm xúc của bài hát đến khán giả. Tôi cảm thấy xung quanh mình không còn ai để nương tựa. Tôi chỉ còn biết trốn biệt tăm trong phòng khóc và khóc.
 
Ai đã kéo chị ra khỏi góc phòng tối tăm và khơi dậy động lực để Như Quỳnh đứng lên và vững vàng như hiện tại?
 
-Chính do tôi và bóng tối đó. Những giờ phút trong bóng tối, tôi có những cuộc độc thoại với chính mình. Tôi hát cho bản thân nghe những bản nhạc Bolero, ngũ cung. Nhờ đó tôi càng ngộ ra mình cần phải tỉnh táo, cố gắng nhiều hơn nữa.
 
Bố mẹ và con gái sẽ buồn phiền thế nào nếu thấy tôi thê thảm. Tôi không được phép như thế. Nhưng thỉnh thoảng tôi xua nỗi buồn của mình bằng biện pháp phá cách hơn thì đi bar nhảy và uống vài ly rượu với bạn bè.
 
Tôi hay bị mặc cảm, tủi thân. Tôi sợ khi thổ lộ nỗi buồn của mình thì không biết bạn mình có chấp nhận hay không nhưng chắc chắn đem nỗi buồn, sự nặng lòng tới cho họ. Vì thế khi bước ra ngoài, tôi phải vui vẻ và hài hước với mọi người.
 
Trải qua thời gian khủng hoảng như vậy, chị còn giữ được mối quan hệ bình thường với chồng cũ không?
 
-Bây giờ anh ấy vẫn chia sẻ, lo lắng cho con gái. Chúng tôi coi nhau như những người bạn. Tôi nghĩ không nên để mình buồn phiền, tàn tạ vì sự hận thù, bực tức. Tôi nhìn mọi việc theo hướng tích cực, lạc quan vì hiện được sống với nghề của mình là hạnh phúc quá lớn rồi. 
Tôi nghĩ không nên để mình buồn phiền, tàn tạ vì sự hận thù, bực tức. 
 
Chị đồng ý về nước ngoài phần tự tin hơn nhưng nghe nói cũng là vì cát-xê cao ngất ngưởng mà ban tổ chức Thần tượng Bolero mời chị?
 
-Tôi nghĩ mỗi ca sĩ đều có fan và giá trị riêng. Ban tổ chức mời và trả cát-xê cho tôi hợp lý, hợp tình. Nếu tôi đòi cao thì ai chịu trả, ở đây là phù hợp, không cao thấp. Quan trọng là nhận lời, mình có làm tốt vai trò giám khảo của mình hay không. Điều đó mới khiến tôi lo lắng.
 
Chị nói rằng Như Quỳnh của hiện tại thích hát hơn nói vì nói không hay. Nhưng điều này có mâu thuẫn không khi ngồi ghế nóng, chị phải biến hóa với ngôn ngữ mới mong thuyết phục được thí sinh giỏi về đội của mình?
 
-Ngày xưa tôi hồn nhiên lắm, tung tăng, bay nhảy như con nít, có gì nói đó. Bây giờ tôi không cho phép mình như thế nữa. Nếu bắt tôi nói thì chắc tôi xin cho tôi hát gấp 10 lần cũng được. Còn ở vai trò giám khảo tôi xác định mình sẽ nhận xét thẳng thắn thí sinh nhưng cũng chuẩn bị tinh thần bị thí sinh phản biện lại. Tôi không những chia sẻ kinh nghiệm mà còn học hỏi những cái mới của các bạn.
 
Tôi cũng không cho rằng mình cần phải giành giật nhiều với các huấn luyện viên khác. Các thí sinh hơn ai hết họ cần gì ở người mình lựa chọn.
 
Vừa qua có những ý kiến tỏ ra lo ngại về việc Bolero bùng nổ, có khả năng làm thụt lùi sự phát triển của nhạc Việt, chị nghĩ gì về điều này?
 
-Tôi không nghĩ như thế. Mỗi loại nhạc có giá trị khác nhau. Các bạn trẻ thể hiện sự trẻ trung qua nhạc trẻ, bolero là đằm thắm, cổ truyền, mang âm hưởng sâu lắng, truyền cảm.
 
Trong gia đình tôi cũng đâu phải ai thích Bolero như ba mẹ tôi lại yêu dòng nhạc của Dương Thiệu Tước, Đặng Thế Phong, còn em trai lại thích thiết kế. Trong cuộc sống, mỗi người có nhiều ý kiến, sở thích khác nhau mới khiến cuộc đời đẹp hơn, bớt buồn tẻ phải không?
 
Bích Hằng/Theo Zing

Đọc thêm các bài khác