Qua nhiều giông bão cuộc đời, giọng ca "Mùa thu lá bay" chọn sống một mình trong căn phòng thuê tại TP.HCM.
Ca sĩ Kim Anh tên thật là Mạch Kim Anh, sinh năm 1953 tại Đồng Tháp trong một gia đình người Việt gốc Hoa. Bà nổi tiếng với các ca khúc nhạc Hoa lời Việt như Cánh hồng Trung Quốc, Sầu lẻ bóng, Mùa thu lá bay... Nhiều năm nay, Kim Anh về Việt Nam sống, tham gia các hoạt động từ thiện và biểu diễn tại các phòng trà ở TP.HCM.
Sau một thời gian quyết định từ Mỹ về Việt Nam sinh sống, công việc ca hát hiện tại của chị ra sao?
-Tôi vẫn có show đều đặn ở phòng trà, sự kiện và những buổi tiệc mang tính chất riêng tư. Tôi không nhận lời đi hát nhiều bởi thị trường Việt Nam hiện có quá nhiều giọng ca hải ngoại trở về nước hoạt động. Lâu lâu tôi mới có những đêm nhạc ở phòng trà để gây sự thòm thèm cho khán giả, chứ gặp tôi hoài họ cũng chán (cười). Tôi thường thích hát cho người già neo đơn, người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa. Ở đó, tôi mới thấy người nghệ sĩ được trân trọng và yêu thương đến dường nào.
Ngày xưa tôi đi hát, tiền thù lao toàn quy ra vàng, riêng bài Mùa thu lá bay cứ mỗi tuần mang về cho tôi mười mấy nghìn USD. Giờ cátxê không còn như xưa, tôi cũng thấy bình thường. Mức sống của Mỹ và Việt Nam khác nhau. Tôi về quê nhà hát chưa bao giờ ra giá tiền. Bầu show tự biết giá trị của tôi mà trả lương. Thông thường, ở Hà Nội họ trả tôi 30 triệu đồng, ở miền Nam dao động từ 15 đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn có tiền lương hưu ở Mỹ nên sống không thiếu thốn, lâu lâu còn gửi tiền cho hai đứa con ở Mỹ và Nhật. Tôi sống một mình nên không có nhu cầu gì nhiều. Tôi thuê một căn phòng ở quận 10, sống ở đó từ lúc về nước đến nay.
Ca sĩ Kim Anh sống một mình tại Việt Nam.
Vì sao chị không mua một căn nhà ở TP.HCM để an cư lạc nghiệp?
-Năm 2007 khi quyết định về Việt Nam sống hết đời, tôi thuê một chung cư ở quận Tân Bình và dự định mua luôn. Tuy nhiên, một lần toàn chung cư cúp điện, tôi phải leo thang bộ mười mấy tầng khiến lưng tôi đau không chịu nổi vì di chứng từ tai nạn từ nhiều năm trước. Sau đó, tôi ở hai ba chỗ nữa nhưng đều bị trộm đột nhập. Tôi quyết định không mua nhà nữa, thuê một căn phòng ở khách sạn nhỏ tại quận 10 để sống lâu dài. Ở đó, tôi được phục vụ chu đáo, không phải dọn dẹp, giặt đồ. Nhà cao cửa rộng làm gì, tôi chỉ muốn ở nơi mình ngủ một giấc ngon lành, không phải sợ sệt điều gì cả.
Tôi không thấy khó khăn gì khi sống một mình. Người thân, con cái có khuyên tôi về sống chung nhưng tôi không chịu. Nếu nhớ chúng, tôi lại bay sang Mỹ hay Nhật chơi vài tuần rồi về. Tôi tự do quen rồi, không thích làm phiền người khác. Ở tuổi 66, tôi cũng không có bệnh tật, nếu ho, sổ mũi thì tới bệnh viện. Sau này già không còn sức, tôi vào viện dưỡng lão sống.
Những lúc cô đơn, chị thường làm gì?
-Những lúc cô đơn tôi thường uống rượu. Rượu là bạn tri kỷ của tôi. Mấy chục năm nay ngày nào tôi cũng uống. Càng uống tôi càng khỏe, hát hay. Chắc trên thế giới này chỉ có mình tôi như thế thôi (cười). Năm 1985, tôi phát hiện bị bệnh gan gần chết, da tôi vàng như củ nghệ. Có hai người bạn Mỹ giới thiệu tôi vào bệnh viện chuyên mổ về gan. Bác sĩ nói lá gan tôi phải cắt tám trên mười phần may ra tỷ lệ sống là 40%. Tôi không muốn làm "con ma mổ bụng" nên trốn khỏi bệnh viện về nhà. Lúc đó, nhà tôi còn ba chai rượu, tôi nói con trai và bạn mua thêm 18 chai nữa, tôi uống hết một lần và ở nhà đợi chết. Tôi gục lúc nào không biết đến khi tỉnh, tôi cảm nhận khuôn mặt mình đầy nước. Mở mắt ra thì thấy con trai tôi khóc:"Mẹ ơi, mẹ đừng chết". Đó là lần thoát chết thứ hai.
Lần đầu là vào năm 1978, tôi gặp tai nạn trong cơn bão tuyết ở Mỹ. Gần ba năm, tôi nằm trong bệnh viện. Chân tay tôi bị liệt, mặt chằng chịt vết thương và toàn thân chịu gần 300 mũi khâu. Tôi lạm dụng thuốc lá và morphine để cắt cơn đau mà không lường được tất cả thứ đó biến mình thành con nghiện. Suốt nhiều năm, tôi vật vã với ma túy. Đến năm 1984, tôi quyết đi Pháp cai nghiện. Gia đình người quản trang ở một nghĩa trang miền Đông nước Pháp đã cưu mang tôi.
Chị dùng từ nào để nói về quãng đời đã qua của mình?
-Tôi dùng hai chữ xót xa. Có những việc tôi rất muốn làm nhưng không bao giờ làm, nên chỉ biết xem đó là định mệnh. Nếu được làm lại chắc tôi sẽ không đi Mỹ và chắc cuộc đời tôi sẽ khác.
Tôi vượt qua đau thương bằng nghị lực. Bố tôi luôn dạy phải sống mạnh mẽ. Nếu không may gục ngã, tôi luôn nghĩ về gia đình nơi vẫn còn người thân yêu đang chờ. Tính cách của tôi giống bố, ông truyền cho tôi sự mạnh mẽ, tự tin. Gia đình tôi ngày xưa có cuộc sống khá giả khi kinh doanh gia cầm, tiệm thuốc Bắc. Trong một lần biến cố, nhà tôi phá sản, bố đưa tôi về quê sống ở một cái chòi tự dựng. Lúc đó, tôi không chịu vì nghĩ gia đình mình đang giàu có sao lại sống cực khổ như vậy. Bố tôi chở tôi đi mua lông vịt, ve chai và nói để tôi trải nghiệm cuộc sống người nghèo. Lúc đó tôi tin thật. Rồi bố tôi làm nem, xây dựng lại cơ ngơi.
Ở tuổi 66, niềm vui hiện tại của chị là gì?
-Sống thật tốt, thật khỏe. Mọi người gặp tôi là nở nụ cười thân thiện không đề phòng. Cuộc đời tôi chỉ có tình yêu ca hát, không có tình yêu giới tính. Hai người chồng đi qua đời tôi chỉ là tình nghĩa, sự mang ơn, trân quý.
Với tôi hạnh phúc hiện tại là sống không đa nghi, hoàn toàn tin tưởng mọi người xung quanh. Tôi không còn ấp ủ gì trong nghề. Tôi chỉ mong hát đến một ngày nào đó khi nằm xuống, mặt tôi vẫn tươi. Tôi cũng muốn đi tới những nơi chưa từng tới, hát cho khán giả nghe dù chỉ một câu. Tôi luôn xúc động khi người mộ điệu yêu cầu bài Mùa thu lá bay. Mỗi lần cất lên, tôi lại nhớ về người bố của mình - người đàn ông có ảnh hưởng nhất với tôi. Tôi thu ca khúc này để tặng ông nhưng tiếc là ông chưa kịp nghe thì đã qua đời.
Tâm Giao/Theo VnExpress