Tháng 7 cách đây đúng 3 thập niên, vào mùa hè năm 1989 cả thế giới đã gần như chia hai khi nhạc phẩm có tên gọi "Lambada" xuất hiện. Một nửa phát cuồng cuồng, nửa còn lại nhăn mặt.
Số phận lạ lùng
Lambada là tên bài hát và cũng là điệu nhảy nổi tiếng của xứ Samba. Nhưng nếu như Samba được xem là vũ điệu tạo nên hồn vía Brazil thì Lambada từng bị nguyền rủa là vũ điệu đáng quên.
Tất cả cũng bởi điệu nhảy ấy quá gợi tình, tư thế của cặp đôi bao giờ cũng ở rất gần và những cú lắc hông, búng chân với nửa thân dưới bó sát nhau dễ làm người xem toát mồ hôi. Chính vì điều này mà vào năm 1930, khi Lambada vừa xuất hiện, dù được lý giải đơn thuần là một sự pha trộn của nhiều điệu Latin khác nhau và hoàn toàn văn minh nhưng tổng thống Brazil khi đó, Getúlio Vargas, vẫn ra lệnh cấm. Ông sợ Lambada trở thành một dạng bệnh dịch và lây lan không thể kiểm soát.
Bị xử oan ức, Lambada trôi nổi trong khu dân cư nghèo Bahia ở Brazil một thời gian rồi tìm đường thoát thân sang các nước lân cận và được chào đón nhiệt tình ở vùng Caribbean. Ở đó nó vẫn sống, phát triển và chờ đợi một ngày được trở về.
Tổng thống Brazil khi đó, Getúlio Vargas, ra lệnh cấm vì sợ Lambada trở thành một dạng bệnh dịch và lây lan không thể kiểm soát.
Ngày về rồi cũng đến nhưng quá lâu. Phải đến năm 1988 khi hai gã làm phim người Pháp Jean Kakakos và Olivier Lorsac trên đường tìm cảnh quay cho một bộ phim tài liệu đã đặt chân đến Porto Seguro và bất ngờ nhấm phải men say tình của điệu Lambada. Olivier Lorsac nói ngay với Kakakos “đây còn hơn một điệu nhảy, hãy tin tôi, đó sẽ là một phong trào văn hóa”.
Nghĩ thế, họ bỏ tất cả công việc đang làm và xắn tay lao vào một cuộc phiêu lưu mới. Trong vòng chưa đầy một tháng, cả hai bỏ công sưu tầm và mua lại bản quyền gần một trăm bài hát điệu Lambada từ nhà phát hành ít tên tuổi của Brazil, Continental. Trong số này có cả bài Llorando Se Fue mà vài tháng sau sẽ gây náo động thế giới bằng một cái tên mới, Lambada.
Xong xuôi, cả hai về nước và bắt tay thành lập ngay một nhóm nhạc lấy tên là Kaoma. Đáng chú ý, đây là nhóm nhạc Pháp nhưng hai ông bầu khéo léo “cài” thêm chất Latin vào Loalwa Braz, ca sĩ Brazil duy nhất trong nhóm, với nhiệm vụ làm cầu nối Kaoma từ châu Âu sang tận Nam Mỹ.
Kế hoạch đã được lên chi tiết. Tháng 7/1989, album đầu tay của nhóm, Worldbeat, ra đời và gây chấn động. Mùa hè năm 1989 là một thời khắc đáng nhớ với rất nhiều người khi những giai điệu Nam Mỹ gần như phủ khắp thế giới.
Hai ông bầu người Pháp, Jean Kakakos (đầu tiên bên phải) và Olivier Lorsac (thứ ba từ trái) cùng nhóm Kaoma quay hình MV Lambada tại đảo Tago Mago (Brazil). Đây là một trong những MV “hot” nhất mùa hè năm 1989 tại châu Âu.
Ca khúc Lambada với bản phối rực lửa, kèm theo đó là điệu nhảy khêu gợi được lăng-xê tối đa đã khiến cả thế giới gần như phát cuồng. Ở đâu người ta cũng hát Lambada, bãi biển nào cũng nhảy Lambada. Thời trang chủ đạo khi ấy là người nam cởi trần mặc quần dài trong khi người nữ là chiếc váy ngắn cũn cỡn và động tác xoay vòng của cô được xem là hình ảnh sexy nhất của thập niên 1980. Album của Kaoma bán được 5 triệu bản ngay trong năm 1989, đứng hạng nhất trên bảng tổng sắp năm ở 11 quốc gia. Tại Brazil nó trở thành ca khúc ăn khách nhất mọi thời.
Bây giờ nhìn lại, sẽ thấy đó là nhãn quan của những bậc thầy kinh doanh với chiếc mũi thính và tầm mắt vượt đại dương. Điểm lại trong số những bài hát từng được xem là những thánh ca mùa hè như Macarena (Los del Río), The Ketchup Song (nhóm Las Ketchup), Gangnam style (PSY) hay Shalala Lala (phiên bản của Vengaboys)… sẽ thấy không có bài nào mang tính đột phá như Lambada khi mức độ gây hiệu ứng của nó là khủng khiếp.
Ở Mỹ năm 1990 chưa từng có tiền lệ khi 2 bộ phim về cùng một chủ đề (Lambada) ra rạp chung một ngày và nó dẫn đến cuộc khẩu chiến dữ dội của 2 nhà sản xuất khi tố nhau đạo ý tưởng và tìm cách hạ đổ nhau bằng nhiều chiêu trò hậu trường.
Cái khéo của 2 ông bầu Jean Kakakos và Olivier Lorsac còn ở cách kích thích thị trường từ rất nhiều góc độ. Họ bán vé cơ hội cho các ông trùm Hollywood nhảy vào giành nhau bản quyền làm phim; đút túi kha khá ngân phiếu trước cảnh Bollywood phái sinh điệu nhảy nóng rẫy; gật đầu cho chuỗi cửa hàng thời trang Macy’s được phép bán thời trang Lambada…
Cùng lúc đó, ở châu Âu, hai ông bầu này, sau khi “thả bom” oanh tạc các đài phát thanh liền bắt đầu lấn thêm vào địa hạt quảng cáo. Rất nhiều nhãn hàng nhảy vào đòi mua độc quyền bài hát nhưng cuối cùng cả hai chỉ đồng ý với hãng nước ngọt Orangina sau khi hãng này chấp nhận điều kiện của họ: làm MV cho bài hát (phải được phát rộng khắp) và phải rải Lambada tại tất cả khu nghỉ mát nổi tiếng nhất tại châu Âu. Với 2 mũi giáp công ấy, Lambada gần như trở thành bài hát được nghe duy nhất vào mùa hè năm 1989.
Hãng Orangina đã bỏ ra rất nhiều tiền cho chiến dịch quảng cáo mới và MV Lambada cũng được xem là một trong những MV được yêu thích nhất thế giới vào năm 1989. Riêng kênh TF1, trong vòng hai tháng 7-8/1989 đã phát liên tục gần 300 lần. Đó là chuyện chưa từng có tiền lệ.
Nhưng nếu như Lambada của nhóm Kaoma đem về một núi tiền cho 2 ông bầu này thì cuộc đời của nó lại lận đận. Không phải bởi nó qua cơn sốt mà là vì sự chủ quan đến ngớ ngẩn của Jean Kakakos và Olivier Lorsac. Bởi sau này, khi sự việc vỡ lở, mới hay rằng, đây là bài hát cover, được chơi lại, nhưng hai ông chủ người Pháp lại “nắn nót” để tên mình trong phần tác giả.
Nhảy Lambada ở tòa
Ca khúc nguyên thủy của Lambada có có tên Llorando Se Fue được nhóm nhạc người Bolivia, Kjarkas sáng tác năm 1981. Jean Kakakos và Olivier Lorsac đã đổi lời bài hát gốc, đặt lại tựa mới thành Lambada (với phần lời tiếng Bồ Đào Nha) và rồi đi đăng ký bản quyền ở SACEM, cơ quan bản quyền âm nhạc của Pháp. Không những thế, họ đăng ký tiếp ở Đức tại Tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả âm nhạc GEMA.
Sự thành công vang dội của Lambada, vì thế, nhanh chóng đến tai hai anh em Ulises và Gonzalo Hermosa của nhóm nhạc Kjarkas. Tờ El Pais của Tây Ban Nha đã nổ phát súng đầu tiên năm 1990 khi tố cáo Kaoma đạo nhạc của Kjarkas với rất nhiều bằng chứng được tung ra và sau đó, như một cơn địa chấn, báo chí châu Âu đồng loạt nhảy vào cuộc. Rất nhiều nhà sản xuất âm nhạc Nam Mỹ không những tố cáo Kaoma đạo nhạc mà còn muốn đẩy thêm trách nhiệm cho SACEM và GEMA.
Nhóm Kjarkas sau đó đã gửi đơn kiện đến SACEM và GEMA chỉ đích danh 2 ông chủ Jean Kakakos và Olivier Lorsac đã “thuổng” nhạc của họ, tự ý đổi lời, thay tựa không xin phép và yêu cầu được bồi thường ban đầu là 140.000 USD tiền thiệt hại và 1 triệu USD tiền tác quyền.
Single Lambada của nhóm Kaoma đã bán được hơn 5 triệu bản trên toàn thế giới.
Nhóm nhạc Kaoma khi đang ở đỉnh cao vinh quang năm 1990. Không chỉ thành công về mặt âm nhạc, ca khúc Lambada còn đưa điệu nhảy Lambada trở lại dù nhận không ít cái chau mày của dư luận.
Chuyện gì đến cũng phải đến. Một phiên tòa đã được mở ra tại Pháp, hai ông chủ của Kaoma, Jean Kakakos và Olivier Lorsac phải ra hầu tòa. Bản án sau đó không được công bố nhưng toàn bộ tác quyền ca khúc Lambada của nhóm Kaoma từ đấy thuộc về 2 anh em Ulises và Gonzalo Hermosa.
Một thương vụ tưởng thành công rực rỡ cuối cùng ê chề đắng cay. Tuy vậy, Lambada vẫn là một bài hát rực rỡ. Nhóm nhạc Kjarkas sau phiên tòa đã phải thừa nhận “vụ bê bối này cũng có mặt tích cực, đó là Lambada đã tìm được đường về nhà”.
Nhưng sự hấp dẫn của Lambada vẫn kéo dài đến hôm nay, sau 3 thập niên. Người lĩnh xướng bài hát với tất cả niềm đam mê cháy bỏng, ca sĩ Loalwa Braz, đã qua đời ngày 19/1/2017. Đáng nói, ba ngày sau, 22/1/2017, người từng bằng mọi giá đưa Loalwa Braz vào nhóm Kaoma với quyết tâm biến nhạc phẩm Lambada thành thương hiệu quốc tế, ông bầu Jean Kakakos, cũng qua đời. Hai nhân vật quan trọng nhất ra đi nhưng Lambada thì vẫn ở lại.
Kha Anh/Theo PNO