Leonardo Da Vinci, Michelangelo, Tchaikovsky, Vua James VI và I của Anh, Nữ hoàng Christina của Thụy Điển... là những vĩ nhân quan trọng nhất của nhân loại và là thuộc thế giới LGBT.
Leonardo Da Vinci
Trong cuốn tiểu sử Leonardo Da Vinci xuất bản năm 2017, nhà văn Walter Issacson - cựu tổng biên tập tạp chí TIME - khẳng định Leonardo Da Vinci là người đồng tính. Nhận định này cũng đã nhận được sự tán đồng từ nhiều sử gia khác do nó được củng cố bằng chính những cuốn sổ tay còn lưu lại đến ngày nay của vị thiên tài người Ý.
Leonardo Da Vinci chưa bao giờ kết hôn, và từng có mối quan hệ tình cảm với nhiều người đàn ông xuyên suốt đời mình. Trên thực tế, đồng tính luyến ái khá phổ biến tại thành phố Florence trong thế kỷ 15 - thời kỳ hoàng kim của phong trào Phục hưng - mặc dù nó đồng nghĩa với hành vi phản Chúa theo quy định của Giáo hội và bị trừng phạt khá nặng. Chính việc luôn cảm thấy lạc lõng so với những người khác đã giúp Leonardo Da Vinci hình thành lối tư duy khác biệt - bí quyết dẫn đến thành công của ông.
Michelangelo
Trong các nhân vật nổi tiếng của thời kỳ Phục hưng, chỉ Michelangelo có thể sánh ngang với Leonardo Da Vinci về tài năng và sức ảnh hưởng. Thậm chí, do không có thói quen “bỏ lỡ giữa chừng” như đồng nghiệp, Michelangelo đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm hơn. Trong đó, được biết đến nhiều nhất là bức tượng David, bích hoạ Sự tạo dựng Adam và Sự phán xét cuối cùng trên trần nhà nguyện Sistine ở Vatican.
Michelangelo không có vợ và sở hữu lối sống khép kín, trái ngược với Leonardo Da Vinci. Ông từng đem lòng yêu Tommaso de 'Cavalieri - một quý tộc La Mã điển trai nhưng đã kết hôn và kém hơn nhiều tuổi. Mặc dù vậy, Michelangelo vẫn duy trì tình cảm của mình cho đến cuối đời và đã viết hàng trăm bài thơ tặng riêng cho Tommaso. Đáng tiếc, khi các bài thơ này được người cháu của ông xuất bản vào thế kỷ 17, chúng đã được thay đổi danh xưng nhằm che giấu xu hướng tính dục đồng tính của tác giả. Chuyện này chỉ được phát hiện trong thế kỷ 20 sau khi một sử gia phát hiện những bài thơ gốc.
Vua James VI và I của Anh
James VI và I là một trong những vị quân vương vĩ đại nhất của Anh. Ông là đứa con duy nhất của nữ hoàng Mary xứ Scots và kế vị vào năm 1567 với cái tên James VI. Năm 1603, sau cái chết của nữ hoàng Elizabeth I, ông đảm nhận luôn vai trò của bà và trở thành vị vua đầu tiên của Anh, Scotland lẫn Ireland.
ggg
Vua James VI và I từng liệt “quan hệ đồng giới” (nguyên văn: sodomy) vào danh sách “những tội ác kinh hoàng không bao giờ được lương tâm tha thứ” trong cuốn sách Basilikón Dōron. Tuy nhiên, hai thế kỷ sau, nhà nghiên cứu Jeremy Bentham đã tố cáo vua James VI và I “đạo đức giả” do ông ta vốn cũng bị thu hút bởi nam giới. Nhận định này được không ít sử gia tán đồng mặc dù cụm từ “đồng tính luyến ái” (homosexual) mãi đến cuối thế kỷ 19 mới xuất hiện.
Trong số các nhân tình đồng giới của vua James VI và I, nổi bật nhất có thể kể đến Bá tước xứ Somerset Robert Carr và Công tước xứ Buckingham George Villiers.
Nữ hoàng Christina của Thụy Điển
Sau cái chết của cha - vua Gustav II Adolf, Christina kế vị và cai trị Thụy Điển từ năm 1632 đến năm 1654. Bà được nhận xét là một trong nhưng người phụ nữ thông minh nhất thế kỷ 17. Bà có niềm đam mê lớn đối với khoa học kỹ thuật và nghệ thuật, do đó đã cố tình chiêu dụ nhân tài từ khắp nơi trên thế giới tới Stockholm nhằm biến nơi này thành “Athens của phương Bắc”.
Sau khi từ bỏ ngai vàng vào năm 1654, Christina chuyển tới Rome sống cho đến cuối đời. Với tư cách là gương mặt đại diện cho phong trào Phản Kháng cách, bà là một trong số hiếm phụ nữ được chôn tại Vatican.
Nữ hoàng Christina thường xuyên ăn diện như đàn ông. Ngoài ra, rất nhiều mối quan hệ đồng giới cũng đã được ghi nhận trong suốt cuộc đời bà thông qua những lá thư. Hệ quả là xu hướng tính dục, bản dạng giới của nữ hoàng Christina đã trở thành một chủ đề được tranh luận sôi nổi giữa các sử gia từ mấy thế kỷ nay và được khai thác nhiều trong các vở kịch.
Pyotr Ilyich Tchaikovsky
Pyotr Ilyich Tchaikovsky - cha đẻ của vở kịch Hồ thiên nga - là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của nước Nga và một danh nhân văn hoá quốc tế có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Các tác phẩm của ông chủ yếu khắc họa cuộc sống của người dân dưới thời Sa hoàng cũng như hy vọng và khát khao của họ.
hhh
Khi còn sống, Tchaikovsky đã phải che giấu xu hướng đồng tính của mình do nó là tội danh nghiêm trọng dưới thời Sa hoàng. Giáo sư Richard Taruskin bình luận: "Hiện trạng đồng tính được coi là một sự phóng đãng và bỉ ổi. Nước Nga vẫn là một xã hội phong kiến cho đến năm 1861 và 'những trò đùa giỡn của quý ông' (ý nói 'hành vi quan hệ đồng giới') là trò chơi có từ lâu của các lãnh chúa".
Điều thú vị là tới tận ngày nay, Bộ trưởng Bộ văn hóa Nga Vladimir Medinsky vẫn phủ nhận chuyện Tchaikovsky đồng tính dù nó được các sử gia thừa nhận rộng rãi.
Mai Thảo/Theo Một thế giới