Lời kêu gọi khán giả đến rạp của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho "Thưa mẹ con đi" đã phản ánh một thực tế phũ phàng: phim LGBT vẫn chưa được đánh giá là lựa chọn tối ưu để các hệ thống rạp thu được lợi nhuận.
Ngay từ khi tung trailer đầu tiên, Thưa mẹ con đi của đạo diễn trẻ Trịnh Đình Lê Minh đã thu hút nhiều sự chú ý từ phía cộng đồng LGBT Việt. Bên cạnh vẻ thu hút của hai nam chính cùng dàn diễn viên phụ tên tuổi, bộ phim gây tò mò bởi tập trung vào mối quan hệ giữa người đồng tính với gia đình - một chủ đề đã được đưa ra bàn luận từ lâu nhưng tới nay vẫn còn khá nhạy cảm và ít khi xuất hiện trên màn ảnh.
Vai diễn của Hồng Đào được đánh giá cao.
Sau buổi chiếu dành riêng cho báo chí vào tuần trước, Thưa mẹ con đi đã nhận được phản hồi tích cực. Đặc biệt, khán giả đánh giá rất cao vai diễn của Hồng Đào. Nữ diễn viên sinh năm 1962 đã thể hiện thành công nội tâm phức tạp của một phụ nữ Việt truyền thống khi buộc phải lựa chọn trước việc “công khai đồng tính” của con trai độc nhất.
Thưa mẹ con đi ra rạp vào ngày 16/8 nhưng khi các rạp công bố lịch chiếu đã khiến nhiều người bất ngờ, gồm cả đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. Cụ thể, hệ thống CGV có khoảng 2-6 suất/ngày, hầu hết là các rạp ở xa khu vực trung tâm. Hệ thống Galaxy thậm chí còn ít hơn với 2 suất/ngày và không nằm trong khung “giờ vàng”. Hệ thống BHD là ưu ái nhất với 10 suất/ngày với khung thời gian phù hợp cho mọi đối tượng.
Thành thực mà nói, quyết định của các hệ thống rạp không quá bất ngờ nếu xét bối cảnh hiện tại. Thưa mẹ con đi ra rạp chung với 4 phim nước ngoài khác với đa dạng thể loại: Once Upon A Time in Hollywood (tội phạm/hài kịch), The Tayo Movie: Mission Ace (hoạt hình), Kursk (chiến tranh) và Crawl (thảm hoạ). Trong đó, Once Upon A Time in Hollywood là “bom tấn hạng nặng” khi quy tụ nhiều tên tuổi lớn như Leonardo DiCaprio, Brad Pitt, Al Pacino và Margot Robbie. Chưa hết, Scary Stories to Tell in the Dark và Dora cũng chỉ vừa bước sang tuần thứ 2.
Thưa mẹ con đi ra rạp cùng lúc với Chuyện ngày xưa ở Hollywood.
Có chủ đề đồng tính, Thưa mẹ con đi vốn không phù hợp với khán giả đại chúng. Do đó, nó không phải là một lựa chọn tối ưu nếu các hệ thống rạp muốn những tuần cuối của mùa phim hè đạt doanh thu khả quan.
Không riêng gì Việt Nam, dòng phim LGBT tại Hollywood từ lâu đã bị xem là dòng phim nghệ thuật kén khán giả và không có khả năng sinh lời. Các trường hợp thành công như Brokeback Moutain là cực kỳ hiếm. Thông thường, các phim LGBT có doanh thu cao là do tập trung vào các chủ đề khác thu hút hơn thay vì xu hướng tính dục hay chuyện tình đồng tính của nhân vật, ví dụ như Bohemian Rhapsody, The Birdcage, The Imitation Game hay Philadelphia.
Hôm qua, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã kêu gọi khán giả ủng hộ đứa con tinh thần của mình trên mạng xã hội Facebook:
“Chào tất cả mọi người. Thật ra đây là lời kêu gọi mọi người hãy đặt vé ngay cho các suất chiếu của Thưa mẹ con đi, bắt đầu từ thứ sáu tuần này. Những bạn nào biết mình ngoài đời, chắc cũng hiểu mình thuộc dạng, dù gặp bất kỳ khó khăn gì, thì phản ứng đầu tiên sẽ là cười, rồi sau đó mới là than, và mình luôn tìm cách xử lý vấn đề ngay.
Là đạo diễn của phim, mình không cảm thấy nuối tiếc điều gì trong suốt quá trình sản xuất và hoàn thành phim nữa. Mình tin là Thưa mẹ con đi là một phim được làm bằng tất cả sự chân thành, cẩn trọng, và cả sự tinh tế của bản thân. Và chắn chắn nó có thể chạm được đến trái tim người xem!
Mình chỉ chờ đến ngày phim ra rạp. Tuy nhiên hôm nay khi xem số lượng suất chiếu của phim, mình đã thực sự sốc. Có lẽ phim cần phải chứng minh thêm nữa bằng sự ủng hộ của khán giả. Bằng status này, mình kêu gọi tất cả các bạn, những khán giả yêu điện ảnh, cộng đồng LBGT, tất cả những bạn trẻ trân quý gia đình, hãy phủ kín rạp trong tất cả những suất chiếu đang được công bố trên hệ thống. Hãy đặt vé cho bản thân, cho người yêu, cho bố mẹ, cho bạn bè bạn! Hãy thể hiện sức mạnh của cộng đồng! Việc bộ phim có trụ được ở rạp, có thêm những suất chiếu khác thuận lợi hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bạn”.
Êkíp làm phim Thưa mẹ con đi.
Đây có lẽ cũng chính là lời nhắn nhủ chung của các nhà làm phim gửi đến các khán giả thuộc cộng đồng LGBT: Nếu mong muốn có thêm những bộ phim LGBT chỉn chu, tử tế thì chính các bạn phải ra rạp ủng hộ. Suy cho cùng, các hệ thống rạp có trách nhiệm xã hội nhưng lợi nhuận vẫn là ưu tiên hàng đầu của bất kỳ doanh nghiệp nào.
Mai Thảo/Theo Một thế giới