Sân khấu Trịnh Kim Chi chuẩn bị kỷ niệm ngày thành lập vào tháng 12 tới. Trong bối cảnh kịch nói TP.HCM gặp nhiều khó khăn, điểm diễn này cũng rất gian nan để duy trì.
Sân khấu Trịnh Kim Chi thành lập năm 2015, đầu tư những vở diễn đa dạng về thể loại như: tâm lý bi kịch, hài - kinh dị, hành động... NSƯT Trịnh Kim Chi tâm sự với VnExpress: "Những tháng gần đây, tôi phải giảm 50% số suất. Ngày trước, chúng tôi có lúc diễn bốn, năm suất một tuần thì nay còn hai, ba, thậm chí chỉ diễn một đêm nếu vào mùa mưa. Tôi thường phải bán vé trước vài tuần để đủ lượng khán giả cho một vở diễn.
Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi trong ngày Giỗ tổ sân khấu tại điểm diễn của mình
Mỗi đêm, dù kín chỗ ngồi, tôi cũng chỉ vừa đủ kinh phí trả cát-xê cho nghệ sĩ và nhân viên hậu đài. Còn lại, tôi phải bù vào tiền thuê mặt bằng tại Trung tâm văn hóa quận 6, chi phí âm thanh, ánh sáng... Tính ra, mỗi tháng tôi lỗ cả trăm triệu đồng. Dù vậy, tôi vẫn duy trì điểm diễn vì không muốn tâm huyết của mình bấy lâu đổ sông đổ bể. Nhiều đồng nghiệp nói tôi "khùng" vì duy trì một điểm diễn lỗ nhiều hơn lời. Thực ra, đó là cái duyên và còn là trách nhiệm. Tôi luôn tự nhủ đã mở sân khấu thì phải cầm cự để các nghệ sĩ còn có "đất" diễn.
Tôi bán vé khuyến mãi cho học sinh - sinh viên, có khi giảm đến 50%. Tôi còn phối hợp nhiều đại lý để phát hành vé kiểu vừa bán vừa cho, chẳng hạn khán giả mua một món mỹ phẩm được tặng kèm một vé xem kịch. Chúng tôi luôn trong tâm thế phải đi tìm khán giả để được sáng đèn, chứ nếu chỉ ngồi một chỗ bán vé, êkíp đã đóng cửa từ lâu.
Kịch mục liên tục đổi mới. Có lúc, tôi tập trung vào thể loại kinh dị - hài phục vụ công chúng trẻ, lúc thì dựng lại truyện cổ tích, hướng tới các khán giả nhí. Ngoài những yếu tố khách quan như kịch nói dần ít được ưa chuộng do game show nở rộ, chúng tôi gặp khó khăn chủ yếu vì địa điểm. Vị trí của sân khấu nằm ở quận 6, có phần xa trung tâm.
Cảnh trong vở Chàng và thiếp trên sân khấu Trịnh Kim Chi
Tôi giữ lại sân khấu cũng một phần vì các nghệ sĩ trẻ. Họ đi diễn bởi đam mê, chứ cát-xê không đủ để họ chi trả tiền son phấn, phí sinh hoạt. Đêm nào khán giả vắng, tôi phải giảm thù lao diễn, song các bạn vẫn hợp tác vui vẻ, cùng tôi san sẻ gánh nặng. Thi thoảng, tôi bù lỗ để chi trả cát-xê cao nhất có thể, sao cho tương xứng với công sức diễn viên. Nhiều người ban ngày quay ba, bốn phim, tối về vẫn tranh thủ đi tập, diễn kịch đều đặn. Có người còn thủ thỉ với tôi: "Thôi, hôm nay khán giả ít quá, em diễn giúp chị chứ không lấy cát-xê đâu".
Trong kịch nói, cải lương, cát-xê chỉ là vấn đề tương đối. Thù lao đi sự kiện của tôi hàng nghìn USD, nhưng khi diễn kịch cho các nơi, lấy cát-xê vài trăm nghìn đến một triệu đồng, tôi vẫn thấy hạnh phúc. Những nghệ sĩ ở lại với tôi đa phần vì đam mê cảm giác được diễn, được thoại giữa hàng trăm khán giả".
Theo VnExpress