Sau khi Nguyễn Xuân Đường (hay còn gọi là Đường Nhuệ) bị bắt vì hành vi hành hung người khác tại Thái Bình, người ta mới giật mình tìm lại những dự án phim mà Đường Nhuệ tham gia.
Đường Nhuệ từng góp mặt trong nhiều dự án được giới thiệu thuộc dòng phim giang hồ, xã hội đen như: Chạm mặt giang hồ 1, 2; Luật lệ giang hồ; Tỷ phú đè đại gia, Gangster - Gã giang hồ... Trong phim, hầu như các phân đoạn có sự xuất hiện của võ sư Đường Nhuệ đều được sắp xếp vào những khoảnh khắc cực kỳ quan trọng ví như trước cuộc thanh trừng giữa 2 phe phái, trước khi lưỡi dao của ai đó được hạ xuống để tiêu diệt kẻ yếu thế hơn. Đường Nhuệ có mặt để phân tích phải trái, đúng sai, dạy đạo lý làm người.
Nói chung, bất kể khi nào Đường Nhuệ xuất hiện, anh ta như một tượng đài được anh em kính nể. Do đó, khi vướng vòng lao lý, những bộ phim mà Đường Nhuệ đã đóng khiến người ta "chột dạ" với cái vỏ bọc hoàn hảo, lấp lánh được xây dựng trên phim.
Hàng đầu, từ trái sang: Phú Lê, Dũng Trọc, Đường Nhuệ trong phim Chạm mặt giang hồ
Phú Lê, một tay giang hồ khác, vốn mê nhạc, mê điện ảnh cũng được cộng đồng mạng phong là ca sĩ, diễn viên sau một số dự án tự đầu tư, chiếu trên YouTube. Trong 2 phần phim Chạm mặt giang hồ, Phú Lê được xây dựng thành nhân vật giàu lòng vị tha, luôn nghĩ đến anh em, hiếu thảo với mẹ, thường xuyên làm từ thiện, sống trượng nghĩa.
Nhân vật của Phú Lê có nhân cách đẹp đến mức chưa từng có kịch bản điện ảnh nào xây dựng tính cách một tên giang hồ thiện lương như thế. Vợ của Phú Lê, Lã Thuý Kiều xuất hiện trong phim của chồng với nhân vật cũng được tạo hình lung linh không kém. Cô thông minh, sắc sảo, luôn nghĩ đến anh em và sống biết điều. Ngoài phim ảnh, Phú Lê còn thử sức ở lĩnh vực âm nhạc với nhiều ca khúc nhận được hàng trăm triệu lượt nghe trên YouTube như Đời là thế thôi, Cát bụi cuộc đời, Sống chết có nhau, Vì con...
Nói trắng ra, không có gì bất ngờ khi Đường Nhuệ, Phú Lê, Lã Thuý Kiều hay nhiều giang hồ khác xuất hiện trên Chạm mặt giang hồ vì đây là bộ phim do Lã Thuý Kiều bỏ tiền sản xuất. Trong kịch bản, tuyến nhân vật chính diện được giao cho các diễn viên “cây nhà lá vườn”, còn vai phản diện, bán đứng anh em được đẩy cho NSƯT Chu Hùng (người đóng Thế “chột” trong Người phán xử).
Trong các phim giang hồ khác, kịch bản cũng cùng một mô-típ, xây dựng rạch ròi thiện - ác và bao giờ, những vai diễn chiếm được cảm tình của người xem cũng do những kẻ giang hồ cộm cán thể hiện.
Cu Thóc (tên thật Huỳnh Tuấn Anh, phải) từng bị bắt vì sử dụng ma tuý vào tháng 4/2019. Cu Thóc từng tham gia dự án phim của Phú Lê
Chuyện bỏ tiền tự làm phim xưa nay không lạ, nhiều người nổi tiếng cũng từng chi hàng tỷ đồng để kể về cuộc đời. Miễn có tiền thì đảm bảo ai cũng có vai. Còn nếu chấp nhận chi nhiều tiền thì vai diễn càng được xây dựng theo hướng tích cực, đẹp đẽ.
Khao khát được cống hiến cho nghệ thuật là điều đáng hoan nghênh, nhưng với những trường hợp không có tài cán gì vẫn muốn xuất hiện trên phim thì thật buồn cười. Các diễn viên xuất thân từ giới giang hồ không được học qua trường lớp đào tạo về diễn xuất nên trên phim, họ như những con rối, diễn một cách bản năng. Họ mắc chứng nói lắp, đài từ không có, không kiểm soát được tốc độ nói cũng như không biết làm chủ cảm xúc khi diễn.
Phú Lê trong câu thoại hỏi thăm mẹ, dù rất đơn giản nhưng lắp bắp. Nhiều cảnh khi vừa thoại, anh vừa nhăn trán ráng nhớ câu thoại tiếp theo. Chưa kể, Phú Lê cùng nhiều anh em giang hồ khác nói ngọng giữa chữ “n” và “l”. Những câu thoại "hét ra lửa" đáng ra phải khiến người xem khiếp sợ thì các lỗi trên khiến tình huống gay cấn trở nên buồn cười.
Đường Nhuệ cũng không khá hơn khi liên tục gượng gạo, thoại nhát gừng từng câu. Đến đoạn đàn em lao ra đỡ cho mình nhát dao chí mạng, Đường Nhuệ nâng đàn em, nheo đôi mắt, nhăn nhúm toàn bộ gương mặt ráng ép cho giọt nước mắt rơi nhìn như phân cảnh hài không hơn không kém. Các cảnh đánh nhau hòng triệt hạ đối thủ được lồng ghép dày trong các tập nhưng ngoài các pha đánh đấm ra trò, nhiều cảnh đấu võ như mèo cào, thiếu thuyết phục.
Đường Nhuệ đảm nhận nhiều vai đánh đấm, sống trượng nghĩa trên phim
Xem phim do giang hồ đóng dễ thấy được dụng ý của người thực hiện thông qua kịch bản. Xưa nay hiếm có, nếu không muốn nói chưa bao giờ có một kịch bản phim về giang hồ mà từ đầu, gã giang hồ đã được xây dựng như tượng đài. Có nhiều phim làm về quá trình hoàn lương của các ông trùm nhưng trước khi rũ bỏ bạo lực, tránh xa tội ác, nhân vật phải có bước chuyển hợp lý. Còn ở đây, những bộ phim đậm đặc tính quảng bá, truyền thông, lý tưởng hoá nhân vật, bỏ qua các yêu cầu cơ bản về tính logic của kịch bản khiến câu chuyện trở nên phi lý.
Những sản phẩm phim giang hồ “cây nhà lá vườn” kể trên chỉ khiến khán giả phì cười với các màn tự xưng, tự luyến để rồi khi tra tay vào còng, người xem lại “khai quật” và buông những tiếng cười khoái trá.
Theo PNO