Màn ảnh Việt đua nhau đi tìm 'đả nữ'

Đăng lúc: 3:06 am, Ngày 18/11/2020

Từ sau thành công phòng vé 200 tỷ đồng của "Hai Phượng", nhà nhà thích làm phim hành động, người người đua nhau tập làm “đả nữ”.

Thành công vang dội trong nước lẫn ngoài nước của bộ phim Hai Phượng đã khơi mào cho trào lưu trở thành đả nữ trên màn ảnh. Nhưng để được công nhận là “đả nữ” như Ngô Thanh Vân đã làm được, mọi thứ có lẽ không chỉ dừng lại ở yếu tố nhan sắc và biết đánh đấm.
 
Ngọc nữ chuyển mình thành “đả nữ”
 
Ngày 16/11, đoàn phim Thanh Sói đã công bố Đồng Ánh Quỳnh sẽ thay thế Ngô Thanh Vân làm “đả nữ” mới trên màn ảnh. Cô người mẫu đến từ Hà Nội này đã vượt qua hơn 300 thí sinh ứng tuyển và trải qua hơn một năm luyện tập diễn xuất, đánh võ để vào vai Thanh Sói trong bộ phim cùng tên, “ăn theo” nhân vật trùm giang hồ Thanh Sói từng được yêu thích trong phim Hai Phượng.
 
Tuy nhiên, trong dự án này, điều ngạc nhiên nhất không phải là việc ai được chọn đóng Thanh Sói, mà là nữ ca sĩ Tóc Tiên cũng góp mặt với một vai hành động hứa hẹn ác liệt không kém nhân vật Thanh Sói.  
Đồng Ánh Quỳnh liệu có trở thành “đả nữ” tiếp theo Ngô Thanh Vân?
 
Đồng Ánh Quỳnh, Tóc Tiên cùng người mẫu Rima Thanh Vy - nữ diễn viên cuối cùng trong tuyến nhân vật chính của phim Thanh Sói - là những người đẹp mới nhất gia nhập trào lưu làm “đả nữ”. Dễ nhận thấy dạng vai hành động, đánh đấm luôn là đích đến của các diễn viên nữ, khi muốn thay đổi hình tượng hoặc lần đầu lấn sân phim ảnh. 
 
Đây là lựa chọn hợp lý, vì những nhân vật sở hữu nét mạnh mẽ, cá tính luôn thu hút sự chú ý hơn dạng vai hiền lành. Các cảnh hành động vốn đòi hỏi cao về mặt thể lực, diễn xuất, sẽ là cơ hội để người vào vai chứng tỏ khả năng hy sinh vì nghệ thuật, cũng như giới hạn chịu đựng của mình tới đâu, từ đó đem đến cái nhìn khác cho khán giả.
 
Người người làm “đả nữ”
 
Trong web drama Kẻ săn tin do diễn viên Minh Hằng sản xuất, trọng tâm diễn xuất của cô nằm ở cảnh đánh đấm, lái mô tô, hành động mạnh mẽ, thay vì tâm lý tình cảm như các phim trước đây. Tương tự, Thu Trang cũng tự sản xuất phim Chị Mười Ba để chứng minh cô không chỉ có khiếu hài mà còn có thể vào những vai “chị đại” nam tính, mạnh mẽ, giỏi võ. 
 
Trong Bằng chứng vô hình, có một ca sĩ/diễn viên Ái Phương lạnh lùng, lì đòn khi vào vai nữ trinh sát, khác với các vai diễn tưng tửng, gây cười trước đây của cô. Cuối năm nay, khán giả còn được chứng kiến hai trường hợp lột xác khác là Hoàng Yến Chibi từ bỏ hình ảnh trong sáng, trẻ trung, nhí nhảnh để sắm vai một cô nàng “nhỏ nhưng có võ” đúng nghĩa trong Người cần quên phải nhớ và hoa hậu H’Hen Niê với một vai diễn nặng ký có nhiều pha hành động kịch tính như đấu với các cao thủ, phối hợp với xe ô tô, xe phân khối lớn trong phim 578 - Phát đạn kẻ điên
 
Không chỉ luyện võ, đôi khi để đáp ứng yêu cầu vai diễn, các diễn viên còn phải ăn uống kiêng khem để có thân hình chuẩn. Đứng ở góc độ tâm lý người xem, quá trình khổ luyện kể trên được đánh giá cao hơn những đoạn diễn tả tâm lý, vì không phải người đẹp nào cũng chịu đau, chịu bầm dập, xấu xí trên phim.
 
Trong buổi ra mắt dự án Thanh Sói, nữ ca sĩ Tóc Tiên chia sẻ lý do cô tham gia Thanh Sói vì cần thử thách mới, muốn đổi mới bản thân, nhưng sau nhiều lần thương tích vì tập võ suốt ba tháng, cô cũng từng định bỏ vai, nhờ đoàn phim động viên nên mới tiếp tục. 
 
Đẹp, biết võ, liệu có đủ?
 
Xu hướng đổ xô làm “đả nữ” cũng đang là trào lưu chung của thế giới. Vài năm gần đây, màn bạc Hollywood xuất hiện ngày càng nhiều ngôi sao thành công khi chuyển hướng sang vai trò này như Alicia Vikander (phim Tom Raider), Brie Larson (phim Captain Marvel), Gal Gadot (phim Wonder Woman), Scarlette Johanson (phim Black Widow), Zoe Saldana (loạt phim Avengers).
 
Việt Nam cũng không ngoại lệ, nhất là từ sau thành công phòng vé 200 tỷ đồng của Hai Phượng, nhà nhà thích làm phim hành động, người người đua nhau tập làm “đả nữ”. Tuy nhiên, con đường dẫn đến danh xưng “đả nữ” liệu có dễ?
 
Nhà sản xuất - diễn viên Ngô Thanh Vân cho biết: “Để làm “đả nữ”, cần nhất phải lì trong suy nghĩ, vì đó là hành trình rất đau đớn. Ngoài ra yếu tố ngoại hình, diễn xuất cũng quan trọng. Do đó, việc có nhiều cô gái trẻ muốn làm “đả nữ” cũng là tín hiệu tốt cho điện ảnh Việt Nam, vì không phải ai cũng chịu khó trải qua hành trình đó và không phải ai cũng có tố chất để làm “đả nữ”.  
Hoa hậu H’Hen Niê có một vai diễn nhiều pha hành động trong phim 578 - Phát đạn kẻ điên
 
Tuy nhiên, có thể thấy những khía cạnh như ngoại hình, tố chất chưa thể gọi là đủ để một diễn viên được gọi là “đả nữ”, nếu bộ phim họ tham gia không phải là “bom tấn” hành động. Vì chỉ ở những sản phẩm này, sự đầu tư vào những cảnh quay đánh đấm mới được dàn dựng công phu, hoành tráng, giúp diễn viên phô diễn được kỹ thuật phức tạp trong hành động. Còn lại trong những bộ phim không phải thuộc dòng “thuần” hành động, thì các phân đoạn hành động thường cũng chỉ dừng ở mức làm cho có, nên diễn viên dù có lăn xả cũng khó tạo ấn tượng sâu đậm.
 
Thậm chí, nếu người nhập vai chưa làm hết sức còn tạo ra cảm giác “làm màu”. Sở dĩ Ngô Thanh Vân được ca tụng là “đả nữ phim Việt”, vì các vai diễn đưa cô đến danh hiệu này như Dòng máu anh hùng, Hai Phượng đều là những “bom tấn” hành động đúng nghĩa, có những đoạn đánh nhau được dàn dựng rất dài, phức tạp, cộng thêm hậu kỳ âm thanh kỹ xảo chỉn chu gây mãn nhãn. 
 
Nhìn chung, bất cứ sự hóa thân ở dạng vai gì, hành động hay tâm lý, cũng đều quan trọng như nhau. Không phải ngôi sao hành động nào cũng diễn tâm lý tốt, và ngược lại, nên trào lưu đua nhau làm “đả nữ” xem như góp phần sàng lọc sở trường của mỗi diễn viên, để màn ảnh Việt có thêm sự đa dạng. 
 
Theo PNO

Đọc thêm các bài khác