Sau thành công của "Ròm" và "Tiệc trăng máu", nhiều nhà sản xuất tranh thủ đưa phim ra rạp, bởi thời điểm này, những “bom tấn” ngoại lẫn Việt vẫn còn vắng bóng.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với đây là dịp để các nhà làm phim “xả hàng” các tác phẩm kém chất lượng. Những tác phẩm ra rạp thời gian qua như Thang máy, Chồng người ta và Hoa phong nguyệt vũ nằm trong trường hợp này.
Điểm chung của ba phim này là đều nhận phản hồi tiêu cực từ người xem, vì nội dung hỗn độn, tình tiết lan man, diễn xuất gượng gạo. Nguyên nhân chủ yếu do đạo diễn lần đầu làm phim không có nhiều kinh nghiệm, nhưng lại muốn gây ấn tượng mạnh nên ôm đồm nhiều thứ, để rồi lạc lối trong mớ bòng bong do chính mình giăng ra.
Phim Thang máy dài dòng, không có đầu - đuôi, và để lại hàng loạt thắc mắc chưa được giải đáp
Phim Thang máy mượn trò chơi thang máy mang hơi hướng tâm linh của Nhật - Hàn kể về nỗi ám ảnh của một nạn nhân ấu dâm. Ý tưởng này khá lạ và câu chuyện quấy rối trong thang máy cũng là đề tài thời sự. Tuy nhiên, cách kể của đạo diễn Peter Mourougaya dài dòng, không có đầu - đuôi, và để lại hàng loạt thắc mắc chưa được giải đáp: Vì sao Trang bị ám ảnh bởi hình ảnh người phụ nữ áo đen trong thang máy? Dượng Sơn thoát khỏi bệnh viện bằng cách nào để về nhà bắt cóc mẹ Trang? Tâm lý Trang yếu nhất, nhưng sao hết lần này đến lần khác thoát nạn? Để lý giải những điều khó hiểu trên, phim “chốt” lại tất cả chỉ là giấc mơ của nhân vật chính, khiến người xem chưng hửng.
Chồng người ta của đạo diễn Nguyễn Hữu Tiến khai thác bi kịch người đồng tính - một đề tài khá “hot” trên màn ảnh. Phim mở màn với việc hồi tưởng cuộc tình quá khứ giữa hai chàng trai Cường và Trung; sau đó chuyển qua cuộc sống hiện tại của vợ chồng Cường - Hà đang gặp rắc rối khi nhân vật Thắng xuất hiện vạch trần quá khứ của Cường. Xen kẽ đó, phim cũng kể tuyến truyện tình yêu giữa Hải - con trai Cường và Hà với cô bạn cùng lớp tên Hảo.
Diễn biến tâm lý nhân vật ở phim Chồng người ta đầy mâu thuẫn
Việc phim liên tục chuyển cảnh với các tình tiết hiện tại - quá khứ chồng chéo, phân bổ thời lượng cho các tuyến nhân vật không hợp lý, làm cho tổng thể bị rời rạc. Diễn biến tâm lý nhân vật cũng đầy mâu thuẫn; chẳng hạn Thắng chấp nhận tung ảnh giường chiếu của mình với người đồng giới trước tập thể giáo viên, học sinh, nhưng lại sợ hãi lo lắng khi bị một người lạ “bóc phốt” chuyện “giật chồng” người khác. Đỉnh điểm là phim kết lại bằng một cú “twist“ đầy sai lệch kiến thức về giới tính, xu hướng tính dục, khi để cho một nhân vật nam chấp nhận phẫu thuật chuyển giới thành nữ để giữ hạnh phúc vợ chồng với người tình đồng tính!
Hoa phong nguyệt vũ là một thách thức giới hạn chịu đựng của người xem, khi bày ra một câu chuyện pha trộn nhiều yếu tố: hành động, kinh dị, trinh thám, mà yếu tố nào cũng làm cho có. Các cảnh hành động diễn ra kiểu “vô duyên vô cớ”, kinh dị không đủ sức hù dọa, quá trình trinh thám phá án không đem lại sự hồi hộp. Đạo diễn Phạm Thanh Hải, vốn là người quản lý hạng mục đầu tư của phim Hai Phượng, Song lang, lần đầu bước sang vai trò mới đã chưa đủ nội lực để đem đến một cách kể mượt mà cho một kịch bản tham lam đề cập đủ thứ, từ bi kịch hôn nhân gia đình, tình yêu đồng tính, nạn mê tín dị đoan, buôn bán sản xuất ma túy, các căn bệnh tâm lý trong xã hội hiện đại…
Hoa phong nguyệt vũ là một thách thức giới hạn chịu đựng của người xem
Dịch Covid-19 đã khiến điện ảnh trong nước trải qua một giai đoạn kinh doanh đầy khó khăn, khán giả cũng không còn hứng thú đến rạp. Thành công phòng vé của Ròm và Tiệc trăng máu vừa qua đã làm hồi sinh phần nào thị trường phim Việt. Vì vậy, nhiều nhà sản xuất cũng tranh thủ cơ hội này để đưa phim ra rạp, bởi thời điểm này, những “bom tấn” ngoại lẫn Việt vẫn còn vắng bóng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với đây là dịp để các nhà làm phim “xả hàng” các tác phẩm kém chất lượng.
Ai làm phim cũng phải trải qua tác phẩm đầu tay. Là lần đầu kể chuyện, có lẽ, trước hết cứ chọn kể một câu chuyện gần gũi, đời thường, một thể loại, đề tài vừa sức. Đừng tỏ ra nguy hiểm bằng cách tìm kiếm một cốt truyện lắt léo, đề tài phức tạp, thông điệp đao to búa lớn, vì một khi tham vọng không đi kèm với thực lực, thì dễ rơi vào tình thế “gậy ông đập lưng ông”.
Làm phim là một hành trình khó khăn, nhất là phim đầu tay. Nên sẵn sàng giới thiệu đến người xem đứa con tinh thần của mình, khi mọi nền tảng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Điện ảnh là một cuộc chơi lớn, nếu không góp phần giúp điện ảnh nước nhà tiến bộ, cũng đừng khiến chất lượng phim Việt bị giật lùi bằng những sản phẩm kém chất lượng. Tóm lại, yếu, xin đừng ra gió!
Theo PNO