Hình ảnh các vận động viên Olympic đứng trên bục chiến thắng và cắn những tấm huy chương danh giá đã trở thành biểu tượng qua các kỳ Thế vận hội, theo CNN.
Ngày 25/7, ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 thậm chí chia sẻ một bài đăng trên mạng xã hội khuyến cáo các vận động viên cân nhắc khi làm theo truyền thống này.
"Chúng tôi chỉ muốn chính thức xác nhận rằng huy chương tại Olympic Tokyo 2020 không phải thứ có thể ăn. Huy chương của chúng tôi được làm bằng vật liệu tái chế từ các thiết bị điện tử do người dân Nhật Bản quyên góp. Vì vậy, bạn không cần phải cắn chúng nhưng chúng tôi cũng biết rằng các vận động viên vẫn sẽ làm vậy".
VĐV Anh Adam Peaty giành huy chương vàng nội dung 100 m bơi ếch
Có nhiều cách lý giải khác nhau về truyền thống ăn mừng chiến thắng bằng việc cắn huy chương của các vận động viên. David Wallechinsky, chủ tịch Hiệp hội các nhà sử học Olympic quốc tế, nói rằng việc cắn huy chương có thể là một nỗ lực làm hài lòng giới truyền thông của các vận động viên.
Nhiều nhiếp ảnh gia thường yêu cầu những người được trao huy chương tạo dáng theo cách này để có một bức ảnh đẹp. "Nó đã trở thành nỗi ám ảnh với các nhiếp ảnh gia. Tôi nghĩ họ xem hành động đó như một biểu tượng, một thứ có thể bán được. Tôi không nghĩ đó là điều mà các vận động viên có thể tự nghĩ ra", Wallechinsky, đồng tác giả của The Complete Book of the Olympics, cho biết.
Huy chương vàng Olympic Tokyo 2020 chủ yếu làm từ vật liệu tái chế
Ngoài lý do trên, nhiều người cho rằng truyền thống cắn huy chương của các vận động viên còn bắt nguồn từ thói quen kiểm tra vàng từ thời xa xưa.
Khi vàng đúc vẫn là đơn vị tiền tệ phổ biến, việc cắn vào những thỏi hay đồng vàng chính là phương pháp kiểm tra đơn giản nhất để nhận biết chúng có bị làm giả hay không. Vàng vốn là một kim loại tương đối mềm. Càng mềm, hàm lượng vàng càng cao. Nếu răng chìm sâu, chứng tỏ đó là một thỏi vàng nguyên chất. Ngược lại, vết cắn nông cho thấy đó chỉ là một loại "tiền giả" với lớp mạ vàng mỏng.
Tuy nhiên, ngày nay, huy chương vàng Olympic chỉ có khoảng 1% vàng. Chúng chủ yếu được làm bằng đồng, bạc hoặc các vật liệu tái chế. Vậy nên, hơn cả việc kiểm tra chất vàng, các nhà vô địch vẫn thường đặt răng vào mỗi tấm huy chương như một cách chứng tỏ giá trị bản thân.
Để tôn vinh, kỷ niệm chiến thắng của mình tại đại hội thể thao lớn nhất thế giới, các nhà vô địch Olympic không chỉ cắn tấm huy chương vàng trước ống kính máy quay. Họ còn phải nghĩ cách bảo quản, lưu giữ chúng.
Kình ngư Tom Daley, người cùng đồng đội Matty Lee giành huy chương vàng Olympic Tokyo nội dung nhảy đôi cầu cứng 10 m nam hôm 26/7, đã đan một chiếc túi len để giữ cho tấm huy chương vàng quý giá của mình không bị trầy xước.
Còn vận động viên Primoz Roglic, người đã đem về chức vô địch Olympic đầu tiên trong môn đua xe đạp cho Đoàn Thể thao Slovenia, thừa nhận rằng tấm huy chương khiến anh rất ngạc nhiên. "Đó là một thứ khá nặng nề, nhưng nó rất đẹp. Tôi rất tự hào và hạnh phúc", anh nói với giới truyền thông.
Tom Daley (bên trái) đan túi len để giữ tấm huy chương vàng ở Olympic Tokyo 2020
Năm 2008, cầu thủ bóng đá Christie Rampone của đội tuyển Mỹ nói với Tampa Bay Times rằng cô giấu toàn bộ huy chương của mình trong những chiếc nồi ở nhà vì tin rằng đó là nơi an toàn nhất.
Trong khi đó, Michael Phelps, vận động viên bơi lội có tổng cộng 23 huy chương vàng Olympic, tiết lộ rằng anh đã cất 8 tấm huy chương đạt được ở Thế vận hội Bắc Kinh 2008 trong một hộp trang điểm được bọc thêm chiếc áo phông màu xám bên ngoài.
Tuy vậy, không phải nhà vô địch nào cũng cố gắng cất giữ các tấm huy chương. Võ sĩ quyền anh Wladimir Klitschko đã bán huy chương vàng mà anh giành được tại Đại hội thể thao Atlanta 1996 với giá 1 triệu USD. Số tiền được chuyển đến quỹ Klitschko Brothers - một tổ chức từ thiện do anh và anh trai Vitali thành lập để giúp đỡ những trẻ em nghèo khó ở Ukraine.
Tương tự, vận động viên bơi lội người Mỹ Anthony Ervin cũng bán đấu giá huy chương vàng Olympic 2000 của mình trên eBay để hỗ trợ những người sống sót sau trận sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương.
Theo Zing