Từ vụ Cảnh Điềm bị phạt nặng 25 tỷ, nhìn về thực trạng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật ở Việt Nam

Đăng lúc: 8:19 am, Ngày 01/06/2022

Cuối năm 2021, diễn viên Trung Quốc Cảnh Điềm quảng cáo một loại đồ ăn với thông tin có thể ngăn chặn hấp thu mỡ và đường. Tuy nhiên, chưa có báo cáo nào chứng minh sản phẩm có tác dụng này.

Hôm 28/5, cơ quan quản lý thị trường thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông yêu cầu diễn viên nộp phạt hơn 7,2 triệu nhân dân tệ (khoảng 25 tỷ đồng).
 
Đây là lần đầu một diễn viên hạng A của Trung Quốc bị xử lý vì vi phạm luật quảng cáo. Theo Hiệp hội Nghệ sĩ Truyền hình Trung Quốc, đây là một biện pháp mạnh mẽ để duy trì trật tự thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; là động thái tất yếu để nhiều sở, ngành cùng thực hiện quản trị toàn diện trong lĩnh vực văn hóa, giải trí. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho nghệ sĩ, diễn viên.
 
Hiệp hội yêu cầu, khi quảng cáo, nghệ sĩ phải có trách nhiệm cao, đưa ra các khuyến nghị dựa trên thực tế khách quan, kiên quyết chống lại những thông tin sai lệch. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức người làm nghề, quảng cáo. Phải lấy con người làm trung tâm và định hướng sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ xã hội, luôn ý thức tạo ra tác phẩm có giá trị cũng như thượng tôn pháp luật...
Diễn viên Cảnh Điềm vừa bị phạt vì quảng cáo sai sự thật
 
Từ sự việc của Cảnh Điềm cũng cần nhìn nhận lại thực tế đang diễn ra tại Việt Nam. Năm 2021, một làn sóng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, nói quá công dụng sản phẩm bị khán giả phát giác, chỉ trích, trong đó có thể kể đến như: NSND Hồng Vân, MC Quyền Linh, nghệ sĩ Trung Dân, diễn viên Nam Thư, Kiều Minh Tuấn... Khi sự việc này chưa kịp lắng thì Diệu Nhi, Mai Phương Thúy, Phương Mỹ Chi... tiếp tục xin lỗi vì phạm lỗi như trên.
 
Trong vụ của Cảnh Điềm, nữ diễn viên phải nhận mức phạt gần gấp đôi cát-sê hợp đồng quảng cáo. Còn tại Việt Nam, những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, nói quá công dụng sản phẩm chỉ xin lỗi, xem như xong chuyện. Phần lớn không bị xử lý tận gốc, dẫu theo nhiều luật sư đã có căn cứ xử lý.
Nghệ sĩ Trung Dân từng bị chỉ trích vì sử dụng giấy xét nghiệm giả trong quảng cáo
 
Mức phạt nếu có cũng rất nhẹ, chẳng thấm vào đâu. Chẳng hạn, Angela Phương Trinh chỉ bị phạt, 7,5 triệu đồng vì những bài viết quảng bá cho việc dùng địa long chữa Covid-19 và tên một đơn vị bán bột địa long. Số tiền phạt quá nhỏ so với thù lao của nhiều người nổi tiếng nhận được cho công việc này. Sau khi bị phạt, Angela Phương Trinh tiếp tục quảng bá địa long trị ung thư, hỗ trợ điều trị một số bệnh khác. Sự thách thức này cho thấy rõ mức phạt vẫn không có ý nghĩa trong việc răn đe.
 
Hầu hết những sự việc đã xảy ra, chỉ khi công chúng phát giác, phản ứng mạnh thì nghệ sĩ mới lên tiếng xin lỗi, nhận trách nhiệm. Điều đó cho thấy ý thức của họ với pháp luật, với cộng đồng vẫn còn bị xem nhẹ, hoặc không/chưa được trang bị đúng mức cần có. Không chỉ mới trong năm 2021, mà trước đó đã từng có nhiều người nổi tiếng bị phản ứng vì hành vi tương tự như trên. Phải chăng việc xử lý không rốt ráo, quyết liệt của cơ quan chức năng đã khiến thực trạng này không thể chấm dứt?
 
Trên mạng xã hội, khi bàn luận về vụ việc của Cảnh Điềm, nhiều khán giả Việt Nam vẫn phàn nàn về tình trạng nghệ sĩ quảng cáo tràn lan, thậm chí bán hàng giả, hàng nhái. Phần lớn đều cho rằng vẫn cần biện pháp để chấm dứt tình trạng này, góp phần làm sạch nền giải trí nước nhà.
Angela Phương Trinh từng bị phạt 7,5 triệu đồng vì quảng cáo địa long chữa Covid-19
 
Tháng 6/2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có công văn gửi các địa phương để chấn chỉnh hoạt động của nghệ sĩ,  tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức về pháp luật cho nghệ sĩ; kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm... Cuối năm 2021, bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ được ban hành, trong đó có đề cập đến ý thức của nghệ sĩ trong việc quảng cáo, nâng cao trách nhiệm vì cộng đồng.
 
Tháng 4/2022, Bộ Y tế có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công An, UBND các tỉnh/thành phố về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Động thái này xuất phát từ thực tiễn tồn tại rất nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo, chủ yếu tập trung vào các hành vi như quảng cáo không đúng bản chất của sản phẩm, quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung và quảng cáo không đúng nội dung đã được thẩm định.
 
Những quy định mới ra đời cho thấy cơ quan chức năng đã có sự quan tâm, giám sát kịp thời, nhưng vẫn cần quyết liệt và có động thái mạnh mẽ hơn trong việc xử phạt, chấn chỉnh. Thuốc đắng thì mới mong dã tật.
 
Theo Phụ nữ TP.HCM

Đọc thêm các bài khác