Có nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên… tham gia quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm, không trung thực trong lời quảng cáo so với công dụng sản phẩm được cấp phép...
Gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội Facebook, YouTube... khó chịu vì những kiểu quảng cáo 'trên trời, dưới đất' chen ngang. Thịnh hành nhất là quảng cáo thực phẩm bổ sung sức khỏe, thực phẩm chức năng... với những lời lẽ “có cánh”, thổi phồng công dụng thực phẩm như thuốc điều trị. Đáng nói, người tham gia quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm, không trung thực trong lời quảng cáo so với công dụng sản phẩm được cấp phép, lại là những người của công chúng, có sức ảnh hưởng dư luận, trong đó có nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên…
Tự xưng trưởng khoa
Rảo một vòng mạng xã hội và tìm từ khóa như “chữa viêm mũi xoang” sẽ cho ra hàng loạt các nhóm, trang. Thậm chí, có những video xuất hiện một số nghệ sĩ, ca sĩ tham gia nói về công dụng của sản phẩm này, kêu gọi lòng tin của công chúng.
Đơn cử, ngày 2.4, trên một trang Facebook đăng video nam ca sĩ H. nói về sản phẩm viên sủi Shami Xoan được cho là “triệt tận gốc viêm xoang” với những lời có cánh, như: “hai em bé thần tiên”, “vị cứu tinh của những ai đang bị xoang”… Trong video cũng kèm theo số điện thoại để liên hệ.
Video trên Facebook, YouTube có xuất hiện nam ca sĩ H. nói về sản phẩm Shami Xoan
Gọi đến số điện thoại này, phóng viên (PV) được một người giọng nữ xưng là Hiền, trưởng của một khoa thuộc Bệnh viện 108 tại Hà Nội (?). Chúng tôi nói bị xoang, trời hơi lạnh là nhức đầu, mũi chảy nước khó chịu… Người này khẳng định chắc nịch là chắc chắn sẽ chữa khỏi, cam kết điều trị chuyên sâu hơn “thuốc tây”. “Mua thuốc tây ngoài tiệm có mấy chục nghìn chỉ hỗ trợ tạm thời, hết thuốc sẽ tái phát. Nên dồn tiền vào điều trị dứt điểm đi. Để lâu sẽ biến tướng nguy hiểm, thành viêm xoang mũi polyp, nó là dạng ung thư xoang lành tính, khó điều trị...”, người tự nhận trưởng khoa này nói và giới thiệu thêm, Shami Xoan “được điều chế dưới dạng công nghệ nano Nhật Bản”, khi uống vào sẽ thẩm thấu dưới dạng nano nhanh, hiệu quả tốt, đẩy chân viêm ra nhanh sau 5 ngày. “Em sẽ kê liệu trình, 20 ngày điều trị gồm 2 hộp uống gồm 40 viên, uống sáng 1 viên, tối 1 viên sau ăn 30 phút, pha với 200 - 300 ml nước ấm; và 2 hộp kháng khuẩn đi kèm xịt 2 - 3 lần mỗi ngày”, bà Hiền tư vấn. Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc, người này trấn an: “Trên vỏ hộp thuốc có số điện thoại mà em đang gọi, vì em là trưởng khoa bên này. Đồng thời, có đóng dấu đỏ chính hãng của Bộ Y tế, có tem chống hàng giả của Bộ Công thương, sau đó mở ra sẽ thấy đủ 2 hộp uống, 2 hộp xịt. Trên vỏ hộp cũng có mã vạch, khi kiểm tra sẽ ra thông tin đăng ký chịu trách nhiệm, giá cả, đánh giá…”.
Thế nhưng theo thông tin mà PV Thanh Niên nhận được từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), sản phẩm Shami Xoan có tên gọi là “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shami Xoan”, được cấp cho Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Griffin Việt Nam (Hà Nội). Giấy xác nhận quảng cáo số 2739 ngày 28.8.2020. Nội dung quảng cáo, ngoài các thành phần nhãn mác, thì công dụng là: hỗ trợ thông mũi, hỗ trợ giảm các biểu hiện chảy nước mũi, ngạt mũi, đau vùng đầu trán do viêm xoang. Không có nội dung nào nói là “sản phẩm rất đặc biệt, là vị cứu tinh của những ai đang bị xoang, hai em bé thần tiên, công nghệ nano Nhật Bản…”. Đồng thời, chiều 5/5, trả lời PV Thanh Niên, đại diện Bệnh viện 108 cho biết “không có trưởng khoa nào tên Hiền”.
Thuốc xách tay, dùng trong nội bộ chính phủ (?!)
Béo phì, đột quỵ là hai căn bệnh được nhiều người quan tâm. Nắm được tâm lý này, các nhà sản xuất, quảng cáo “tung chiêu” lôi kéo người mập, béo giảm cân, phòng ngừa đột quỵ bằng những sản phẩm được “nổ” như “thần dược”. Trong một video có thời lượng khoảng 7 phút đăng trên YouTube, nam diễn viên L. quảng cáo viên sủi giảm cân tên Slim Hami với nội dung các thành phần có trong viên sủi “giúp đào thải tất cả mỡ thừa, và biến mỡ thừa đó thành năng lượng, đặc biệt dành cho chị em mỡ thừa nhiều, mỡ “xi măng, mỡ trâu”, mỡ lâu năm làm nhiều cách mà không tan”.
Nam diễn viên L. nói về viên sủi giảm cân tên Slim Hami không đúng với nội dung quảng cáo được cấp phép
Theo thông tin mà PV có được, sản phẩm Slim Hami có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 1146 do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp cho Công ty TNHH Mihaco Việt Nam (Hà Nội). Công dụng của sản phẩm được cấp phép đúng 11 chữ: “Hỗ trợ tăng cường chuyển hóa mỡ, hỗ trợ giảm béo”. Ngoài ra, còn có dòng chữ cảnh báo về sức khỏe: “Không sử dụng cho người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của sản phẩm. Không dùng cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường”. Tuy nhiên, trong video được đăng tải, diễn viên L. không nói những thông tin rất quan trọng này mà đi nói những từ ngữ ngoài nội dung cho phép như: “đào thải tất cả mỡ thừa, biến mỡ thừa đó thành năng lượng, đẹp da, đẹp dáng”…
Trong một livestream trên Facebook, nữ nghệ sĩ T. (tài khoản có đến hàng chục ngàn người theo dõi), rao bán sản phẩm được cho là “có khả năng chống đột quỵ”, thu hút hàng chục ngàn lượt xem và hàng trăm lượt thích, bình luận. Cũng thông qua livestream bán hàng này, đã có nhiều người “chốt đơn”, với một hộp 10 viên, có giá trên 11 triệu đồng; bán lẻ giá 950.000 đồng/viên.
Trong vai khách hàng tìm mua “thuốc chống đột quỵ”, chúng tôi liên lạc với số hotline mà nữ nghệ sĩ T. giới thiệu, thì được một nữ nhân viên tư vấn. Khi hỏi thành phần “thuốc” gồm những gì, tư vấn viên này mất một lúc để tìm thông tin và đọc cho chúng tôi thành phần gồm: nhân sâm, sâm đất, đương quy… “giống các loại thuốc bắc”. Hỏi nguồn gốc và tên của sản phẩm, có tra cứu thông tin trên trang chủ của công ty sản xuất được hay không thì người này ấp úng: “Đây là do bạn của chị T. (nữ nghệ sĩ livestream giới thiệu sản phẩm - PV) gửi về từ Hàn Quốc, “loại thuốc dùng trong nội bộ Chính phủ” (?). Chị T. thấy tốt nên giới thiệu lại cho mọi người. Tên thuốc là cung linh đan, còn tên hãng thuốc là tiếng Hàn nên em không đọc được”.
Phớt lờ trách nhiệm xã hội của người nổi tiếng: Theo TS Huỳnh Văn Thông (nguyên Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM): “Hiện nay có không ít nghệ sĩ thản nhiên lên truyền hình, báo, mạng xã hội để quảng cáo cho những nhãn hàng và sản phẩm thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh vốn có ảnh hưởng rất nhạy cảm đến sức khỏe con người. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ nói không ngại miệng rằng tôi hoặc người thân tôi dính bệnh này bệnh kia là nan y, là mãn tính rồi nhờ dùng thuốc này thuốc kia mà chữa được. Họ phớt lờ các chuẩn mực về trách nhiệm xã hội của người nổi tiếng, cũng như xem thường các quy định của pháp luật liên quan”.
Theo TNO